Tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước tháng 2/2017, Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin đối ngoại thuộc Bộ TT&TT cho biết đã phát hiện những vi phạm nghiêm trọng trong các clip quảng cáo trên Youtube với những nội dung phản cảm, bạo lực, tuyên truyền thông tin xuyên tạc, chống phá chế độ. Cục này cũng cho biết đã tiến hành khẩn trương các biện pháp quản lý, gỡ bỏ các nội dung độc hại và làm việc với các doanh nghiệp trên theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT.
Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin đối ngoại yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải thực hiện đúng quy định về cung cấp thông tin trên mạng theo đúng hướng dẫn của tại Thông tư số 38 của Bộ TT&TT về quản lý thông tin công cộng qua biên giới. Cục này cũng cho biết, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cũng đã hỗ trợ trong việc quản lý các tên miền trong đó có các trang hoạt động chưa đúng pháp luật hoặc chưa có đầy đủ giấy phép.
Chỉ đạo tại hội nghị giao ban, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đề nghị Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin đối ngoại phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tiến hành xử phạt các trường hợp doanh nghiệp Việt Nam quảng cáo trên clip và trang web sai phạm.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông và cung cấp server cùng vào cuộc để xử lý nếu phát hiện những sai phạm. Phối hợp với các đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ để xây dựng các biện pháp quản lý thanh toán qua mạng và sử dụng thẻ cào điện thoại để thanh toán trò chơi điện tử, trò chơi trực tuyến.
Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị cần làm từng bước để rút kinh nghiệm.
Trước đó, Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử đã thông tin về việc phát hiện tình trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng trên Youtube và đề nghị xử lý ngay.
Cụ thể, theo Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do, sau quá trình theo dõi, giám sát, cơ quan chức năng đã phá hiện một số nội dung quảng cáo chèn vào các video YouTube có nội dung phản cảm, bạo lực, tuyên truyền các thông tin xuyên tạc sự thật, chống phá nhà nước Việt Nam và bôi xấu hình ảnh các lãnh tụ, nguyên thủ của Việt Nam qua các thời kỳ. Các clip xấu độc lại xuất hiện trên các quảng cáo của các nhãn hàng đang kinh doanh tại Việt Nam, như: Sản phẩm Vaseline, Comfort (Unilever); sản phẩm Pampers, Ariel (P&G); Vinhomes; Sendo (FPT), Samsung Việt Nam, Yamaha...
Bên cạnh đó, tính năng gợi ý video trên Youtube vẫn cố tình giới thiệu kèm thêm các clip chứa nội dung xấu độc, chống phá nhà nước Việt Nam.
Ngay sau đó, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng có công văn gửi Bộ TT&TT về việc phối hợp xử lý các clip "độc hại" đăng tải trên Youtube.
Công văn của Bộ VHTT&DL nêu rõ, các nội dung nói xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các clip đăng tải trên trang YouTube như phản ánh cần được Bộ TT&TT ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời.
Bộ VHTT&DL cho biết, theo quy định khoản 2 Điều 14 Nghị định số 181/NNĐ-CP của Chính phủ thì trong trường hợp trang thông tin điện tử xuyên biên giới có phát sinh doanh thu quảng cáo tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục thông báo bằng văn bản về: “a/ tên, địa chỉ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo được uỷ quyền thực hiện dịch vụ quảng cáo; b/ ngành nghề kinh doanh chính của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo ở việt Nam được uỷ quyền thực hiện dịch vụ quảng cáo".
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, YouTube vẫn chưa thực hiện thủ tục thông báo đã thể hiện các nội dung quảng cáo. Do vậy, Bộ VHTT&DL sẽ tiến hành kiểm tra và xử phạt hành vi không thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều 55 nghị đinh 185/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch, quảng cáo.
Ngoài ra, công văn của Bộ VHTT&DL cũng đưa ra ý kiến, để quản lý hoạt động trên các trang thông tin điện tử xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam trong thời gian tới, Bộ TT&TT phải tiến hành rà soát và cung cấp các trang thông tin điện tử xuyên biên giới có văn phòng đại diện tại Việt Nam để Bộ VHTT&DL yêu cầu thực hiện thủ tục thông báo theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.