Hoạt động KH-CN TPHCM năm 2015 thu được những tín hiệu tích cực. Tỷ lệ đầu tư, ứng dụng của đề tài tăng cao. Nhiều đề tài nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu đặt hàng của xã hội, có hàm lượng công nghệ cao để giải quyết những vấn đề bức xúc của thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế “rất cũ” tồn tại trong công tác quản lý ở từng cán bộ, đơn vị đang ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của ngành.
Đầu tư nghiên cứu tăng
Ông Trịnh Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết hoạt động KH-CN năm vừa qua đã tập trung hơn vào nghiên cứu ứng dụng phát triển các sản phẩm công nghệ cao, chú trọng phát triển các lĩnh vực công nghệ ưu tiên của TP, bao gồm: Vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, môi trường và biến đổi khí hậu…
Tổng kinh phí sự nghiệp khoa học đã giải ngân là 177 tỷ đồng, đạt 95% ngân sách được giao. Trong đó, kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học là 128 tỷ đồng, đạt 105% so với kế hoạch và đây cũng là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.
Kinh phí này dành cấp cho 239 đề tài nghiên cứu, trong đó đã nghiệm thu được 158 đề tài. Giai đoạn 2013-2015, sở đã xét duyệt 49 đề tài và ký hợp đồng thực hiện 44 đề tài nghiên cứu trong chương trình thí điểm hợp đồng đặt hàng nghiên cứu khoa học theo hình thức khoán kinh phí.
Ở từng lĩnh vực, những kết quả khả quan có thể kể đến như dự án “Thiết kế và sản xuất thử nghiệm chíp vi xử lý 8 bit RISC thương mại SG-8V1”, do Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch chủ trì. Sản phẩm đã được thương mại hóa, có khả năng cạnh tranh về giá lẫn tính năng. Các phần mềm điều khiển giọng nói, phần mềm phục vụ công tác cập nhật cơ sở dữ liệu bản đồ cũng đạt được một số kết quả tốt. Tiếp tục nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng sạch, mới: quy trình tổng hợp nhiên liệu sinh học bio Hydrofined Diesl (BHD) từ nguyên liệu mỡ cá bằng phương pháp hydro hóa có xúc tác...
Cùng với đó, nhiệm vụ phát triển thị trường KH-CN được quan tâm, gắn kết với nhu cầu đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động Techmart, trình diễn và phân tích xu hướng công nghệ, sàn giao dịch công nghệ đã tiếp nhận 150 yêu cầu từ cá nhân, doanh nghiệp; tư vấn, kết nối 25 yêu cầu; ký kết 9 hợp đồng chuyển giao với tổng giá trị giao dịch là 2,11 tỷ đồng.
Sở đã hỗ trợ thêm 20 doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển KH-CN, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập quỹ đạt 101 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã trích lập quỹ với số tiền 494 tỷ đồng. Trong số này, các doanh nghiệp đã dành 168 tỷ đồng chi cho đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị.
Nỗ lực đổi mới sáng tạo
Không thể phủ nhận những đổi mới trong cách vận hành và quản lý KH-CN năm vừa qua, nhưng ngay từ các hoạt động của đơn vị vẫn còn đó những tồn tại, mà theo nhận định của ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, là xuất phát từ việc thiếu một tinh thần đổi mới sáng tạo.
Dẫn chứng điều này, ông Dũng cho biết khi TP đầu tư cho Trung tâm Thông tin KH-CN xây dựng một cơ sở dữ liệu để tra cứu về kết quả, thành tựu công nghệ, thay vì mở miễn phí cho các tổ chức, cá nhân tra cứu, thì đơn vị vận hành đã áp dụng phương thức đóng cửa, thu tiền người dùng. Kết quả chẳng biết có bao nhiêu người xài.
Hoặc như Viện Khoa học công nghệ tính toán, nếu chỉ loay hoay trong số các nhà khoa học hiện có, rồi mỗi năm kiếm vài đề tài để lấy kinh phí thì ngành khoa học tính toán không thể phát triển được. Viện không thể trở thành nơi thu hút các chuyên gia, các thành tựu mới trên thế giới.
Ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là đổi mới tư duy và hành động của từng cán bộ, tổ chức trong sở. “Sở KH-CN mang tiếng là đi dạy người khác nâng cao năng suất chất lượng, đổi mới… nhưng bản thân từng cán bộ, từng đơn vị của sở không đổi mới trong từng công việc, không nâng cao được cạnh tranh thì làm sao đi dạy người khác được”, ông Dũng nhìn nhận.
Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ TP nhiệm kỳ X đặt ra mục tiêu đến năm 2020, TP phải có những tổ chức KH-CN theo mô hình tiên tiến của thế giới. Theo ông Dũng, nếu vẫn áp dụng với cách quản lý như hiện nay sẽ khó làm được.
Cần phải thay đổi tư duy theo hướng mở, không ngừng đổi mới, định hướng tầm nhìn xa, hy sinh những cái vụn vặt trước mắt để ngành KH-CN có điều kiện bứt phá. Năm 2016, sở coi việc nâng cao công tác quản lý KH-CN đối với cán bộ, đơn vị của sở phải là nhiệm vụ đầu tiên và thực hiện một cách kiên quyết nhất.
Ngay trên địa bàn TP, nhiều nhà sáng chế không chuyên đã có những sản
phẩm công nghệ xuất khẩu, được nhiều tổ chức, doanh nghiệp quốc tế đặt
hàng. Nhưng cá nhân họ không đủ nguồn lực để tiếp nhận hợp đồng. Giới
trẻ cũng đang đổi mới sáng tạo, họ đang cần nguồn lực để giúp sức thì
chúng ta lại chưa nhìn thấy được. Trong khi ai ai cũng đổi mới sáng tạo
mạnh mẽ, thì chúng ta lại đóng cửa bảo nhau, giao nhiệm vụ, đề tài
nghiên cứu rồi cứ thế lẳng lặng thực hiện.
Ông NGUYỄN VIỆT DŨNG, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM |
|