Hoạt động đầu tư mạo hiểm của các công ty tư nhân có thể cung cấp một số gợi ý cho chính phủ trong việc tìm ra giải pháp thu hút Spin-in.
Trong lịch sử, các chính phủ đã thúc đẩy những bước nhảy vọt về công nghệ, từ việc tạo ra hệ thống GPS, vaccine đến những chuyến bay vào vũ trụ. Khu vực công cũng là nơi bắt nguồn của nhiều quá trình chuyển giao công nghệ quan trọng ("spin-out"), giúp những phát minh trở nên phổ biến.
Ngày nay, khi năng lực R&D của khu vực tư nhân ngày càng tăng và một số công ty đã trở nên nổi bật với những công nghệ, mô hình kinh doanh hàng đầu thế giới thì chính phủ nên cân nhắc đến những giải pháp sáng tạo từ bên ngoài (“spin-in”) để tăng tốc độ đổi mới sáng tạo và cải thiện việc thực hiện sứ mệnh của mình.
Spin-in về cơ bản là một dạng “chuyển giao công nghệ ngược” với spin-out, tức những người bên ngoài, thậm chí là nhân viên nắm giữ tài sản trí tuệ hoặc ý tưởng đổi mới sáng tạo của công ty, phát triển thành một công ty khởi nghiệp độc lập, và nếu công ty đó đáp ứng được kỳ vọng của công ty mẹ thì có thể được sử dụng hoặc mua lại.
Thu hút được spin-in không phải là một điều dễ. Không giống như các doanh nghiệp có thể dùng những hình thức liên doanh, sáp nhập và mua lại để thực hiện spin-in, các chính phủ phải tìm ra những cách sáng tạo hơn để nắm bắt được sự đổi mới sáng tạo từ bên ngoài. Hoạt động đầu tư mạo hiểm của các công ty tư nhân có thể cung cấp một số bài học cho chính phủ.
Các nhà phân tích tại
Deloitte Insight đã thực hiện một nghiên cứu để xem xét bốn mô hình quan hệ đối tác công tư (PPP) mà các chính phủ có thể sử dụng để thực hiện spin-in trong công nghệ. Nói cách khác, đây là bốn chiến lược đầu tư cho mô hình mạo hiểm của chính phủ.
Theo truyền thống, quan hệ đối tác công tư PPP tập trung vào việc tư nhân cung cấp các hàng hóa công, trả lời cho câu hỏi: “Ai có thể phân phối hàng hóa này hiệu quả nhất?”. Làn sóng PPP tiếp theo tập trung vào kết quả, trả lời cho câu hỏi “Có ai đã giải quyết thách thức xã hội này, và làm thế nào để sáng kiến của tôi phù hợp với hệ sinh thái và đẩy nhanh các nỗ lực hiện có?”
Ngược lại, một mô hình mạo hiểm của chính phủ sẽ phải đặt ra câu hỏi: “Có những ai không tập trung vào các vấn đề của tôi, nhưng có tài sản hoặc năng lực để giải quyết chúng mà tôi có thể giúp đỡ hoặc tăng tốc họ? Và làm thế nào để tôi thu hút được những người đấy?”
Để làm như vậy, khu vực công nên phát triển những chiến lược thu hút doanh nghiệp bằng cách tạo ra lợi ích chung. Trong một số trường hợp, chính phủ có thể cung cấp các tài sản “cứng” như vốn, đất đai, ưu đãi thuế làm nền tảng cho quan hệ PPP, nhưng cũng nên khai thác các tài sản “mềm” như quyền tiếp cận sandbox để thử nghiệm sản phẩm, miễn giảm một số quy định hành chính phức tạp, hoặc bảo lãnh uy tín từ chính phủ để thu hút thêm các nhà đầu tư mới.
Kết quả của việc thu hút các doanh nghiệp spin-in sẽ phụ thuộc nhiều vào cách mà chính phủ thiết lập điều khoản trong quan hệ PPP. Chính phủ nên điều chỉnh các khoản đầu tư này dựa trên hai yếu tố: bản chất của giải pháp mà doanh nghiệp cung cấp (là sản phẩm hay nền tảng) và mức độ trưởng thành của giải pháp đó (vẫn đang phát triển hay đã chín muồi).
Mối tương quan giữa những yếu tố này chỉ ra bốn chiến lược mà chính phủ có thể sử dụng để xoay chuyển.
Industrial Base: Chiến lược đầu tư theo “danh mục” ngành
Viện nghiên cứu của NASA đang tìm cách phát triển các thiết bị radar mới cho phòng thủ mặt đất. Bằng cách liên tục tìm kiếm những tính năng thương mại mới nhất, viện này đã tìm được những đối tác có khả năng tạo ra công nghệ chống lại mối nguy từ máy bay không người lái. Điều này bổ sung cho mục tiêu mà họ đang cần.
Họ sử dụng một quy trình giống như các nhà đầu tư khởi nghiệp, xem xét các giải pháp dựa trên những bài thuyết trình từ 10- 15 phút. Kết quả, NASA thu được một danh mục hồ sơ công ty mới, với hơn một nửa số người được chọn chưa từng làm việc với chính phủ trước đây.
Việc xây dựng một tập hợp các nhà cung cấp đa dạng như các đối tác thương mại của NASA là ví dụ về mối quan hệ PPP theo danh mục ngành. Để duy trì danh mục này, các cơ quan chính phủ có thể sử dụng hai cách: mua lại các sáng tạo (nếu chúng đã hoàn thiện) hoặc tài trợ mạo hiểm cho doanh nghiệp (nếu sản phẩm của họ chưa sẵn sàng để triển khai hoặc thử nghiệm trong một khu vực cụ thể).
Điều này có thể cho phép các công ty spin-in tập trung vào việc xây dựng sản phẩm thay vì phải dành nhiều thời gian cho việc bán hàng hoặc tìm người thử nghiệm, trong khi cơ quan chính phủ có được vốn chủ sở hữu và công nghệ.
Accelerator: Chiến lược đầu tư cho “giai đoạn đầu”
Viện trợ lương thực là một nhiệm vụ dễ xảy ra tham nhũng, do vậy Chương trình lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) đã phát động một Chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo (accelerator) - dựa theo mô hình của trung tâm khởi nghiệp Y-Combinator - nhằm tìm kiếm những giải pháp công nghệ giúp cho việc phân phối tiền bạc và vật tư đến đúng tay người cần.
WFP đã trao giải thưởng 100.000 USD cho những sáng kiến hứa hẹn, sau đó dành thêm ba tháng làm việc với các công ty khởi nghiệp để tinh chỉnh sản phẩm của họ trước khi đưa vào triển khai trên thực tế. Hiện nay, các sáng kiến mà WFP tài trợ đang được dùng tại một số quốc gia, ví dụ như hệ thống chuyển tiền dựa trên blockchain cho người tị nạn ở Pakistan và một phiên bản cập nhật hơn dùng AI quét võng mạc cho các trại tị nạn ở Jordan.
Các accelerator đưa ra một chiến lược đầu tư cho giai đoạn đầu, cung cấp nguồn lực cho các công ty khởi nghiệp có sản phẩm chưa hoàn thiện cơ hội để phát triển. Chính phủ có thể hợp tác với những accelerator sẵn có, hoặc dùng một biến thể của nó là sandbox để tìm kiếm những doanh nghiệp muốn thử nghiệm sản phẩm.
Đối tác: Chiến lược đầu tư “liên doanh”
Mối quan hệ PPP này thường diễn ra với các doanh nghiệp đã nắm giữ những nền tảng trưởng thành. Điều này khiến cho việc mua lại trở nên khó khăn và việc hợp tác với khu vực tư trông giống như một liên doanh giữa các đối tác chiến lược. Chúng tập trung vào những giải pháp được hưởng lợi từ việc truy cập vào dữ liệu lớn của người dùng.
Ví dụ, thành phố Louisville đã hợp tác với ứng dụng điều hướng Waze để hiểu rõ hơn về mô hình giao thông, xác định các khu vực tắc nghẽn và phân tích phương án điều chỉnh thời gian hiển thị đèn giao thông nhằm cải thiện tình hình đi lại trong thành phố. Tất cả đều dựa trên dữ liệu do người tiêu dùng cung cấp, thay vì phải cử các đội cảnh sát giao thông đến can thiệp.
Tương tự, dữ liệu sản xuất mà Công ty Farmers Business Network thu thập được từ hàng chục nghìn trang trại trên khắp đất nước đang giúp cho các nhà khoa học của Bộ Nông nghiệp giảm chi phí nghiên cứu, và cung cấp cho cho các nhà hoạch định chính sách biểu đồ thường xuyên hơn về tình hình sản xuất nông nghiệp trong nước.
Kiến trúc mở: Chiến lược đầu tư vào "nền tảng”
Ngành y tế có rất nhiều dữ liệu, bao gồm dữ liệu gene, bệnh án điện tử, kết quả thử nghiệm lâm sàng, và các số liệu do bệnh nhân tạo ra khi dùng thiết bị đeo hoặc ứng dụng di động. Tuy nhiên, phần lớn dữ liệu này nằm trong các silo tách biệt. Để phá vỡ các silo này, Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã ra mắt nền tảng đám mây NIH Data Commons, cho phép các nhà nghiên cứu có thể lưu trữ, chia sẻ, truy cập và làm thử nghiệm với những đối tượng số được tạo ra từ mô hình nghiên cứu y sinh, từ đó giúp rút ngắn thời gian kiểm định các giả thuyết khoa học.
Là một phần của phong trào hướng tới “khoa học mở”, sáng kiến này minh họa chiến lược đầu tư cuối cùng và quan trọng nhất mà các chính phủ có thể sử dụng: đầu tư vào những nền tảng. Nó tạo ra cú hích lớn cho sự đổi mới sáng tạo ở cả khu vực công và khu vực tư nhân. Nhờ các nền tảng, những người chơi mới dễ dàng có được hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của người dân, và phát triển các giải pháp phù hợp để tích hợp vào trong một hệ thống rộng lớn hơn.
Chiến lược này đã được thực hiện và đạt được hiệu quả đáng kể trong không gian thương mại - bằng chứng là quỹ đầu tư mạo hiểm Slack Fund đã quyết định dành hơn 80 triệu USD đầu tư cho những dịch vụ được tạo ra trên nền tảng Slack, giúp họ thu về các giải pháp sáng tạo hoàn toàn mới, đồng thời giúp giữ chân và thu hút thêm người dùng cho nền tảng, giúp nền tảng này gia tăng giá trị.