Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã nghiên cứu và nhân giống thành công dược liệu Dâm dương hoắc bằng phương pháp nuôi cấy mô, góp phần chủ động cung cấp nguồn giống cho thị trường.
Dâm dương hoắc (tên khoa học Epimedium grandiflorum) là cây thân thảo, có nhiều ở Trung Quốc. Tại Việt Nam, cây phân bố chủ yếu ở vùng núi cao Tây Bắc. Theo Đông y, lá cây có vị cay, tính ôn, sử dụng làm các bài thuốc giúp bổ gan, giảm căng thẳng, mệt mỏi, tráng dương, cường gân tráng cốt, trị suy nhược thần kinh, trị viêm phế quản mãn tính ở trẻ em, hạ ho, trừ đờm, hạ huyết áp,… Ngoài ra, lá Dâm dương hoắc còn có nhiều hoạt chất như alcaloid, flavonoid, saponsid, acid béo, vitamin E,… giúp chống lão hóa, cải thiện chức năng miễn dịch, ức chế khối u ,…
Nhu cầu về nguồn dược liệu này hiện rất lớn, dẫn đến nguồn cây trong rừng đã cạn kiệt và không có khả năng phục hồi. Trên thị trường cũng không có nguồn cây giống Dâm dương hoắc thay thế, nguồn cung cấp dược liệu cho thị trường không ổn định, chủ yếu thu mua dược liệu khô từ Trung Quốc.
Có thể nhân giống Dâm dương hoắc bằng phương pháp truyền thống là gieo hạt hoặc sinh sản vô tính bằng thân rễ. Với phương pháp gieo hạt, hạt phải trải qua thời kỳ ngủ đông lên tới 8 – 10 tháng, do đó tỷ lệ nảy mầm khá thấp, cây con phát triển chậm, chất lượng cây phụ thuộc vào hạt giống và cây bố mẹ. Sinh sản vô tính thì lượng cây giống phụ thuộc vào lượng thân rễ của bố mẹ, cây con có thể bị nhiễm bệnh từ cây mẹ. Do vậy, hai phương pháp này có hệ số nhân giống thấp, chất lượng không đồng đều và phụ thuộc vào cây bố mẹ.
Để nhân giống Dâm dương hoắc bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật (in vitro), các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã chọn củ cây chắc, khỏe, không bị sâu bệnh làm nguồn mẫu. Sau quá trình làm sạch và khử trùng, củ được nuôi cấy trên môi trường nuôi cấy MS (môi trường cơ bản, giàu dinh dưỡng trong nuôi cấy mô thực vật), để tái sinh và nhân chồi. Kết quả cho thấy, tỷ lệ nảy chồi 100%, hệ số nhân chồi đạt 3,3 lần, sau 8 tuần nuôi cấy. Những chồi khỏe mạnh được chuyển sang môi trường cảm ứng tạo rễ, sau đó trồng ở vườn ươm.
Hiện nay, trong nước chưa có nơi nào tiến hành nhân giống cây Dâm dương hoắc bằng phương pháp nuôi cấy mô, do gặp khó khăn trong việc lấy mẫu hạt, thân củ cũng như bản chất ngủ đông của hạt Dâm dương hoắc khá dài. Những nghiên cứu về nhân giống Dâm dương hoắc trên thế giới cũng còn khá ít. Vì vậy, việc nhân giống Dâm dương hoắc thành công của Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM sẽ giúp chủ động sản xuất cây giống, chất lượng đồng đều, khỏe mạnh và sạch bệnh. Hiện Trung tâm có thể tư vấn, chuyển giao quy trình nhân giống cây Dâm dương hoắc cho các cơ sở có nhu cầu.