Nhóm tác giả tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã thực hiện nghiên cứu hiệu quả của phẫu thuật tim ít xâm lấn và khẳng định kỹ thuật này có nhiều ưu điểm, giảm chi phí điều trị cho người bệnh, có thể triển khai nhận rộng cho các cơ sở y tế.

Điều trị bệnh lý về tim mạch có nhiều phương pháp như nội khoa, can thiệp qua da và phẫu thuật. Trong các phương pháp trên, phẫu thuật vẫn là điều trị tiêu chuẩn các bệnh lý cấu trúc tim như như bệnh van hai lá, van động mạch chủ, u tim,… Cho đến nay, tiêu chuẩn vàng cho phẫu thuật tim là đường mở ngực giữa xương ức, với ưu điểm bộc lộ tốt các cấu trúc của tim, giúp bác sĩ có thể thuận tiện thực hiện phẫu thuật với chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, đường mổ ngực giữa xương ức toàn bộ có thể gây rối loạn chức năng hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng xương ức, đau nhiều sau phẫu thuật,…

Phẫu thuật tim ít xâm lấn (phẫu thuật tim hở, dưới sự hỗ trợ của tuần hoàn ngoài cơ thể, mà không cần phải mở hoàn toàn xương ức), giúp giảm đau, sang chấn phẫu thuật, thở máy, chảy máu, thời gian nằm viện, tỷ lệ tử vong so với phẫu thuật mở ngực giữa xương ức,… Do những ưu điểm này, phẫu thuật tim ít xâm lấn đã trở nên phổ biến ở các nước trên thế giới như Đức, Mỹ, Pháp,…

Ở Việt Nam, phẫu thuật tim ít xâm lấn đang ở giai đoạn mới triển khai, với một số cơ sở y tế lớn thực hiện kỹ thuật này như Bệnh viện E, Chợ Rẫy, Việt Đức, Y dược TPHCM, Bạch Mai,… Để đánh giá mức độ hiệu quả của phương pháp này ở Việt Nam, làm cơ sở mở rộng và chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở y tế khác, nhóm tác giả của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu hiệu quả của phẫu thuật tim ít xâm lấn”.

Phẫu thuật tim ít xâm lấn ở Bệnh viện Đại học y dược TPHCM
Phẫu thuật tim ít xâm lấn ở Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM Ảnh: NVCC

Nghiên cứu thực hiện đánh giá gần 500 bệnh nhân ở Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM được phẫu thuật bằng phương pháp ít xâm lấn, với các bệnh lý như van hai lá, van động mạch chủ, vá thông liên thất, u nhầy nhĩ trái,… Trong đó, phẫu thuật van hai lá chiếm tỷ lệ cao nhất với gần 70%. Kết quả cho thấy, phẫu thuật bằng phương pháp này giúp ít đau đớn, ít mất máu (lượng máu mất trung bình 193,4ml), truyền máu ít (trung bình 1,1 đơn vị). Thời gian thở máy trung bình 11,9 giờ, tối đa là 100 giờ, tối thiểu là 4,6 giờ. Thời gian nằm hồi sức trung bình 1,8 ngày, tối đa 14 ngày và tối thiểu 0,67 ngày. Cụ thể trong trường hợp phẫu thuật van hai lá, thời gian nằm hồi sức khoảng 2 ngày; bệnh nhân có thể hồi phục và ra viện trong khoảng 5 ngày (so với phương pháp mổ mở toàn bộ xương ức mất khoảng 7 – 10 ngày). Ngoài ra, với kỹ thuật này, tỷ lệ tai biến và biến chứng sau mổ thấp (dưới 5%). Theo các nghiên cứu của thế giới, tỷ lệ tai biến và biến chứng sau mổ dưới 10% là tốt và phương pháp được chứng minh là an toàn, có thể được áp dụng thường quy.

Kết quả nghiên cứu đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm qua.

Hiện Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đang hỗ trợ, thực hiện kỹ thuật phẫu thuật tim ít xâm lấn cho các bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, Hoàn Mỹ Cửu Long.