Đây là thông tin được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TPHCM đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông nghiệp” do Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 7/6.

Ông Lê Huy Hoàng - Phó phòng Quản lý khoa học cơ sở Sở KH&CN TPHCM - cho biết, năm 2016, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định về Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông nghiệp thúc đẩy phát triển KT - XH nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2016 – 2025, thực hiện tại 5 huyện cùng với 5 quận vùng ven. Mục tiêu của Chương trình nhằm xây dựng ít nhất 120 mô hình ứng dụng, chuyển giao KH&CN có hiệu quả, trong đó ít nhất 20% mô hình liên kết ứng dụng KH&CN theo chuỗi giá trị hàng hóa. Chuyển giao ít nhất 150 lượt công nghệ mới, cùng với đó là đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, kỹ thuật viên, nông dân.

Ông Lê Huy Hoàng giới thiệu chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông nghiệp
Ông Lê Huy Hoàng giới thiệu chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông nghiệp

Thực tế từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao, ông Hoàng Đắc Hiệt cho biết, từ những kết quả nghiên cứu đề tài, sản xuất thực nghiệm thời gian qua, Trung tâm đã cung cấp hơn 1,7 triệu cây giống hoa lan cấy mô; hơn 2,3 triệu cây giống rau ăn quả các loại cho bà con nông dân huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và các tỉnh lân cận, với giá rẻ hơn giá thị trường khoảng 15% các sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao của đa số người sản xuất còn gặp khó khăn do chi phí đầu tư ban đầu lớn. Hơn nữa, người sản xuất đòi hỏi phải có trình độ nhất định mới có thể tiếp nhận kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Vì vậy, để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thật sự có hiệu quả và bền vững, cần có sự hỗ trợ về tư vấn, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật từ các đơn vị nghiên cứu.

Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở Bình Chánh
Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở Bình Chánh

Ông Nguyễn Quốc Toản – Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Phú Lộc - thì gặp khó khăn do nhà xưởng chưa đạt chuẩn cho phục vụ sơ chế rau VietGAP, chưa được trang bị phòng lạnh, kho trữ lạnh bảo quản rau củ còn dư. Ngoài ra, công nhân chủ yếu lớn tuổi, lại thường xuyên thay đổi nên cũng gây khó khăn cho hoạt động của Hợp tác xã. Vì vậy, ông Toản mong muốn được hỗ trợ nguồn đất để sản xuất, làm mô hình thí nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để nông dân học tập. Đồng thời, được hỗ trợ xây dựng nhà xưởng sơ chế, đóng gói và kỹ thuật giúp nông dân sản xuất ra những sản phẩm an toàn, chất lượng.

Mong muốn lớn nhất của bà con nông dân hiện nay là các nhà khoa học nghiên cứu để có thể lai tạo ra các giống cây, con có chất lượng cao, kháng bệnh để tăng năng suất chất lượng – ông Phan Văn Huân, Hội nông dân huyện Bình Chánh - chia sẻ.

Theo ông Trần Thu Bích – Trưởng phòng Quản lý khoa học cơ sở Sở KH&CN TPHCM, năm 2017, Sở KH&CN TPHCM sẽ dành 5 tỷ đồng cho việc xây dựng tài liệu các mô hình; tổ chức chuyển giao; truyền thông phục vụ chương trình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN và đào tạo, hình thành mạng lưới lực lượng kỹ thuật, chuyển giao tại các quận huyện. Trong đó, 10 dự án sẽ được xét hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc ứng dụng tiến bộ KH&CN từ đề xuất của các tổ chức, nông dân, nhóm cá nhân. Mỗi dự án có kinh phí khoảng 300 triệu đồng.