Qua mấy trăm năm tồn tại và phát triển của báo chí, “nội dung là vua” là một chân lý luôn đúng, ngay cả trong thời công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, trong thời cách mạng 4.0 có thêm một chân lý mới: “Công nghệ là nữ hoàng”.

Có một thực tế là các tập đoàn công nghệ đang chuyển mình thành các tập đoàn công nghệ - truyền thông, như trường hợp của Facebook, Snapchat, Apple... Trong khi đó, các cơ quan báo chí hùng mạnh cũng đang chuyển mình thành các tập đoàn truyền thông - công nghệ.

Ví dụ rõ ràng nhất là Washington Post kể từ khi thuộc về sở hữu của ông chủ Amazon Jeff Bezos đã phát triển vô cùng mạnh mẽ. Mô hình này cũng diễn ra tại nhiều tờ báo lớn ở Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc. Không có sự hỗ trợ của công nghệ, một tờ báo lớn có thể thua kém một blogger cá nhân về mức độ lan tỏa.

Cách đây khoảng 10 năm, dù Internet đã khá phát triển, cách làm báo vẫn tương đối đơn giản; nhưng sự phát triển của những công nghệ truyền thông mới - cả về thiết bị phần cứng và phần mềm, đặc biệt là mạng xã hội - đã dẫn đến rất nhiều thay đổi. Nhiều chiến lược giữ chân độc giả ra đời, từ web-first cho đến mobile-first rồi social-first.


Và đến giờ, công nghệ thay đổi nhanh đến mức báo chí không còn biết nền tảng nào là quan trọng nhất. Các tòa soạn đã quay về với chiến lược lấy độc giả làm trọng tâm - audience-first. Trong mỗi tòa soạn, vai trò của nhân viên công nghệ ngày càng quan trọng. Tỷ lệ trung bình hiện nay trên thế giới là cứ 8 nhà báo phải có một nhân viên lập trình làm việc cùng (chứ không phải là bộ phận công nghệ riêng). Ở một số tờ báo lớn, tỷ lệ này thậm chí là 4:1.

Với nhà báo, quy trình tác nghiệp đã thay đổi. Một nhà báo giỏi không thể chỉ biết viết bài, chụp hình gửi về tòa soạn mà phải biết kết hợp nhiều công đoạn để sản phẩm xuất hiện trên trang báo hay mạng xã hội... có hình hài phù hợp.

Nhiều trường hợp, nhà báo phải đa nhiệm - biết làm đủ mọi chức năng như có kiến thức cơ bản về lập trình - điều mà họ không bao giờ được học trong trường báo chí; biết cách làm báo qua thiết bị di động (mobile journalism), bằng các phương tiện truyền thông xã hội (social journalism) và làm báo chí dữ liệu (data journalism).

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà chúng ta đang nói đến là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trên quy mô lớn trong các công nghệ chế tạo. Báo chí là cách thức làm nội dung sáng tạo, đa phần tạo ra sản phẩm đơn chiếc, nhưng không nằm ngoài xu hướng này.

Đã có rất nhiều công nghệ mới ra đời dành cho lĩnh vực báo chí như công nghệ viết tin tự động, máy tự học có thể sản xuất những nội dung đơn giản với tốc độ nhanh, tạo ra nhiều phiên bản khác nhau cho nhiều đối tượng. Công nghệ sẽ hỗ trợ các nhà báo rất nhiều từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung và phân phối sau đó.

Dự đoán, sẽ xuất hiện cả công nghệ giúp biến suy nghĩ của nhà báo thành nội dung văn bản chứ không cần phải gõ trên máy tính hay điện thoại, hoặc máy ảnh và máy quay video được tích hợp trên võng mạc...

Nhưng trong báo chí, máy móc sẽ không thể thay thế con người. Ít nhất trong tương lai gần, những nhà báo bằng xương bằng thịt vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc mang đến cho độc giả những thông tin trung thực, công bằng và cân bằng.