Ba tuần qua, dư luận quốc tế dồn sự chú ý về Barcelona - thủ phủ của vùng Catalonia - đang đòi tách khỏi Tây Ban Nha.

Nhưng bên dưới bề mặt ồn ào đó còn có một câu chuyện khác, đó là vài năm trở lại đây, Barcelona đã trở thành tâm điểm chú ý của startup toàn thế giới với những thành công ấn tượng trong sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tăng trưởng bùng nổ

Dựa vào báo cáo xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2017 do hãng Startup Genome thực hiện, tờ Forbes đã phân tích sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp của Barcelona với các điểm mạnh, vốn liếng cũng như những chính sách, hành động để thúc đẩy sự tăng trưởng.

Điều khiến người ta bất ngờ là thời gian qua hệ sinh thái này liên tục có các vụ thoái vốn (exit - khi các nhà đầu tư thu hồi lại vốn rót cho startup qua việc chào bán công khai lần đầu - IPO, hoặc bán lại cho bên khác) với số tiền lên tới hàng trăm triệu USD.

Ví dụ năm 2016, Privalia - một startup thương mại điện tử ở Barcelona - được một công ty Pháp mua lại với giá 560 triệu USD. Mới nhất là sự kiện nhà phát triển trò chơi điện tử khổng lồ Take-Two Interactive mua lại startup Social Point với giá 250 triệu USD. Ra đời ở Barcelona vào năm 2008, Social Point được kỳ vọng sẽ giúp Take-Two tăng cường sức mạnh trong lĩnh vực game di động.

Mobile World Congress 2016 được tổ chức tại Barcelona. Ảnh: Emnify
Mobile World Congress 2016 được tổ chức tại Barcelona. Ảnh: Emnify

Đáng nói là những vụ exit kể trên không chỉ là nhất thời, mang tính chất “ăn may”. Theo thống kê, tổng số lần “hóa rồng” của các startup thuộc hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Barcelona đã tăng gấp bốn lần chỉ trong vòng năm năm qua. Quan trọng hơn, trong khoảng thời gian này, mỗi năm Barcelona đều có trung bình một vụ thoái vốn lớn, tức là mỗi vụ mua lại hoặc IPO có giá trị ít nhất 100 triệu USD.

Theo mô hình vòng đời hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, những cú exit như vậy có thể đóng vai trò như “lò xo” thúc đẩy một hệ sinh thái bước vào giai đoạn phát triển và tăng trưởng mới. Kết quả là Barcelona trở thành tấm gương điển hình về một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo chuyển mình từ giai đoạn “kích hoạt” sang giai đoạn “toàn cầu hóa” trong mô hình vòng đời hệ sinh thái.

Ở giai đoạn kích hoạt, như tên gọi của nó, hệ sinh thái khởi nghiệp cần tập trung vào việc kích hoạt các nguồn lực địa phương và xây dựng một cộng đồng hỗ trợ mạnh mẽ cho các startup. Điều này có thể xảy ra thông qua các sự kiện hoặc tạo ra các tổ chức hỗ trợ mới.

Ở Barcelona, giai đoạn kích hoạt hệ sinh thái diễn ra thông qua việc tăng số lượng các trung tâm tăng tốc (accelerator) và tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở các khu vực như 22 @ Barcelona - một khu đô thị mới tại thành phố này.

Barcelona đã có tăng trưởng mạnh về quy mô (với hơn 1.000 startup công nghệ, nhiều hơn hẳn mức trung bình của các hệ sinh thái đang ở giai đoạn kích hoạt khác) và tốc độ thay đổi. Trong hai năm qua, đầu tư cho giai đoạn đầu ở Barcelona tăng nhanh hơn so với hầu hết các hệ sinh thái startup trên thế giới và phần đến từ các nhà đầu tư bên ngoài lớn hơn với 53% số vốn ở các vòng tài trợ hạt giống đến từ các nhà đầu tư bên ngoài Barcelona.

Vậy nhờ đâu chỉ trong một thời gian ngắn Barcelona đã chuyển đổi thành công từ giai đoạn “kích hoạt” sang giai đoạn “toàn cầu hóa”?


Ba bí quyết của Barcelona

Yếu tố đầu tiên là việc Barcelona biến các sự kiện toàn cầu thành sự kết nối toàn cầu. Hầu như tất cả các thành phố trên khắp thế giới đều tổ chức các hội nghị, sự kiện về startup hoành tráng nhưng chỉ có một số ít các thành phố thực sự hưởng lợi từ đó.

Barcelona không chỉ tổ chức các sự kiện lớn như triển lãm di động toàn cầu (Mobile World Congress - sự kiện diễn ra vào tháng hai hằng năm) mà còn nỗ lực giúp các startup địa phương tạo những kết nối toàn cầu tại các dịp như vậy. Chẳng hạn, triển lãm di động toàn cầu đã tạo ra cổng thông tin 4YFN (4 Years From Now) kết nối các startup, nhà đầu tư và doanh nghiệp với nhau để cùng tạo ra những dự án kinh doanh mới.

Tiếp đến, Barcelona tập trung vào các ngành, thị trường ngách phù hợp với thế mạnh của mình. Kể từ khi tổ chức Thế vận hội Olympic 1992, Barcelona đã gây dựng được danh tiếng toàn cầu trong ngành thiết kế đô thị. Chính quyền thành phố và chính quyền vùng đã tích cực biến Barcelona thành một thành phố thông minh (smart city) và hỗ trợ các startup trong lĩnh vực này. Hiện ở Barcelona có gần 300 startup về smart city và hơn một nửa trong số đó có sản phẩm xuất khẩu.

Cuối cùng là việc Barcelona tích cực hỗ trợ startup. Đối với Barcelona và toàn bộ vùng Catalonia, startup không phải là một phần phụ trong chiến lược phát triển kinh tế tập trung vào các công ty lớn như chúng ta thấy ở rất nhiều nơi. Barcelona chắc chắn có các tập đoàn lớn, nhưng các cơ quan nhà nước cũng dành mối quan tâm đặc biệt cho các startup, coi đó là điều cốt lõi trong công việc của họ, bao gồm cả việc “bơm” tiền nhà nước vào hệ sinh thái để tăng vốn trong giai đoạn gọi vốn đầu tiên của các startup.

Dĩ nhiên tất cả các hệ sinh thái đều có những vấn đề cần cải thiện và bản chất sự phát triển của hệ sinh thái trong giai đoạn toàn cầu hóa cũng biến đổi: Các thành phần của hệ sinh thái cần vượt thoát ra khỏi ranh giới địa phương.

Các startup ở Barcelona cần mở rộng các kết nối toàn cầu hơn nữa, tham gia vào thị trường toàn cầu ở mức độ cao hơn nữa. Mặc dù có sự tăng trưởng ấn tượng thời gian qua, nhưng hệ sinh thái này vẫn cần thêm những nguồn đầu tư mới.

Làm thế nào để thực hiện được những điều đó? Các thành tố của hệ sinh thái làm thế nào để tăng cường kết nối toàn cầu? Làm sao để các nguồn đầu tư dồi dào hơn, dễ tiếp cận hơn mà không làm méo mó các chính sách ưu đãi?

Đây là những câu hỏi mà tất cả chúng ta chờ đợi Barcelona trả lời. Hy vọng rằng trong 5-10 năm tới, chúng ta sẽ lại được đặt câu hỏi: Làm thế nào mà Barcelona đã phát triển như vũ bão trong giai đoạn toàn cầu hóa?