Giới công nghệ và người tiêu dùng đang "chia phe" trong cuộc chiến giữa FBI và Apple xung quanh việc mở khóa chiếc iPhone của kẻ khủng bố.


Trong khi CEO Google Sundar Pichai, đồng sáng lập Apple Steve Wozniak hay CEO Facebook Mark Zuckerberg... ủng hộ Apple thì tỷ phú Donald Trump, đồng sáng lập Microsoft Bill Gates... lại tán đồng với Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI lần này.

"Chính phủ yêu cầu truy cập thông tin một chiếc điện thoại cụ thể. Họ không đòi hỏi công cụ để mở khóa bất cứ thiết bị nào. Họ đang đề cập một trường hợp cụ thể", Gates phân tích với Financial Times.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn vớiBloomberg, Bill Gates nói ông "thất vọng" khi nhiều bài báo hiểu sai ý và nói rằng ông "ủng hộ FBI chống lại Apple". Nhà đồng sáng lập Microsoft giải thích, ông không đứng về phe nào và không chấp nhận việc mở cổng hậu trên thiết bị, mà chỉ đề cập đến trường hợp cụ thể là chiếc iPhone 5c của khủng bố.

bill-gates-cho-rang-apple-nen-giup-fbi-mo-khoa-iphone

Bill Gates. Ảnh: Reuters.

Nhận định của Gates được đưa ra sau khi CEO Apple Tim Cook cho rằng tạo công cụ giúp FBI truy cập chiếc iPhone 5c của tên khủng bố SyedFarooksẽ tạo tiền lệ xấu.

"Chính phủ nói công cụ bẻ khóa chỉ được sử dụng một lần trên một chiếc điện thoại. Nhưng một khi được tạo ra, kỹ thuật đó có thể áp dụng nhiều lần trên bất cứ thiết bị nào", Cook cho hay. "Vụ việc này không chỉ đơn thuần là về một chiếc điện thoại hay một cuộc điều tra. Khi nhận phán quyết của tòa án, ta cần phải lên tiếng. Phán quyết đó đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm chưa từng có, đe dọa nghiêm trọng bảo mật thông tin của hàng trăm triệu khách hàng.

Trong khi đó, hãng nghiên cứu Pew đã tiến hành khảo sát từ ngày 18/2 đến 21/2 và nhận thấy có tới 51% những người tham gia cho rằng Apple nên hỗ trợ FBI mở khóa, 38% đứng về phía của Apple và 11% không chọn phe nào.

FBI bắt đầu tiến hành điều tra cuộc xả súng đẫm máu ở San Bernadino (Mỹ) khiến 14 người thiệt mạng của cặp vợ chồng Syed Farook và Tashfeen Malik tháng 12/2015. Họ tin smartphone của Farook "có thể chứa những thông tin liên lạc quan trọng" xung quanh thời điểm diễn ra vụ thảm sát.

FBI muốn truy cập iPhone 5c của Farook nhưng công nghệ mã hóa của Apple sẽ xóa toàn bộ dữ liệu trong máy sau 10 lần nhập sai mã. Thực tế, FBI và quan chức quận San Bernadino đã tìm cách truy cập vào tài khoản iCloud của Farook bằng cách reset mật khẩu của tên này chỉ vài giờ sau khi chiếc điện thoại được thu hồi. Apple sau đó đã chỉ trích rằng nếu FBI không "hấp tấp" cài đặt lại mật khẩu, họ đã có thể truy cập được vào nội dung sao lưu mà không cần tạo ra một cổng hậu để phá mã hóa của iPhone.

Bên cạnh đó, dữ liệu trong iPhone của khủng bố đã ngừng đồng bộ lên iCloud từ ngày 19/10/2015, tức FBI hoàn toàn không có thông tin gì về hoạt động của tên này trong khoản 7 tuần trước vụ tấn công trừ khi họ bẻ khóa điện thoại thành công. "Có thể điện thoại chứa nhiều manh mối hơn để chúng tôi lần ra những tên khủng bố khác", Giám đốc FBI nói.