Đây là bộ kit đầu tiên ở Việt Nam tích hợp 10 kỹ thuật và được các chuyên gia trong ngành huyết học đánh giá cao. Sản phẩm đã được cấp bằng độc quyền sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ năm 2017.
10 trong 1
Hiện nay, tại Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu đầy đủ về dịch tễ học của bệnh bạch cầu trên toàn quốc nhưng theo thống kê tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ bệnh bạch cầu cấp là cao nhất (chiếm 32,1%) trong số các bệnh máu đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Nhưng việc chẩn đoán bệnh này còn gặp một số khó khăn.
Từ nhiều năm nay việc phân loại dòng tế bào và thể bệnh hiện được tiến hành bằng 3 phương pháp: Miễn dịch, di truyền và hình thái học - hóa học tế bào (nhuộm hóa học tế bào); trong đó phương pháp nhuộm hóa học tế bào là rẻ nhất (chỉ bằng 1/4 so với phương pháp marker và 1/10 so với phương pháp di truyền), không cần máy móc hiện đại, dễ triển khai.
Tuy nhiên, tại các bệnh viện ở Việt Nam, phương pháp nhuộm hóa học tế bào dùng để chẩn đoán bệnh lý về máu vẫn đang dùng các bộ kit đơn không chỉ với giá thành cao mà còn có nhiều nhược điểm như: Kỹ thuật nhuộm nằm nên có nhiều cặn; quy trình nhuộm khác nhau về thời gian; số bước nhuộm hóa chất cố định khác nhau; bước tẩy màu khó đồng nhất; chất màu dễ hòa tan trong dầu soi kính nên khó hội chẩn tiêu bản nhiều lần.
Để khắc phục những nhược điểm đó, TS Trần Văn Tính đã dành tới 30 năm nghiên cứu thành công bộ kit nhuộm hóa học tế bào gồm 10 kỹ thuật: Giemsa, periodic-axit schiff (PAS), peroxidaza, sudan B, esteraza đặc hiệu, esteraza không đặc hiệu, esteraza không đặc hiệu ức chế bằng NaF, photphataza kiềm, photphataza axít, perls; giúp đơn giản hóa kỹ thuật, rút ngắn thời gian nhuộm, tránh sai sót và nâng cao hiệu quả trong chẩn đoán bệnh bạch cầu.
Kỹ thuật viên tiến hành tổng hợp, pha chế hóa chất sử dụng trong bộ kit nhuộm hóa học tế bào. Quy trình được thực hiện hoàn toàn trong tủ hút khí độc. Ảnh: Nguyễn Tâm
Theo TS Tính, bộ kit này đã tối ưu hóa 10 kỹ thuật nhuộm tế bào khác nhau thành một bộ kit đồng nhất với độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Kết quả thu được có độ tương phản cao, giảm được tạp chất do thuốc nhuộm gây ra và thành phần nhuộm không bị mất màu theo thời gian nên có thể hội chẩn tiêu bản nhiều lần, đồng thời có ý nghĩa đặc biệt với ba nhóm đối tượng.
Đối với kỹ thuật viên do không phải pha chế hóa chất nên kết quả đồng nhất hơn, giúp tiến hành nhanh hơn, thuận lợi, ít độc hại. Đối với bác sỹ, do thu được 10 tiêu bản cùng một lúc nên có thể chẩn đoán ngay được bệnh. Đặc biệt bộ kit còn bổ sung thêm một hóa chất giúp nhuộm enzim không bị tan trong dầu giúp bác sỹ có thể hội chẩn nhiều lần. Việc này rất quan trọng trong ngành huyết học. Thứ ba, rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân với độ tin cậy cao - 85%.
“Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, giúp giảm tải áp lực đối với các bệnh viện tuyến trung ương vì 100 người khi khám ở tuyến tỉnh sẽ chẩn đoán đúng được 85 người, khi đó chỉ còn 15 người phải chuyển lên tuyến trung ương” – TS Tính phân tích.
Là đơn vị hỗ trợ và ứng dụng đầu tiên bộ kit nhuộm hóa học tế bào, GS-TS Nguyễn Anh Trí – nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết, sự ra đời của bộ kit là rất cần thiết vì “lâu nay chúng ta vẫn nhuộm hóa học tế bào để chẩn đoán và phân loại các nhóm bệnh về ung thư máu nhưng thường pha hóa chất, dẫn đến kết quả nhuộm lúc thế này lúc thế khác. Với bộ kit đã được đồng bộ hóa của TS Tính cho chất lượng ảnh, chất lượng tiêu bản có được chính xác hơn, giúp cho việc chẩn đoán tốt hơn rất nhiều. Đặc biệt là rất tiết kiệm”.
Hiệu quả kinh tế mà GS Trí nói tới chính là chi phí của bộ kit chỉ bằng 1/10 so với phương pháp cũ, bằng 1/20, 1/30 so với phương pháp di truyền và miễn dịch.
Cần tích hợp trí tuệ nhân tạo
Qua quá trình thử nghiệm, bộ kit nhuộm hóa học tế bào đã cho thấy hiệu quả vượt bậc, tuy nhiên để đưa bộ kit vào sử dụng không chỉ ở một số bệnh viện như Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Việt Xô, mà còn đến được tuyến bệnh viện tỉnh như Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, Bệnh viên Đa khoa Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa Thừa Thiên - Huế… đang gặp một số khó khan, chủ yếu là do tại một số bệnh viện tuyến tỉnh phần lớn các bác sỹ, chuyên viên kỹ thuật chưa từng tiếp cận và đọc các tiêu bản của bộ kit.
Chính vì thế, TS Tính mong muốn thời gian tới các cơ sở y tế (trước hết là tuyến trung ương) có thể chuyển sang nhuộm tự động thay vì nhuộm thủ công như hiện nay bởi theo ông khi đã tối ưu hóa được năm bước thì hoàn toàn sử dụng được máy nhuộm tự động, không cần kỹ thuật viên. “Nếu mình không bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì sản phẩm này cũng chỉ sử dụng được thêm vài năm nữa và sẽ không hội nhập được với thế giới” - TS Tính nói và tiết lộ hiện nhóm tác giả đang viết một phần mềm hỗ trợ, sau khi có kết quả tiêu bản sẽ chiếu lên hình ảnh và có phần hướng dẫn kèm ảnh bên cạnh để kỹ thuật viên có thể dễ dàng so sánh, sau đó máy sẽ tự phân tích và gợi ý kết quả.
TS Nguyễn Ngọc Dũng - Trưởng khoa Tế bào, Tổ chức học, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương - cho rằng đây là cách làm hay bởi nhóm tác giả không thể đến từng cơ sở một để hướng dẫn. “Chính vì thế khi cung cấp bộ kit cho các bệnh viện y tế tuyến tỉnh, nhóm tác giả nên có thêm đường link hoặc đĩa hướng dẫn để các kỹ thuật viên có thể xem được cách thực hiện cũng như biết được những đánh giá của các đơn vị khác ra sao. Khi đó họ vừa có thể tham khảo, vừa xem được quy trình, như thế sẽ sinh động và hiệu quả hơn rất nhiều” - TS Dũng cho biết.