Các nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Scripps (TSRI) đã hiểu một kỹ thuật "đánh lừa" các tế bào ung thư bạch cầu tự biến đổi thành tế bào miễn dịch chống bệnh bạch cầu, từ đó các "tế bào sát thủ" này sẽ tự động tìm và diệt các tế bào ung thư có trong cơ thể người.

Bệnh bạch cầu, một nhóm các bệnh ung thư ảnh hưởng đến tủy xương và máu, luôn khiến các bác sỹ gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều trị, và nó thường hay tái phát rồi trở nên miễn nhiễm với các phương án điều trị trước đó. Nhưng, trong một nghiên cứu mới được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, các nhà khoa học đã nghĩ ra một phương án điều trị dứt điểm căn bệnh quái ác này bằng các lập trình lại tế bào ung thư để chúng tiêu diệt lẫn nhau.
g

Cụ thể, các nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Scripps (TSRI) đã hiểu một kỹ thuật "đánh lừa" các tế bào ung thư bạch cầu tự biến đổi thành tế bào miễn dịch chống bệnh bạch cầu, từ đó các "tế bào sát thủ" này sẽ tự động tìm và diệt các tế bào ung thư có trong cơ thể người. Vậy làm thế nào mà các nhà khoa học có thể tìm ra một loại kháng thể cực kỳ hiếm có như vậy? Lưu ý một chút, kháng thể là các phân tử immunoglobulin (có bản chất glycoprotein), do các tế bào lympho B cũng như các tương bào (biệt hóa từ lympho B) tiết ra để hệ miễn dịch nhận biết và vô hiệu hóa các tác nhân lạ, chẳng hạn các vi khuẩn hoặc virus. Mỗi kháng thể chỉ có thể nhận diện một epitope kháng nguyên duy nhất.

Gần đây, các nhà khoa học đã cố gắng tìm ra liệu pháp bổ sung kháng thể để điều trị những người bị thiếu hụt tế bào miễn dịch khi mà tủy xương không sản xuất đủ tế bào trắng. Họ đã hy vọng rằng họ có thể tìm thấy các kháng thể có khả năng kích hoạt các thụ thể trên tế bào tủy xương chưa hoàn thiện, điều này sẽ khiến chúng biến thành tế bào hoàn thiện. Trong vài năm qua, họ đã thành công trong việc thực hiện nghiên cứu này, nhưng bên cạnh kết quả mà họ mong đợi thì các nhà khoa học còn phát hiện ra một điều bất ngờ khác. Đó là một số các kháng thể sau khi tăng trưởng đầy đủ đã gây ra một sự biển đổi kỳ lạ ở các các tế bào tủy xương chưa hoàn thiện thành các loại tế bào hoàn toàn khác nhau, thậm chí còn xuất hiện loại tế bào bình thường được tìm thấy trong hệ thống thần kinh.

Để tìm hiểu tính năng hoạt động của các kháng thể đặc biệt này, các nhà khoa học đã thử nghiệm chúng với bệnh bạch cầu cấp thể tuỷ. Với tên tiếng Anh là Acute myeloid Leukemia (AML), bệnh bạch cầu cấp thể tủy được đặc trưng bởi sự tăng sinh không kiểm soát được của các tế bào chưa biệt hoá, gọi là tế bào non, cùng với các đặc điểm tế bào dòng tuỷ. Tỷ lệ mắc là 1/150.000 trong suốt thời kỳ niên thiếu và dậy thì. Hầu hết các trường hợp này đều không có nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa tỷ lệ mắc bệnh và các yếu tố liên quan như nhiễm như phóng xạ, tiếp xúc với hóa chất, hoặc kèm theo mắc các bệnh khác như thiếu máu Fanconi hay hội chứng Down. AML là một dạng bệnh bạch cầu điển hình với việc các tế bào ung thư chủ động tấn công các tế bào dòng tủy trong cơ thể - đây là những tế bào chuyên đối phó với các bệnh nhiễm khuẩn, ký sinh trùng và ngăn ngừa sự lây lan của tổn thương mô. Người mắc AML sẽ có dấu hiệu xuất hiện quá nhiều tế bào bạch cầu trong tủy xương, làm ngăn trở việc sản xuất bình thường của các loại tế bào máu khác.

h

Các nhà nghiên cứu lấy một mẫu máu của bệnh nhân nhiễm AML và "bơm" các kháng thể đặc biệt vào mẫu vật. Những gì họ tìm thấy là đáng chú ý: các kháng thể biến đổi các tế bào AML thành tế bào đuôi gai - tế bào hỗ trợ quan trọng trong hệ thống miễn dịch. Sau khi theo dõi thêm một thời gian nữa, các nhà khoa học đã ngạc nhiên khi thấy những tế bào trên đã có đủ khả năng săn lùng và tiêu diệt các mối đe dọa trong cơ thể, bao gồm virus, vi khuẩn và các tế bào ung thư. Những tế bào "sát thủ tự nhiên" (Nature Killer) cho thấy khả năng năng phi thường của chúng khi 15% trong số lượng tế bào có mặt trong mẫu máu nhiễm AML bị tiêu diệt chỉ sau một ngày quan sát. Và điều kinh ngạc tiếp theo là các tế bào sát thủ này chỉ nhắm tới những tế bào ung thư AML chứ không phải các loại ung thư khác.

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng kỹ thuật này - được biết đến với cái tên "liệu pháp fratricidin", dịch vui là Huynh đệ tương tàn - có thể được sử dụng để chuyển đổi một loạt các tế bào ung thư vào các tế bào "sát thủ tự nhiên" cụ thể để thực sự chữa trị một cách hoàn toàn triệt để đối với bệnh nhân ung thư.