Một sáng tạo vì mục đích nhân văn khi muốn giúp lính cứu hỏa (con người) tránh khỏi nguy hiểm từ những đám cháy lớn.
Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy Industry (MHI) vốn là một tên tuổi không mấy xa lạ trong lĩnh vực phát triển các robot cứu trợ thảm họa. Như năm 2011, công ty đã nhanh chóng chế tạo một robot kiểm tra và một robot khác có chiếc cổ dài để trợ giúp hoạt động dọn dẹp nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ngay sau thảm họa sóng thần, hay một robot vận hành từ xa để làm việc trong môi trường đầy khí gas mà không lo nguy cơ gây nổ.
Đến nay, Mitsubishi đã tung ra thêm một cặp robot chữa cháy nữa có khả năng phối hợp trong những tình huống được xem là đặc biệt nguy hiểm đối với lính cứu hỏa (người thật). Cùng với một robot thứ ba làm nhiệm vụ giám sát và hệ thống chỉ huy, robot súng nước (Water Cannon Robot) và robot triển khai vòi cứu hỏa (Hose Extension) đã cùng nhau tạo nên một hệ thống chữa cháy tự động tiên tiến.
Đây cũng là kết quả sau 5 năm tham gia dự án thiết kế giải pháp ứng phó với thảm họa trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp của Mitsubishi. Trong khi robot Water Cannon được chế tạo để làm nhiệm vụ dập tắt hỏa hoạn ở những khu vực khó tiếp cận hoặc quá nguy hiểm với con người, như tại nhà máy hóa dầu, thì công việc của Hose Extension là cung cấp cho đối tác tối đa khoảng 300 m vòi chữa cháy bổ sung.
Một phương tiện vận chuyển chuyên dụng sẽ đưa toàn bộ hệ thống chữa cháy tự động, bao gồm cả robot trinh sát và giám sát (có thể là mắt thần trên bầu trời hoặc mô hình trên mặt đất lẫn hệ thống điều khiển) tới nơi cần tác nghiệp. Cả hai robot Water Cannon và Hose Extension đều được lắp trên khung của loại xe đẩy nhỏ với khả năng cơ động và chịu lực treo tốt. Các cảm biến GPS và laser tích hợp sẽ trợ giúp robot di chuyển đến vị trí của đám cháy.
Cả hai robot đều có bốn bánh dẫn động để có thể lăn ở tốc độ khoảng 7,2 km/h tới địa điểm được chỉ định trên bản đồ. Khi đó, Water Cannon sẽ ở lại còn Hose Extension thì đi tìm nguồn nước, như xe cứu hỏa hoặc vòi nước máy. Trong quá trình di chuyển đó, robot Hose sẽ kéo một đoạn ống dài với đường kính bên trong lên đến 150 mm. Khi tất cả được kết nối, robot Water Cannon (có kích thước 2.170 x 1.460 x 2.070 mm và trọng lượng 1.600 kg) sẽ dập tắt ngọn lửa bằng nước hoặc bọt khí, và thậm chí có thể làm ướt toàn bộ một khu thực địa với 4.000 lít nước mỗi phút ở áp suất 1 Mpa.
Mặc dù Mitsubishi vẫn chưa tiết lộ liệu họ có triển khai loại robot này vào trong thực tế hay không, tuy nhiên hệ thống vẫn được trình diễn tại Viện nghiên cứu phòng chống hỏa hoạn và thảm họa quốc gia Tokyo hôm 22/3.
Cơ chế hoạt động của các robot có thể được xem trong video dưới đây:
Phương Hiền (theo New Atlas)