Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore, đã biến vỏ sầu riêng một loại thành băng kháng khuẩn dạng gel - một giải pháp giúp giải quyết vấn đề rác thải từ loại quả nặng mùi này.
Quy trình biến đổi bắt đầu bằng việc chiết xuất bột cellulose từ vỏ sầu riêng qua quá trình phơi khô tự do. Sau đó, bột xenlulo được trộn với glycerol (một sản phẩm phụ tái chế khác từ ngành công nghiệp sản xuất dầu diesel sinh học và xà phòng), biến nó thành một loại gel mềm có thể được chia phần và tạo hình thành các dải băng.
Nguồn ảnh: Reuters
Sau đó, các dải này được xử lý bằng các hợp chất từ men làm bánh có đặc tính kháng khuẩn. Qua quá trình xử lý này, các miếng gel có thể được sử dụng trong các tình huống sơ cứu. Một lợi ích khác của loại băng này là khả năng giữ cho khu vực bị thương luôn mát và ẩm, giúp đẩy nhanh quá trình lành vết thương.
Dù sầu riêng là loại quả rất phổ biến tại Đông Nam Á, ít ai nghĩ đến việc sử dụng vỏ sầu riêng – phần chiếm đến hơn một nửa khối lượng quả.
William Chen, giáo sư và người điều hành Chương trình Khoa học và Công nghệ thực phẩm tại NTU cho biết: “Ở Singapore, người dân tiêu thụ khoảng 12 triệu quả sầu riêng mỗi năm. Ngoài phần thịt, chúng ta không có mục đích để sử dụng phần vỏ và hạt, và (lượng rác thải) từ đây gây ra ô nhiễm môi trường”.
Giáo sư Chen cũng cho biết, công nghệ tương tự cũng có thể áp dụng cho các loại rác thực phẩm hữu cơ khác, bao gồm ngũ cốc và đậu nành, và trở thành biện pháp hữu ích giúp giải quyết vấn đề rác thải thực phẩm của Singapore.
Giáo sư William Chen (trái) và Tiến sĩ Tracy Cui (phải) đến từ Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) với nguyên mẫu băng gạc làm từ vỏ sầu riêng trên tay. Nguồn: Reuters
Ngoài ra, các vật liệu phế thải được sử dụng trong việc tạo ra loại băng phân huỷ sinh học này cũng giúp tiết kiệm chi phí hơn so với các vật liệu kháng khuẩn truyền thống như bạc hoặc đồng.
Sau khi đưa ra các sản phẩm nguyên mẫu, nhóm nghiên cứu đã bắt đầu đàm phán với các đối tác tiềm năng trong ngành nhằm nhận định khả năng mở rộng quy mô sản xuất. Theo Chen, nếu tình hình suôn sẻ, sản phẩm “băng gạc sầu riêng” có thể có mặt tại các cửa hàng trong vòng hai năm tới với giá bán lẻ cạnh tranh ngay từ đầu.
Nguồn: https://sea.mashable.com/tech/17556/durian-waste-gets-turned-into-bandages-by-clever-singaporean-scientists
Phạm Nhật theo Sea.mashable