Tỷ lệ tử vong sơ sinh thậm chí còn thấp hơn cả Mỹ, tuổi thọ trung bình tương đương các nước phát triển, sở hữu nhiều loại thuốc độc nhất vô nhị… là những điều kỳ diệu mà Cuba tạo ra trong hoàn cảnh khó khăn, nhờ một nền công nghệ y - sinh mạnh.
Nhiều cái nhất về y - sinh và dược
Trong buổi hội đàm với bà Elba Rosa Perez Montoya - Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cuba - ngày 30/5, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh bày tỏ: “Chúng tôi rất khâm phục Cuba vì trong hoàn cảnh khó khăn, các bạn vẫn đạt nhiều thành tựu trong KH&CN - đặc biệt là công nghệ sinh học và dịch vụ y tế”.
Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu ung thư Roswel Park (Mỹ) - bà Candace Johnson - nhận xét: “Người Cuba đã rất sáng tạo trong việc tiếp cận các căn bệnh trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn. Trong hơn 40 năm qua, họ đã có một cộng đồng miễn dịch hàng đầu”.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2007, gần 80% sản phẩm dược hoàn thiện được sử dụng tại Cuba là hàng nội địa. Tỷ lệ tử vong sơ sinh ở Cuba là 6,4/1.000 trẻ - thấp hơn cả Mỹ. Tuổi thọ trung bình là 75 - tương đương Mỹ và Anh.
Cuba là quốc gia đầu tiên sản xuất vắcxin điều trị bệnh viêm màng não B vào cuối thập kỷ 1980. Nước này cũng đang sở hữu nhiều loại thuốc độc quyền nổi tiếng thế giới như Heberprot-P giúp bệnh nhân tiểu đường biến chứng thoát thảm họa cắt chi (hơn 100.000 bệnh nhân tại 20 quốc gia đã được điều trị bằng thuốc này, tỷ lệ thành công 78%); hay vắcxin cimavax giúp kiểm soát sự phát triển của khối u ung thư phổi. Vắcxin viêm gan B của Cuba đã được xuất khẩu tới hơn 30 quốc gia.
Cuba còn phát triển được loại vắcxin tổng hợp đầu tiên trên thế giới (Quimi-Hib) chống vi khuẩn haemophilus influenza B - thủ phạm của khoảng 50 bệnh nhiễm trùng. Cuba cũng là nước đầu tiên được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận đã hoàn toàn loại trừ tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Tập đoàn nhà nước năng động
Lý giải về thành công trong công nghệ sinh học và dược phẩm, Bộ trưởng Montoya cho rằng đó là nhờ chính sách ưu tiên mà lãnh tụ Fidel Castro vạch ra và nỗ lực thực hiện từ cuối thập niên 1980, với sự phát triển của Biocubafarma - tập đoàn công nghiệp dược phẩm và công nghệ sinh học do nhà nước quản lý. Tập đoàn này có nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe người dân, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm y tế.
Biocubafarma hiện bao gồm 32 thực thể, 78 cơ sở sản xuất và gần 22.000 nhân viên. Họ chịu trách nhiệm sản xuất 8 loại thuốc và 578/857 phương thức điều trị chủ yếu ở Cuba. Tập đoàn có sự giúp sức của hơn 6.300 sinh viên ra trường, 262 tiến sỹ, 1.170 thạc sỹ, 1.300 kỹ sư và 719 nhà nghiên cứu.
Các nghiên cứu của Biocubafarma tập trung vào tiểu đường và 33 loại bệnh truyền nhiễm, hơn 30 bệnh ung thư, 18 bệnh về tim mạch. Tập đoàn đang thực hiện 30 dự án nghiên cứu tại 20 quốc gia, sở hữu 182 sản phẩm đăng ký tại Cuba và gần 2.300 yêu cầu sáng chế. Biocubafarma đã lập được 5 doanh nghiệp liên danh ở nước ngoài, có hợp đồng sản xuất và chuyển giao công nghệ tới Brazil, Venezuela, Nam Phi, Ấn Độ, Việt Nam, Algeria.
Theo bà Montoya, Biocubafarma hoạt động theo mô hình chuỗi sản xuất khép kín: “Các trung tâm nghiên cứu của chúng tôi gồm nhiều nhóm: Nhóm nghiên cứu chỉ tập trung nghiên cứu, nhóm khác tập trung ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, việc thương mại hóa sản phẩm có nhóm khác lo. Mô hình này đã được Cuba hợp tác, ký kết chuyển giao với rất nhiều quốc gia. Chúng tôi còn đặt mô hình sản xuất như vậy tại một số nước”.
Theo bà bộ trưởng, một nhân tố khác giúp Cuba thành công trong lĩnh vực y - sinh học là chú trọng đào tạo nhân lực: “Rất nhiều nhà khoa học được cử đi học tập và nghiên cứu tại các quốc gia phát triển, có trình độ công nghệ cao. Sau khi hoàn thành chương trình học tập và trao đổi, họ quay về nước phục vụ nghiên cứu và sản xuất. Dù các nhà khoa học Cuba rất tài giỏi, nhưng do bị bao vây, cấm vận nên năng lực trong nước bị hạn chế rất nhiều”.
“Chúng tôi không được nhập khẩu thuốc men, công nghệ, nhưng đây cũng là lý do để chúng tôi nỗ lực, tự cải thiện, nâng cao năng lực trong nước để có thành công như ngày hôm nay” - bà bộ trưởng chia sẻ.
Những cải cách mới đây tại Cuba đã có tác động tích cực tới KH&CN. Đặc biệt, tại Đại hội lần thứ VII vừa qua, Đảng Cộng sản Cuba vạch ra những ưu tiên và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 2 chiến lược nhằm phát triển KH&CN. Trả lời câu hỏi về triển vọng tham gia lĩnh vực KH&CN của tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài, bà Montoya cho rằng đây là điều còn khá mới mẻ ở Cuba và mặc dù Đại hội Đảng VII có xác định ưu tiên cho lĩnh vực tư nhân, nhưng nước này vẫn cần nghiên cứu thêm. Hiện ở Cuba, tư nhân mới chỉ tham gia các lĩnh vực như ăn uống, sản xuất nhỏ lẻ. |