Tuy nhiên, cơ hội cũng không nhỏ nếu từng tờ báo, từng phóng viên tự nắn mình vào giữa dòng chảy để đóng vai trò trung tâm kết nối trong thời đại số.
Đó là phân tích của Phó Giáo sư - tiến sỹ (PGS-TS) Lê Bộ Lĩnh - Phó Tổng thư ký của Quốc hội, từng có nhiều năm ở vị trí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - khi trao đổi với Khoa học và Phát triển về những cơ hội và thách thức đối với báo chí trước cuộc cách mạng 4.0.
Không hiểu rõ và thích ứng sẽ bị loại
Cuộc cách mạng 4.0 đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho các ngành, lĩnh vực. Theo ông, “vòng xoáy” này sẽ ảnh hưởng đến ngành báo chí như thế nào?
Đúng là cuộc cách mạng 4.0 đang đặt ra thách thức cho tất cả các ngành và báo chí không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, tôi muốn nói về cơ hội nhiều hơn, bởi bản chất của cách mạng 4.0 là kết nối - một chức năng của báo chí. Tận dụng được cơ hội này, sự tương tác với độc giả sẽ nhanh, rộng hơn. Theo dự báo, năm tới tỷ lệ tiếp cận Internet có thể lên đến gần 90% dân số, lượng độc giả của báo chí sẽ mở rộng hơn rất nhiều và thông tin cần chuyển tải tới họ sẽ được truyền đi rất tức thời.
Khi việc kết nối được thực hiện trên cơ sở hạ tầng thông tin băng thông rộng, cùng với sự phát triển mạnh các hình thức kết nối trực tuyến, khả năng khai thác thông tin tức thời của báo chí sẽ tăng mạnh. Cuộc cách mạng 4.0 còn tạo sự giao tiếp trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa những người sản xuất với nhau nên việc kiểm chứng, xác minh thông tin của nhà báo cũng dễ dàng, nhanh chóng hơn. Ngoài ra, công nghệ truyền, lưu trữ thông tin, sự thay đổi các phương thức tương tác cũng giúp báo chí phát triển mạnh với nhiều hình thức phong phú.
Tiến sỹ Lê Bộ Lĩnh phát biểu tại buổi họp báo Quốc hội kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XIV. Ảnh Như Ý
Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ, trước hết là báo chí truyền thống có thể bị mất lợi thế. Đặc tính của cách mạng 4.0 là chuyển tải thông tin, thông điệp giữa mọi người một cách trực tiếp, không thông qua khâu trung gian như sách báo. Người sản xuất và người tiêu dùng có thể tương tác trực tiếp, thậm chí người tiêu dùng tham gia vào việc định hình sản phẩm. Do đó, nhu cầu quảng bá qua báo chí sẽ giảm đi.
Thách thức nữa là tính cạnh tranh giữa các thực thể truyền thông sẽ rất lớn. Những cơ quan báo chí không đủ sức chịu đựng có thể bị loại khỏi cuộc chơi. Lượng thông tin chuyển tải lớn và nhanh khiến việc đảm bảo độ tin cậy, an toàn của thông tin, đảm bảo bản quyền cũng là một vấn đề.
Báo chí chính thống vẫn có vị trí quan trọng
Trong bối cảnh đó, theo ông báo chí phải chuyển mình như thế nào để thực hiện đúng chức năng của mình?
Thông tin số hóa phát triển nhanh, đa dạng là thách thức với báo chí truyền thống nhưng không có nghĩa báo chí truyền thống mất hết vai trò. Trong “mớ” thông tin với nhiều góc nhìn từ các trang mạng, báo chí và những thông tin chính thức sẽ được bạn đọc trông đợi như một nguồn tin đáng tin cậy. Vì thế báo chí truyền thống vẫn có vị trí nhất định và quan trọng đối với độc giả.
Tôi tin một lượng lớn độc giả vẫn có nhu cầu đọc báo. Đương nhiên, để phát huy lợi thế đó và giữ được độc giả, mỗi cơ quan báo chí phải xây dựng được nội dung thông tin đủ sức cạnh tranh cũng như cải tiến cách thức để hấp dẫn bạn đọc.
Ông có thể phân tích cụ thể hơn về cách thức tận dụng cơ hội này?
Rõ ràng báo chí phải bám sát, hiểu được xu hướng mới và tác động về mặt công nghệ, nhu cầu xã hội khi bước vào cuộc cách mạng 4.0. Để thích ứng được thì đương nhiên phải hiểu về nó. Bản chất công nghệ chỉ là một phần, quan trọng hơn là phải hiểu được tác động của nó để bám sát xu hướng phát triển. Sự tác động trực tiếp đầu tiên là đối với hạ tầng thông tin số hóa, sự biến đổi trong sản xuất, đời sống cũng như hành vi con người theo xu hướng và sự tác động lan tỏa.
Do đó, mỗi cơ quan báo chí phải trang bị cả về cơ sở vật chất và đội ngũ; phải luôn đổi mới, nhanh nhạy nắm bắt xu hướng mới. Tôi nghĩ rằng trong câu chuyện này có sự bình đẳng và nắm bắt được cơ hội hay không phụ thuộc vào năng lực của từng tờ báo và nhà báo. Phóng viên thời đại này phải không ngừng nâng cao năng lực thích ứng.
Cuộc cách mạng 4.0 chắc chắn sẽ buộc tổ chức và đội ngũ báo chí luôn đổi mới và sáng tạo. Bản chất của cách mạng 4.0 là môi trường sáng tạo, nó tạo ra cuộc chơi cho đội ngũ báo chí và những người làm báo tự sáng tạo. Như vậy, chính các cơ quan báo chí, phóng viên vừa là người thụ hưởng, chịu ảnh hưởng vừa là nhân tố tạo ra, tham gia cuộc cách mạng này.
Một tổ chức và đội ngũ nhà báo nhận thức được điều này sẽ bắt nhịp được xu thế của thời đại số. Cuộc cách mạng 4.0 sẽ tiếp tục định hình cả một thời đại, cuộc sống con người và các nghề nghiệp. Mọi lĩnh vực đều phải chuyển mình và thích ứng theo tốc độ đổi mới tri thức và trình độ dân trí, nhận thức của xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn ông!