Cát đạt tiêu chuẩn TCVN 7570:2006, giúp giải quyết một phần vấn nạn khan hiếm cát xây dựng hiện nay.
Hàm lượng ion clo trong cát thấp hơn tiêu chuẩn Việt Nam 10 lần
Giữa tháng 3/2018, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu ăn mòn và Bảo vệ công trình thuộc Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng, công bố kết quả thí nghiệm, ghi nhận mẫu cát nhiễm mặn được đưa về từ Bà Rịa - Vũng Tàu có hàm lượng muối (clo) là 0,255%, sau khi đưa vào xử lý bằng dây chuyền công nghệ chế biến cát của ông Võ Tấn Dũng - một nhà sáng chế không chuyên ở Cần Thơ, Giám đốc Công ty Phan Thành, hàm lượng ion clo (Cl-) chỉ còn 0,018%.
Trước đó, trong năm 2017, ông Dũng đã lấy mẫu cát nhiễm mặn ở nhiều nguồn trên cả nước như cát sông Kalong Móng Cái (Quảng Ninh), Ninh Thuận, Phú Quốc, Thị Vải Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu)... để thử nghiệm. Kết quả của các đơn vị kiểm nghiệm mẫu như Trung tâm Đo lường chất lượng Cần Thơ, Phân viện vật liệu xây dựng miền Nam thuộc Bộ Xây dựng, Viện Khoa học Công nghệ xây dựng đều ghi nhận chất lượng cát sau chế biến đạt tiêu chuẩn cát xây dựng, đặc biệt là hàm lượng Cl-.
Thu mẫu cát nhiễm mặn tại Cần Thơ của Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng. Ảnh: Hoàng Trung
Cụ thể, cát biển ở Đảo Ngọc Móng Cái (cửa biển sông Kalong) với hàm lượng ion clo là 0,24%, sau khi xử lý qua máy rửa cát, kết quả kiểm định của Trung tâm Đo lường chất lượng Cần Thơ, hàm lượng Cl- là 0,007% (thấp hơn TCVN 7570:2006 14 lần); cát nhiễm mặn ở bờ biển Bình Thuận, sau khi xử lý, hàm lượng Cllà 0,005% (thấp hơn TCVN 7570:2006 10 lần) - theo kết quả phân tích của Viện Khoa học công nghệ xây dựng.
Là người trực tiếp tham gia thị sát, lấy mẫu thí nghiệm, kiểm định chất lượng, ông Nguyễn Đức Thắng - chuyên gia Viện Khoa học công nghệ xây dựng, cho biết, với cát nhiễm mặn chỉ sau hai công đoạn rửa bằng máy rửa cát của ông Dũng, hàm lượng ion clo đã giảm đến ngưỡng có thể dùng cho kết cấu bê tông cốt thép. Việc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với những khu vực cát bị nhiễm mặn hoặc khu vực cuối nguồn sông, vùng hải đảo, biển – nơi không thể chở cát từ đất liền ra.
Công nghệ đầu tiên ở Việt Nam
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung, máy rửa cát của ông Dũng là chiếc máy đầu tiên ở Việt Nam kết hợp nhiều tính năng như rửa cát bẩn thành cát sạch, sàng phân loại cát, đặc biệt là khử được gần như hoàn toàn ion clo trong cát nhiễm mặn, một tác nhân ăn mòn của thép, làm cho cốt thép bị ô xy hóa, tăng thể tích thép lên ba lần, dẫn tới nứt, nở bê tông.
Đồng thời máy do ông Dũng chế tạo đã tạo ra được dòng nước xối rất mạnh nên không chỉ rửa sạch bề mặt cát mà còn rửa sạch trong cả kẽ nứt của hạt cát với cơ chế dòng nước xoáy và ngược chiều dòng chảy của cát.
Máy rửa cát, “khử” ion clo trong cát nhiễm mặn của ông Võ Tấn Dũng. Ảnh: Hoàng Trung
“Tính ưu việt của máy không chỉ rửa sạch cát mà còn sàng phân loại cát, trong đó cát được rửa nhiều nhất là cát dùng làm vữa xây dựng, bởi trong cát có nhiều bùn và chất hữu cơ” - ông Cung nói và cho biết, thông thường mọi người nghĩ đến máy rửa cát sẽ cho rằng nó sẽ làm tăng chi phí giá thành của cát nhưng kỳ thực việc làm này không làm tăng chi phí bởi máy sẽ phân loại cát, trong đó cát hạt to sẽ được dùng cho bê tông với giá bán cao hơn nhiều lần.
Thứ nữa, chi phí vận chuyển từ nơi khai thác đến nơi sử dụng sẽ giảm do giảm khối lượng, đồng thời còn giúp giảm nhân công sàng lọc vì đây là cát thương phẩm. Tính tổng thể chi phí, nhà đầu tư sẽ lợi hơn rất nhiều.
Theo tính toán của ThS Lê Thành Phiêu - Đại học Cần Thơ, hiện giá mỗi mét khối cát thường rẻ hơn cát sạch khoảng 30.000 đồng. Tuy nhiên, nếu tính cả 10% tạp chất phải bỏ đi trong cát thường, chi phí để sàng, đãi tạp chất, chi phí tiết kiệm ximăng… thì mỗi mét khối cát sạch giúp tiết kiệm 58.000 đồng.
Mặc dù máy rửa cát do ông Võ Tấn Dũng chế tạo mỗi giờ, công suất máy có thể đáp ứng được quy mô công nghiệp với 150- 200m3 mang lại nhiều lợi ích nhưng đến nay Công ty Phan Thành mới chỉ hợp tác được với hai đơn vị là Công ty TNHH thương mại xây dựng Đại Điền ở TPHCM và Công ty TNHH Hữu Duy ở Gò Công, Tiền Giang.
Vì vậy, cùng với việc tiếp tục cải tiến để nâng cao chất lượng máy, ông Dũng mong muốn được Nhà nước hỗ trợ về mặt chính sách để ông có thể mở rộng sản xuất, tham gia mạnh hơn vào thị trường cát sạch.
Thiết bị sàng lọc cát sạch của Công ty Phan Thành từng đoạt giải nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (Vifotec) năm 2011, giải dành cho giải pháp xuất sắc nhất năm 2011 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao tặng và bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ngày 3/10/2016, thiết bị đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế. |