Cú lội ngược dòng trong đêm của Facebook
Chia sẻ trong buổi Hội thảo Sở hữu trí tuệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức ngày 20/4/2017 tại Đại học Ngoại thương Hà Nội, Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Thị Thu Hà - Đại học Ngoại thương Hà Nội – cho biết, trên Tạp chí quản trị Sở hữu trí tuệ, tác giả Jim Farmer đã lý giải nguyên nhân Facebook IPO thành công.
Theo đó, 1 tháng trước khi niêm yết lên sàn chứng khoán, Facebook bị Yahoo kiện vì xâm phạm bản quyền 10 sáng chế . Nhiều người cho rằng đây sẽ là rào cản khi Facebook IPO.
Nhưng thực tế là động thái này đã giúp Facebook bừng tỉnh và nhận ra rằng nếu họ chỉ sở hữu những công nghệ mà họ sử dụng thì nó sẽ không tạo ra triển vọng tương lai cũng như không thể giúp họ trong việc triển khai các ý tưởng mới. Họ đã lập ra một chiến lược hoàn toàn mới: từ từ thâu tóm và mua công nghệ liên quan tới không chỉ duy trì Facebook mà còn liên quan tới vấn đề bảo mật, phục vụ giao dịch thương mại điện tử. Đây thực sự là “cú lội ngược dòng trong một đêm” của Facebook.
Tháng 3/2013 – 1 tháng trước khi Facebook lên sàn - doanh nghiệp có 60 sáng chế và vài trăm ứng dụng. Tới thời điểm lên sàn, họ có tới 1.400 bằng sáng chế và hàng nghìn ứng dụng khác. Lý do mà các nhà đầu tư tin tưởng đầu tư vào Facebook, giúp họ đạt được giá trị cao khi niêm yết trên sàn chứng khoán là vì họ nhận thấy được tiềm năng từ tài sản trí tuệ mà doanh nghiệp này đang có trong tay.
Theo bà Hà, câu chuyện này đã phần nào cho thấy tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ với startup.
Bài học nào cho statup Việt Nam
Quan trọng là vậy, tuy nhiên, có thực tế đáng buồn là các startup Việt còn khá mơ hồ về sở hữu trí tuệ.
Là người thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp khởi nghiệp, bà Đỗ Thị Tú Anh – Phó giám đốc thường trực Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp –mong muốn các doanh nghiệp khởi nghiệp hiểu được vai trò của sở hữu trí tuệ với sự thành công của doanh nghiệp.
“Các bạn khởi nghiệp thường chỉ có ý tưởng, tập trung quan tâm tới ý tưởng, biến nó thành sản phẩm. Họ thiếu hiểu biết pháp lý, thiếu nguồn vốn hay yếu tố hỗ trợ về chuyên môn khác. Nếu như tiếp tục phân bổ nguồn lực quan tâm tới nhiều vấn đề khác thì sản phẩm tạo ra khó có thể đạt được như ý nguyện. Họ tập trung vào sản phẩm, nhưng điều này khiến họ thiếu những thông tin, nhận thức, hiểu biết đầy đủ, đúng đắn về sở hữu trí tuệ” – bà Tú Anh chia sẻ.
Lý giải cho sự thất bại của không ít startup Việt, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy – Phó hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương – cho biết: “Chúng ta đưa ra rất nhiều lý do cho sự thất bại này: nào là không nghiên cứu khách hàng mục tiêu, thiếu vốn, sản phẩm chưa thực sự tốt…mà không nhắc tới yếu tố sở hữu trí tuệ - một yếu tố quan trọng trong đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tranh cũng như động lực phát triển. Tuy nhiên, việc hiểu sâu sắc về sở hữu trí tuệ và tiếp cận nó như một tài sản, một lợi thế kinh doanh lại là việc chưa hề dễ dàng” – bà Thủy cho hay.
Thực tế, giống như Facebook, nếu các startup Việt biết cách tận dụng tài sản sở hữu trí tuệ thì doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ sở để phát triển nhanh, mạnh.
“Hoạt động khởi nghiệp mà chỉ dựa vào những ý tưởng đã có, làm theo khung người khác đã làm thì rất khó gọi được vốn. Nhưng nếu hoạt động khởi nghiệp dựa vào sở hữu trí tuệ, đối tượng sở hữu trí tuệ như bằng sáng chế, thì họ sẽ rút ngắn được thời gian nghiên cứu, từ đó tận dụng được thế mạnh của những sáng chế đã có của nhân loại để khai thác, áp dụng vào thực tiễn của Việt Nam và phát triển được doanh nghiệp của mình” - ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - nói.
Mô hình IP bank
Trong buổi Hội thảo, các đại biểu tham dự đã đưa ra ý tưởng về việc hình thành một ngân hàng sở hữu trí tuệ.
Ngân hàng này mở ra với mục tiêu là nhận các sáng chế (công nghệ) chưa được sử dụng để những doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển trong lĩnh vực nào đó có thể vào vay công nghệ. Hiện ngoài Mỹ, Trung Quốc cũng đã triển khai mô hình tương tự. |