Cộng đồng trí tuệ nhân tạo (AI) đã gửi một thông điệp rõ ràng đến các nhà nghiên cứu Hàn Quốc là: “Đừng làm ra những con robot giết người.”
Gần 60 chuyên gia về AI và robot tại 30 quốc gia đã cùng nhau ký vào thư ngỏ, kêu gọi tẩy chay KAIST – một viện đại học quốc lập ở Daejeon (Hàn Quốc) – bị báo cáo là đang “nghiên cứu các công nghệ trí tuệ nhân tạo ứng dụng trên vũ khí quốc phòng, tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang phát triển vũ khí tự động”.
Trong thư, các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại khi KAIST, hợp tác cùng với Hanwha Systems – tập đoàn vũ khí hàng đầu của Hàn Quốc – vừa khai trương một cơ sở mới là Trung tâm Nghiên cứu Hội tụ Quốc phòng và Trí tuệ nhân tạo (Research Center for the Convergence of National Defense and Artificial Intelligence). Trong lúc Liên Hợp Quốc đang thảo luận tìm cách bảo vệ cộng đồng quốc tế trước nguy cơ robot sát thủ ngày càng trở nên phổ biến, thật đáng tiếc khi một tổ chức nghiên cứu khoa học uy tín như KAIST lại thúc đẩy cuộc chạy đua phát triển những vũ khí như vậy.
Để buộc KAIST từ bỏ tham vọng, giới khoa học đang tẩy chay trường này cho đến khi nào hiệu trưởng của họ đưa ra cam kết trung tâm nghiên cứu mới sẽ không phát triển “vũ khí tự động thiếu sự kiểm soát từ phía con người”. Cụ thể, các nhà khoa học quốc tế tẩy chay KAIST, sẽ từ chối không đến thăm trường, không đón tiếp khách từ KAIST, cũng như không đóng góp cho bất cứ dự án nghiên cứu nào liên quan đến nơi này.
Nếu KAIST tiếp tục theo đuổi dự án phát triển vũ khí tự động, điều này có thể dẫn đến một cuộc cách mạng [lần thứ ba] trong chiến tranh hiện đại, bức thư nhận định. Những vũ khí mới “có tiềm năng trở thành công cụ khủng bố”, chưa kể còn khuyến khích hoạt động triển khai chiến tranh trên quy mô lớn và tốc độ nhanh. Nghiêm trọng hơn, những kẻ bạo chúa và khủng bố, nếu sở hữu các vũ khí loại này, sẽ gây hại cho rất nhiều dân thường vô tội, nhờ xóa bỏ những ràng buộc về mặt đạo lý mà binh sĩ với các vũ khí quy ước thông thường (như máy bay chiến đấu) phải đối mặt.
Sự tẩy chay đối với các công nghệ giết người như vậy thực ra không mới. Như Công ước Geneva đã nêu rõ: cấm các lực lượng vũ trang trên thế giới sử dụng vũ khí laser gây mù lòa trực tiếp cho con người. Ngoài ra, các tác nhân gây tổn hại lên hệ thần kinh như chất độc sarin và VX cũng bị cấm bởi Công ước Vũ khí hoá học – mà hơn 190 nước đã tham gia ký kết. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước đều đồng ý tuân thủ những thỏa thuận như vậy. Tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc hiện vẫn hợp tác với KAIST để sản xuất bom, đạn chùm – loại vũ khí bị cấm theo Công ước Bom & Đạn chùm của Liên Hiệp Quốc và được hơn 100 quốc gia ủng hộ (nhưng không bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc)
Hanwha sẽ phải đối mặt với những hậu quả do hành vi của mình gây ra. Dựa trên cơ sở đạo đức, quỹ hưu trí nhà nước quản lý số vốn lên đến 380 tỷ USD của Na Uy tuyên bố sẽ không đầu tư vào cổ phiếu của Hanhwa. Thay vì đầu tư nghiên cứu công nghệ giết người tự động, KAIST nên làm việc với các thiết bị AI để giúp cải thiện cuộc sống của con người chứ không phải làm hại họ – giới khoa học kêu gọi.
Những năm qua, các tên tuổi khoa học uy tín cũng đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ từ trí tuệ nhân tạo, trong đó có robot sát thủ, nổi bật nhất là tỷ phú Elon Musk và nhà vật lý Stephen Hawking đã quá cố.
Trả lời thư ngỏ trên, Viện trưởng Sung-chul Shin của KAIST đã cam kết đại học của ông không hề có ý định tham gia phát triển các hệ thống vũ khí sát thương, cũng như robot giết người: “KAIST sẽ không tiến hành bất cứ hoạt động nghiên cứu nào nhằm mục đích chống lại phẩm giá con người, trong đó có các vũ khí giết người tự động”.
Tuy nhiên, theo tờ The Guardian, một công ty quốc phòng khác của Hàn Quốc tên là Dodaam Systems cũng đã phát triển một thế hệ robot chiến đấu độc lập, được gắn trên tháp pháo cố định và có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 3 dặm (4,8 km). Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất và Qatar chính là những khách hàng của công nghệ này.
Được biết, quân đội Hàn Quốc còn triển khai một đội robot tuần tra SGR-A1 khác (do Samsung chế tạo) dọc biên giới với Bắc Triều Tiên. Những con SGR-A1 được trang bị súng máy và có khả năng chuyển sang chế độ tự động, nhưng hiện vẫn được con người vận hành thông qua hệ thống camera.