Với robot hình người tên Tele-Barista, người khuyết tật tại Nhật có thể lao động và hòa nhập xã hội.
Mikako Fujita làm nhân viên pha chế được 7 năm. Đến năm 2017, cô bắt đầu nhận thấy việc đơn giản như buộc tóc cũng khá khó khăn với mình. Không lâu sau Mikako Fujita được chuẩn đoán mắc xơ cứng teo cơ một bên (ALS) – căn bệnh phá hủy tế bào thần kinh điều khiển các cơ trên khắp cơ thể, vô phương chữa trị.
4 năm trôi qua, Mikako Fujita nay vẫn có thể phục vụ cà phê cho khách ở quận Nihonbashi thuộc Tokyo dù không cần rời khỏi nhà tại tỉnh Aichi cách đó 300 km.
Để làm việc cho tiệm cà phê Dawn Avatar Robot, cô sử dụng Tele-Barista. Robot có 2 cánh tay cầm được cốc và tiến hành pha chế như người, chịu sự điều khiển của Mikako Fujita bằng chuột máy tính.
Khi ALS diễn biến nghiêm trọng khiến cơ tay khó cử động hơn, cô dự tính chuyển sang dùng bảng điều khiển hoạt động bằng cách theo dõi chuyển động mắt.
Robot đem lại cơ hội việc làm cho người khuyết tật là phát minh rất nhân văn - Ảnh: Nikkei Asian Review
Mikako Fujita còn có một robot trang bị camera để trò chuyện với khách, hỏi họ thích loại hạt nào hoặc gợi ý loại sô cô la đi kèm với cốc cà phê Kenya của họ. Robot này tên OriHime, được đặt trên vai Tele-Barista.
Chia sẻ với trang Nikkei Asian Review, Mikako Fujita cho biết cô đã khóc suốt đêm lúc biết mình bị ALS, nhưng trải nghiệm làm việc qua OriHime năm 2018 đã đem lại hy vọng mới.
“Tôi chưa từng tưởng tượng đến chuyện pha chế cà phê từ xa. Cảm ơn mọi người giúp đỡ, tôi có được nhiều niềm vui khi pha cà phê cho ai đó và họ khen cà phê ngon”, Fujita nói.
Dù chỉ toàn robot, tiệm cà phê Dawn Avatar Robot vẫn đem lại tương tác giữa người với người nhờ đội ngũ 60 nhân viên (hầu hết là người khuyết tật) làm việc qua OriHime như Fujita. Tiếng trò chuyện cùng tiếng cười luôn ngập tràn.
Dawan Avatar Robot được quản lý bởi phòng thí nghiệm Ory (Ory Lab), đơn vị phát triển Tele-Barista và OriHime. Nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Ory Yoshifuji nói về ý tưởng chế tạo: “Máy pha cà phê tự động ở đâu cũng có, nhưng chúng tôi không muốn lặp lại. Chúng tôi muốn tái tạo hành động pha cà phê cho người khác”.
Ory Lab triển khai 4 đợt sử dụng thử robot từ năm 2018 tại Tokyo và vài nơi khác, sau đó mở tiệm Dawan Avatar Robot ngay tại tòa nhà trụ sở vào tháng 6.2021 để có thể nhanh chóng tinh chỉnh robot lúc cần.
Yoshifuji, kỹ sư công nghệ từng trải qua 3 năm rưỡi ở nhà vì bệnh, từ lâu đã mơ ước sở hữu 2 đến 3 “cơ thể” riêng biệt. Ước mơ thôi thúc ông chế tạo phiên bản OriHime đầu tiên năm 2010 và 2 năm sau thành lập Ory Lab.
Từ tháng 3 đến tháng 5.2021, Ory Lab huy động được hơn 44 triệu yên (400.000 USD) để khai trương tiệm Dawn Avatar Robot. Danh sách nhà tài trợ có cả đơn vị lớn như nhà điều hành viễn thông Nippon Telegraph and Telephone hay chi nhánh hãng dược Mỹ Biogen tại Nhật.
Tiệm cà phê Dawn Avatar Robot - Ảnh: Nikkei Asian Review
Làm việc từ xa trở thành xu thế vì đại dịch COVID-19, song rất khó để người khuyết tật hay người bệnh nặng làm công việc văn phòng nếu họ thiếu kinh nghiệm. Đây là lý do khiến Ory Lab tạo ra nơi làm việc dựa nhiều hơn vào lao động thể chất và tương tác với khách.
“Tôi muốn chứng tỏ cơ hội việc làm vẫn đến với người không cử động hay không nói được. Tôi muốn khách biết họ tồn tại, họ là một phần của xã hội chúng ta”, Yoshifuji chia sẻ.
Dawn Avatar Robot rất được chú ý. Bộ trưởng Pháp phụ trách vấn đề người khuyết tật - Sophie Cluzel nhân dịp sang Tokyo dự lễ khai mạc Paralympics đã ghé vào tiệm và nhận xét: “Thật sáng tạo khi một người mắc bệnh khiến cơ thể suy yếu lại vẫn có thể làm việc, một cách tiếp cận nhân văn”.
Miao Wen Xin - người Thượng Hải (Trung Quốc) đang học tiếng Nhật tại Tokyo - đến tiệm vào một ngày thứ 7. Anh thấy rất ấn tượng nên ấp ủ ý định mở một tiệm tương tự.
Ngoài kinh doanh tiệm Dawn Avatar Robot, Ory Lab còn có thu nhập từ cho thuê robot và triển khai robot (cùng người khuyết tật) sang công ty khác làm việc.
Mos Burger là một trong số đơn vị sử dụng robot cùng người khuyết tật do Ory Lab giới thiệu. Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này có nhân viên làm việc tại quán và tại văn phòng là người khuyết tật, nhưng họ vẫn thấy ấn tượng trước ý tưởng nhân viên khuyết tật làm việc từ xa.
Công ty thí điểm dùng OriHime tại một quán ở Tokyo vào tháng 7.2020, nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động cũng như giảm tiếp xúc trực tiếp mùa dịch bệnh. Thực khách có thể gọi món qua robot, thậm chí không gọi món cũng có thể trò chuyện với nhân viên khuyết tật đang điều khiển robot.