Cao Thanh Hải quyết định bỏ việc, bán đi thương hiệu trà sữa đang “ăn nên làm ra” của mình để đổ tiền, thời gian xây dựng Alfazi - ứng dụng di động hỗ trợ học tập trực tuyến, nơi giải đáp các vấn đề về tiếng Anh, Toán, Lý, Hóa và ra câu trả lời trong thời gian thực.
Alfazi được phát triển dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ tương tự như Uber, Grab, cho phép học sinh lớp 12 hỏi những kiến thức từ lớp 5, lớp 6 mà không sợ bị người khác biết và đánh giá. Ứng dụng này vừa giành được gói tài trợ 500 triệu từ chương trình Speedup 2017.
Alfazi là ứng dụng di động hỗ trợ học tập trực tuyến, nơi các bạn học sinh có thể hỏi đáp tất cả các vấn đề của 4 môn học tiếng Anh, Toán, Lý, Hóa và nhận hướng dẫn trả lời trong thời gian thực.
Để sử dụng ứng dụng, người dùng chỉ cần chụp hình câu hỏi mình đang thắc mắc rồi tải lên giao diện hệ thống; sau đó chờ một lúc rồi chọn gia sư đăng ký mà mình muốn. Học sinh có thể tùy chọn gia sư phù hợp dựa trên kinh nghiệm bản thân hoặc số sao mà các thành viên khác đã đánh giá gia sư này. Hiện ứng dụng đã có hơn 50.000 lượt tải, 1.000 người sử dụng trả phí.
Tăng tư duy cho học sinh
Theo anh Cao Thanh Hải - người sáng lập (founder) của Alfazi - khi còn nhỏ, chúng ta rất ham học và thường đặt ra nhiều câu hỏi thậm chí hết sức ngây thơ, ngờ nghệch nên nhờ đó óc tư duy được phát triển. Nhưng càng lớn, do nhiều nguyên nhân, học sinh Việt Nam ngày càng ngại hỏi đi.
“Ngại hỏi, giấu dốt không những khiến các bạn không giải quyết được vấn đề trước mắt mà lâu ngày còn làm sụt giảm khả năng tư duy”, founder của dự án nói thêm. Chính vì thế, chàng trai Cao Thanh Hải đã quyết định bỏ việc, bán đi thương hiệu trà sữa đang “ăn nên làm ra” của mình và dành tất cả thời gian, số vốn cần thiết để xây dựng Alfazi.
Điểm khác biệt của ứng dụng này là ngoài đưa ra câu trả lời, giáo viên còn trực tiếp hướng dẫn các bạn giải bài tập thông qua một lớp học “ảo” với 2 công cụ là bảng trắng và gọi thoại trong thời gian thực.
“Để kích thích khả năng tư duy và giúp các bạn có thể giải được các bài tập tương tự, giáo viên của Alfazi được khuyến khích không đưa ra đáp án cuối cùng mà chỉ gợi ý và hướng dẫn các bạn đi đến đáp án đó”, anh Hải nói thêm.
Khi được hỏi về lý do không cài thêm ứng dụng gọi video, anh Hải cho biết: “Các bạn học sinh chỉ thoải mái nói cái dở nếu gia sư không biết đến mình. Việc tích hợp ứng dụng liên lạc video có thể tăng hiệu quả của quá trình giảng dạy nhưng lại khiến các bạn ngại hỏi đi”.
Hiện tại, nguồn thu chính của Alfazi đến từ các bạn học sinh với các gói tính tiền 1.000 VND cho một phút hướng dẫn hoặc 450.000 cho cả tháng.
Về phần người giải đáp, nếu muốn trở thành gia sư của Alfazi, người đó phải trải qua một bài kiểm tra kiến thức với độ khó cao hơn cả đề thi đại học. Tuy nhiên, các gia sư sẽ được trả 80% học phí của các học sinh trong hệ thống.
Khi được hỏi tại sao lại đặt tên là “Alfazi”, anh Hải giải đáp: “Tên của ứng dụng được ghép từ 2 phần, thứ nhất là “Alpha” - chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái Hy Lạp, và chữ “Zi” (tức Z). Cái tên thể hiện mong muốn giải đáp tất cả câu hỏi của các bạn học từ A đến Z theo phương pháp khoa học”.
Alfazi vẫn đang lỗ và cần thêm 2 tỷ đồng vốn đầu tư
Ngoài nguồn vốn do cá nhân trực tiếp bỏ ra, thì Alfazi cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các nhà đầu tư thiên thần.
Vì là một dự án startup nên quá trình tuyển nhân lực của dự án cũng gặp một số khó khăn về tài chính. Nói về bí quyết tuyển và giữ người của mình, anh Hải chia sẻ: “Ngoài việc phải truyền được giá trị cốt lõi của công ty cho nhân viên, khiến họ hiểu dự án startup có ý nghĩa giúp đỡ cộng đồng nhiều hơn là kiếm lợi nhuận; công ty cũng phải thực hiện một bản cam kết với các thành viên rằng nếu họ làm lâu năm thì sẽ được hưởng một số phần thưởng nhất định như cổ phần”.
Tính đến thời điểm hiện tại thì dự án vẫn đang lỗ. “Mặc dù đã nhận được 500 triệu đồng đầu tư từ chương trình SpeedUp, tuy nhiên Alfazi vẫn cần thêm 2 tỷ đồng để nhân rộng”, founder Alfazi cho biết.
Khi chia sẻ về những khó khăn mà mình đã và đang trải qua, Founder trẻ tuổi cười nói: “Mỗi ngày là một thử thách, khó khăn liên tục bủa vây công ty. Vào thời điểm bắt đầu, đội sáng lập có đến 3 người, sau thời gian rơi rớt dần thì còn lại mình. Có một vài thời điểm mình đã muốn bỏ cuộc; tuy nhiên cứ lên ứng dụng giải bài cho các em, thấy các em tiến bộ rồi cảm ơn, mình lại quyết tâm đi đến cùng”.
Ngoài việc giành được gói tài trợ trong chương trình SpeedUp 2017 từ Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, Alfazi cũng đạt được rất nhiều giải thưởng uy tín như Top 10 Creative Cup Viet Nam 2016 và vào vòng bán kết cuộc thi Startup Wheel 2016, chung kết Hatch Fair 2015.
Hiện tại thị trường Việt Nam rất tiềm năng, ở những tháng cao điểm vào mùa thi đại học, số lượng học sinh hỏi bài lớn, công ty phải tuyển thêm cả các giáo viên bên ngoài về hỗ trợ.
“Trong tương lai, đội ngũ Alfazi sẽ cập nhật một phiên bản Quốc tế và tấn công ra thị trường nước ngoài. So với các bạn Quốc tế, học sinh Việt Nam phải làm những bài tập khó hơn nhiều. Đội ngũ gia sư người Việt sẽ có lợi thế rất lớn nếu ứng dụng phát triển lên”, anh Hải nhận định.