Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ, Cục SHTT - khẳng định, sản phẩm thu được từ việc nuôi cấy giống sâm này trong phòng thí nghiệm không được coi là sâm Ngọc Linh.

TS Vũ Tuấn Anh - Học viện Quân y, Chủ nhiệm dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất sâm Ngọc Linh sinh khối và chế phẩm tăng lực Vinatonic” thuộc chương trình KC.10/2011-2015 - cho biết nhóm đang nuôi cấy sâm Ngọc Linh trong phòng thí nghiệm để tạo sinh khối.

Kiểm tra sinh khối sâm Ngọc Linh. Ảnh do chủ nhiệm đề tài
thuộc Chương trình KC 10 cung cấp.

Từ củ, rễ củ sâm Ngọc Linh, họ đã ra thể sần, từ đó cấy chuyển để không cho thể sần này tạo ra các tế bào có thể biệt hóa, tức là chỉ thu hoạt chất của sâm chứ không nuôi cấy thành cây sâm. Kỹ thuật này giúp rút ngắn thời gian sản xuất, chỉ mất 25-30 ngày là tạo ra sinh khối có thể sử dụng, thay vì phải trồng cây sâm trong 5-6 năm.

Do thời gian ngắn nên hàm lượng hoạt chất của sâm sinh khối ít hơn sâm tự nhiên. Nhưng bù lại, các nhà khoa học có thể chủ động nguồn dược liệu, việc nuôi cấy cũng ít rủi ro hơn, tránh sâu bệnh. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng sâm Ngọc Linh sinh khối để bào chế các sản phẩm viên uống, mỹ phẩm.

“Điều chúng tôi lo ngại là, khi sâm Ngọc Linh được cấp cho Kon Tum và Quảng Nam, liệu Học viện Quân y có được sử dụng tên “sâm Ngọc Linh” cho sản phẩm của mình nữa hay không?” - TS Vũ Tuấn Anh băn khoăn.

Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ, Cục SHTT - khẳng định, sau khi CDĐL “Ngọc Linh” được cấp cho sản phẩm sâm củ của Kon Tum và Quảng Nam, đương nhiên sản phẩm thu được từ việc nuôi cấy giống sâm này trong phòng thí nghiệm không được coi là sâm Ngọc Linh, ngay cả khi cơ quan nghiên cứu có xin phép địa phương. “Đã là CDĐL thì chỉ sản phẩm ở địa danh này mới được chấp nhận” - ông Bình nói.