Nghiên cứu của TS Phan Thị Anh Đào (Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ) và cộng sự cho thấy, cao chiết từ rau răm có thể thay thế chất phụ gia hóa học trong việc bảo quản tôm thẻ chân trắng.
Tôm là loại thủy sản tươi ngon, có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, sự hình thành các điểm đen và sự oxy hóa lipid là những yếu tố làm hạn chế sự tươi sống của tôm. Để khắc phục hạn chế này, người ta sử dụng các chất ức chế điểm biến đen. Hiện phần lớn các chất ức chế là phụ gia hóa học tổng hợp, bởi vậy xuất hiện nhu cầu sử dụng chất phụ gia kháng oxy hóa tự nhiên nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và đảm bảo vệ sinh an toàn cho người tiêu dùng.
Trong nước đã có các nghiên cứu về chất kháng oxy hóa tự nhiên từ rau quả trái cây. Tuy nhiên, còn rất ít các nghiên cứu chiết tách hợp chất kháng oxy hóa từ các loại rau gia vị. Trong khi đây là những loại rau phổ biến, dễ trồng, giá thành rẻ và lại chứa rất nhiều các chất kháng oxy hóa.
Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu của TS Phan Thị Anh Đào đã điều chế các mẫu cao chiết xuất từ 10 loại rau gia vị khác nhau (diếp cá, húng cay, húng lủi, húng quế, kinh giới, ngải cứu, ngò gai, rau ôm, rau răm, tía tô) bằng nước và ethanol. Sau khi sàng lọc, nhóm tìm ra được 5 mẫu cao ethanol của rau răm, diếp cá, ngải cứu, tía tô, húng lủi có hoạt tính kháng oxy hóa mạnh nhất. Trong đó, cao ethanol rau răm thể hiện hoạt tính mạnh hơn cả được dùng để nghiên cứu, bảo quản tôm thẻ chân trắng trong 7 ngày ở nhiệt độ 2°C.
Kết quả, cao trích ethanol từ rau răm có khả năng hạn chế peroxide hóa lipid, hạn chế sự gia tăng giá trị pH; đặc biệt là hạn chế khả năng phát triển của vi sinh vật hiếu khí và ức chế một số vi khuẩn gây hư hỏng thường xuất hiện ở tôm (Pseudomonas aeruginosa và Entorobacteriaceae). Bên cạnh đó, cao rau răm còn giảm sự hình thành điểm đen ở tôm (thường xuất hiện ở các loại giáp xác chỉ vài giờ sau khi đánh bắt và trong suốt quá trình bảo quản lạnh, đông lạnh) khi bảo quản ở nhiệt độ 2°C.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, chất bảo quản natri metabisunphit và cao chiết từ rau răm đều có khả năng hạn chế, làm chậm quá trình oxy hóa chất béo trong tôm như nhau. Tổng số sinh vật hiếu khí ở mẫu tôm bảo quản bằng dịch chiết rau răm thấp hơn 5 lần so với mẫu đối chứng (không dùng chất bảo quản), đạt TCVN 5289:2006 về yêu cầu vệ sinh của thủy sản đông lạnh.
Theo TS Hạnh, kết quả nghiên cứu nói trên mở ra tiềm năng trong việc sử dụng cao chiết từ rau răm nói riêng và từ các cây gia vị nói chung, thay thế chất phụ gia hóa học trong bảo quản thủy sản và những sản phẩm dễ bị điểm đen do sự hình thành melanosis.
Hiện nhóm đang tiếp tục mở rộng nghiên cứu trên các đối tượng rau gia vị, thảo dược khác và khả năng bảo quản của dịch chiết ethanol trên các thực phẩm khác như cá, thịt,…