Theo Science Magazine, bằng cách kết hợp lớp perovskite với tấm pin silic cổ truyền, các kỹ sư đã tăng mạnh hiệu quả của pin Mặt trời.

Pin Mặt trời silic có thể tăng sản sinh điện với lớp phủ vật liệu perovskite - Ảnh: ALAMY STOCK PHOTO
Pin Mặt trời silic có thể tăng sản sinh điện với lớp phủ vật liệu perovskite - Ảnh: ALAMY STOCK PHOTO

Perovskite, tên gọi chung của các vật liệu gốm có cấu trúc tinh thể giống với cấu trúc của vật liệu gốm canxi titanat (CaTiO3), là loại vật liệu đầy hứa hẹn để tạo ra pin Mặt trời. Theo tính toán, giải pháp hiệu quả nhất sẽ là kết hợp lớp perovskite với tấm quang điện silic tiêu chuẩn để đảm bảo hấp thụ tối đa năng lượng Mặt trời. Tuy nhiên, các phương pháp được đề xuất cho đến nay vẫn quá đắt đỏ.

Mới đây, một nhóm nghiên cứu Mỹ đã phát triển giải pháp mới với chi phí thấp. Thông thường, trong các tấm pin Mặt trời lai, lớp perovskite tạo ra một dòng điện dựa trên các photon của phổ màu xanh lam, nhưng trong một thiết kế mới, các kỹ sư đã điều chỉnh lớp perovskite để nó biến đổi gần như tất cả các photon màu xanh năng lượng cao thành bức xạ cận hồng ngoại (near-IR) - một dạng bức xạ mà tấm silic bên dưới tiếp cận được. Nhờ đó, hiệu suất hấp thụ ánh sáng tăng, cho phép chuyển đổi 32,2% năng lượng hấp thụ dưới dạng ánh sáng Mặt trời thành điện năng. Theo Michael McGehee, một chuyên gia về perovskite tại Đại học Stanford, đây là một mức tăng rất đáng kể.

Tháng 3 vừa qua, các nhà khoa học đã thành lập Công ty khởi nghiệp BlueDot để thương mại hóa sản phẩm trên. Tuy nhiên, ở thị trường mới này, đã có sự cạnh tranh khốc liệt: các công ty như British Oxford PV và Công ty Saule Technologies của Ba Lan cũng đang thử nghiệm các phiên bản pin Mặt trời kép như “bánh sandwich” kết hợp perovskite và silic của họ.