Người góp phần tạo nên bộ mặt cho Internet ngày nay sẽ bán đấu giá mã nguồn nguyên thủy của World Wide Web dưới dạng tác phẩm nghệ thuật số NFT (non-fungible token).

Tim Berners-Lee bên chiếc máy tính tạo ra World Wide Web vào ngày đó.

Nhà khoa học máy tính người Anh Tim Berners-Lee đang chuẩn bị cho cuộc bán đấu giá độc nhất vô nhị, đó là rao bán mã nguồn World Wide Web do chính ông tạo ra vào năm 1989. World Wide Web (www) là nguồn gốc kết nối của hàng triệu website, góp phần khai sinh ra thời đại Internet hoàn toàn mới, mở và tự do.

Mã nguồn này sẽ được bán dưới dạngNFT (non-fungible token), một dạng blockchain hóa tài sản ảo để biến nó thành sản phẩm độc nhất, không thể bị làm giả, làm nhái hoặc chia nhỏ.

Buổi bán đấu giá sẽ được tổ chức bởi Sotheby's ở London, Anh từ 23-30/6 với giá khởi điểm là 1.000 USD.

Các sản phẩm được đóng gói để bán đấu giá lần này gồm mã nguồn do Tim Berners-Lee viết ra vào ngày đó, hình ảnh động của mã nguồn, lá thư tay được số hóa và chấp bút bởi Berners-Lee, tấm poster của toàn bộ mã nguồn. Tất cả được xác nhận bằng chữ ký số của ông.

“Ba thập kỷ trước, tôi đã tạo ra một công cụ mạnh mẽ cho nhân loại. Dù tôi không đoán định được tương lai, tôi hy vọng tiềm năng, kiến thức và việc sử dụng www sẽ rộng mở tới tất cả chúng ta để có thể tiếp tục sáng tạo và khởi xướng quá trình chuyển đổi số công nghệ tiếp theo, dù chúng ta vẫn chưa thể hình dung ra nó”, Tim Berners-Lee cho biết.

Hồi tháng 3, nhà thiết kế Beeple (tên thật Mike Winkelmann), đã bán một tác phẩm NFT với giá 69 triệu USD ở nhà bán đấu giá danh tiếng Christie. Sau đó, CEO Jack Dorsey của Twitter cũng bán dòng tweet đầu tiên của mình với giá 2,9 triệu USD.

Tuần trước, một tấm ảnh đại diện quý hiếm có tên gọi CryptoPunk đã được bán ở chính Sotheby's với giá 11,7 triệu USD. Tổng giao dịch NFT đã đạt 2 tỷ USD trong quý I năm nay, theo thống kê từ Nonfungible.