Cuba mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực quản lý khu công nghệ cao, năng lượng tái tạo và công nghệ, kỹ thuật nano. Đó là chia sẻ của bà Elba Rosa Perez Montoya - Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cuba - trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Mở rộng lĩnh vực hợp tác
Trong buổi tiếp đoàn Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cuba ngày 30/5, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam Chu Ngọc Anh bày tỏ: “Tiềm năng hợp tác KH&CN giữa hai nước còn rất lớn. Việt Nam có nhiều thế mạnh về KH&CN trong các ngành nông nghiệp như lúa, gạo, càphê, thủy sản, các ngành viễn thông, tin học, xây dựng và vật liệu xây dựng”.
“Ngược lại, Cuba có thế mạnh lớn trong công nghệ sinh học, công nghệ dược phẩm, y tế và quy hoạch du lịch. Để khai thác, cần tập trung xây dựng các dự án hợp tác mà hai bên có thế mạnh như công nghệ sinh học - áp dụng trong y tế, nông nghiệp – và công nghệ thông tin… để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Đồng tình với quan điểm này, bà Rosa Perez Montoya cho biết: “Mục đích của chuyến thăm lần này, ngoài việc cập nhật Hiệp định khung về hợp tác KH&CN đã ký kết với Việt Nam năm 1997, phía Cuba mong muốn bổ sung ba lĩnh vực hợp tác là năng lượng tái tạo, công nghệ - kỹ thuật nano và xây dựng, thành lập khu công nghệ cao”. Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cuba cho rằng, cần cụ thể hóa những nội dung, giai đoạn hợp tác theo các lĩnh vực mà hai bên đề xuất.
Trên thực tế, Việt Nam và Cuba đã và đang triển khai nhiều dự án hợp tác như dự “Chuyển giao công nghệ xây dựng hầm khí sinh học cỡ lớn tại Cuba”; “Nghiên cứu, hợp tác phát triển cây bơ chất lượng cao tại một số vùng sinh thái thích hợp của Việt Nam”; “Nghiên cứu, hợp tác triển khai dự án giải pháp quy hoạch không gian công cộng ven biển cho các đô thị du lịch nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và thích ứng với biến đổi khí hậu”; “Lắp đặt hệ đảo hàng và hệ điều khiển máy chiếu xạ nguồn Cobalt-60”.
Hai bên đang tiến hành bàn thảo về một số dự án hợp tác trong lĩnh vực công nghệ sinh học như sản xuất thuốc diệt bọ gậy bằng vi sinh, sản xuất vắcxin thương hàn vi Polysaccharide cộng hợp, vắcxin ho gà đơn bào, thuốc diệt ấu trùng muỗi; dự án nghiên cứu chuyển giao mô hình chính quyền điện tử, hợp tác nâng cao năng suất cây mía đường…
Năng lượng tái tạo và may mặc - cơ hội cho Việt Nam
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển, bà Montoya cho biết, Cuba chủ trương nhân rộng mô hình đã áp dụng thành công trong công nghệ sinh học, dược phẩm (mô hình Tập đoàn doanh nghiệp Biocubafarma) cho nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và nhiều lĩnh vực kinh tế khác, đó là thành lập các tập đoàn doanh nghiệp dạng Biocubafarma trong những lĩnh vực này. Tuy nhiên, muốn vậy, Cuba phải giải quyết được 2 vấn đề lớn là trình độ nhân lực và chuyển giao, phát triển KH&CN.
Các trung tâm nghiên cứu KH&CN tại Cuba đang từng bước được sắp xếp lại, hướng tới việc đưa công tác khoa học vào một dây chuyền khép kín từ nghiên cứu, sản xuất tới thương mại hóa sản phẩm. Công việc này do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đảm trách. Dựa trên cơ chế kinh tế duy trì tại các đơn vị, bộ sẽ chia chúng thành trung tâm nghiên cứu, trung tâm dịch vụ KH&CN hay các đơn vị phát triển, đổi mới KH&CN.
Ngoài ra, Cuba cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới việc phát triển các ngành khoa học xã hội, bởi yếu tố con người được xác định là vô cùng quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước này.
Trong 6 ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội mà Cuba công bố sau thành công của Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ bảy, có 2 ưu tiên thuộc lĩnh vực KH&CN. Ngoài việc tiếp tục phát triển những ngành KH&CN có thế mạnh như công nghệ sinh học, dược phẩm, Cuba đang có chủ trương phát triển ngành xây dựng, năng lượng (đặc biệt là năng lượng tái tạo), may mặc… Đây được coi là những lĩnh vực sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Sáng 31/5, đoàn công tác Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cuba do Bộ trưởng Elba Rosa Perez Montoya dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc. Trước sự quan tâm của bà Montoya đối với mô hình hoạt động của Khu CNC Hòa Lạc, Thứ trưởng Phạm Đại Dương - Trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc - đã chia sẻ các kinh nghiệm xây dựng thành công khu CNC như: Chọn vị trí thuận lợi (gần bến cảng, đường thủy, đặc biệt là gần sân bay để thuận tiện cho các chuyên gia tới làm việc, vận chuyển sản phẩm cũng dễ dàng), có quy hoạch thông minh, trong đó công tác đào tạo - nghiên cứu - thương mại hóa được khép kín; tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư. |