Đó là quan điểm mà Phó Giáo sư Kim Eui Hwa - khoa Kỹ thuật vật liệu dệt - may, Đại học Shinhan (Hàn Quốc) - chia sẻ với Khoa học và Phát triển bên lề một hội thảo quốc tế được tổ chức gần đây tại Hà Nội.
Thông minh là kết nối
Thưa ông, ông quan niệm như thế nào về nhà máy thông minh trong công nghiệp dệt - may?
Cách mạng công nghiệp 4.0 là một bước tiến theo hướng số hoá và được nhiều người coi là chìa khóa để bảo đảm một nền công nghiệp ổn định. Việc thành lập nhà máy thông minh sẽ mang lại những điều kiện cần thiết để nâng cao năng suất và tiết kiệm chi phí và công nghệ số nằm ở trung tâm của cách mạng công nghiệp 4.0 và nhà máy thông minh.
Nhà máy thông minh trong dệt - may được hiểu là nhà máy mà ở đó tất cả các thông tin về sản xuất được chia sẻ và sử dụng trong thời gian thực nhằm mục đích tối ưu hóa hoạt động sản xuất. Nhà máy thông minh bao gồm tất cả các quy trình liên quan tới sản xuất - từ phát triển đơn hàng cho tới xuất kho (nhu cầu, dự báo, đặt hàng, sản xuất, tồn kho...).
Phó Giáo sư Kim Eui Hwa. Ảnh: Đoàn Vũ
Hiện nay, ở các nhà máy truyền thống, các bộ phận thường mang tính tách biệt với những mục đích khác nhau; còn ở nhà máy thông minh, các bộ phận đều được tích hợp với nhau tạo thành một khối tổng thể; nghĩa là các bộ phận đơn lẻ như văn phòng, nhà xưởng, bộ phận kiểm hàng, lưu kho đều được kết nối với toàn bộ hệ thống. Điều này giúp nhà quản lý dễ dàng thu thập thông tin từ các bộ phận khác nhau cũng như giám sát và quản lý hoạt động sản xuất đang diễn ra tại nhà xưởng (trong thời gian thực) một cách thuận tiện.
Tăng hiệu suất, giảm hàng lỗi
Ông có thể cho biết thực tế áp dụng các thành tựu của cách mạng 4.0 trong dệt - may tại Hàn Quốc?
Hiện Hàn Quốc mới chỉ có các trung tâm nghiên cứu, trường đại học và các cơ quan thuộc chính phủ nghiên cứu về những ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành dệt - may. Trong khi đó, các doanh nghiệp chưa thật sự thiết tha với vấn đề này. Họ có quá nhiều nỗi băn khoăn, hoài nghi, chẳng hạn như áp dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 như thế nào và nếu áp dụng sẽ mang lại lợi ích gì.
Như tôi đã nói, việc hình thành các nhà máy thông minh trong dệt - may là nhằm mục đích nâng cao sản lượng và chất lượng, giảm tối đa số lượng hàng lỗi, giảm giá thành sản phẩm, từ đó tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường. Thực tế ở Hàn Quốc, năng suất lao động tại các nhà máy may hiện nay rất cao, gần như đạt 100%. Vì thế, việc áp dụng mô hình nhà máy thông minh chưa cho thấy sự thay đổi rõ rệt.
Ở những nhà máy, phân xưởng may vẫn sử dụng nhiều nhân công mà năng suất lao động mới chỉ đạt khoảng 70% thì việc hình thành các nhà máy thông minh sẽ cho thấy được sự thay đổi ngoạn mục.
Nếu làm phép toán thống kê, khi áp dụng nhà máy thông minh, hiệu suất lao động có thể tăng 20%, lượng hàng lỗi có thể giảm 10%. Tuy nhiên theo tôi, cái lợi lớn nhất là thời gian làm việc của người lao động được nới lỏng, tức người lao động không phải làm nhiều giờ như trước (10-12 giờ/ngày). Tuy nhiên, hiện nay việc hình thành các nhà máy thông minh ở Hàn Quốc mới ở giai đoạn đầu nên hiệu quả giảm bớt lượng nhân công chưa rõ rệt.
Theo ông, để xây dựng các nhà máy thông minh, ngành dệt - may Việt Nam cần những điều kiện gì?
Ngành dệt - may Việt Nam thời điểm hiện tại giống với Hàn Quốc trước đây khi còn là công xưởng của thế giới, tức là vẫn sử dụng lực lượng lao động là chính. Vì vậy, Việt Nam có thể học tập theo từng bước quá trình phát triển của Hàn Quốc.
Theo tôi, vấn đề cần lưu ý chính là tự động hóa trong dệt - may. Đó chính là sử dụng máy móc tự động, hay áp dụng kết nối tự động các thiết bị giữa xưởng này với xưởng kia... Đây là yếu tố quan trọng đầu tiên để có thể ứng dụng tốt nhà máy thông minh của cách mạng công nghiệp 4.0. Đó chính là IoT trong may mặc.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phó Giáo sư Kim Eui Hwa hiện là giảng viên khoa Kỹ thuật vật liệu dệt - may, Đại học Shinhan - một trong những trường đại học nổi tiếng ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ông cũng là nghiên cứu viên chính của Viện Công nghệ dệt kim Hàn Quốc và Trung tâm Nghiên cứu dệt của Viện Công nghiệp Hàn Quốc (Kitech). |