Việc giảm giá thành của công nghệ cảm biến cùng với khả năng thu thập dữ liệu ẩn giấu trước đây và sự phổ cập Internet đã góp phần thay đổi ngành công nghiệp chế tạo - từ dây chuyền làm chén, bát đến những chiếc ôtô.
Thị trường nhà máy thông minh sẵn sàng để bùng nổ
Trong kỷ nguyên sản xuất kỹ thuật số, khoảng cách giữa thế giới ảo và thế giới thực đang được thu hẹp nhanh chóng bằng một cách sản xuất hoàn toàn mới.
Vừa qua, Future Market Insights (FMI) - nhà cung cấp dịch vụ tư vấn và thông tin thị trường hàng đầu thế giới - đã công bố báo cáo về thị trường nhà máy thông minh toàn cầu trong giai đoạn 2015-2025. Báo cáo của FMI cho biết thị trường nhà máy thông minh toàn cầu có giá trị 51 tỷ USD vào năm 2014 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 13,3% mỗi năm cho đến năm 2025.
Sự quan tâm đến sản xuất tiên tiến, nhu cầu ngày càng tăng từ các ngành hàng chính và xu hướng của các nhà sản xuất là những nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhà máy thông minh toàn cầu.
Một nhà máy thông minh với sự kết hợp ăn ý giữa robot và con người. Ảnh: Reuters
Một số xu hướng chính có thể nhận thấy trên thị trường hiện nay như sự gia tăng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng dây chuyền có các robot kết hợp với con người, sử dụng mạng lưới vạn vật kết nối trong công nghiệp (Internet Industrial Things - IIoT) và tăng đầu tư vào các nhà máy sản xuất.
Sự thúc đẩy của công nghệ thông tin
Sự hội tụ của sức mạnh công nghệ lớn, máy móc biết suy nghĩ và trí thông minh nhân tạo đã kích hoạt sự chuyển đổi hoàn toàn của ngành công nghiệp sản xuất, cho ra đời những nhà máy thông minh siêu tiện ích và tạo điều kiện cho sự nổi lên của Industry 4.0 - thế giới của điện toán đám mây, IoT và các hệ thống điều khiển vật lý.
Trong khi các yếu tố như tự động hóa, dây chuyền lắp ráp và máy hơi nước đã thúc đẩy ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, thì máy móc thông minh được dự đoán sẽ đóng vai trò chủ đạo ở cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Industry 4.0). Giống như các cuộc cách mạng trước đó, một bước nhảy vọt về mức năng suất chưa từng thấy trước đây sẽ đến trong Industry 4.0.
Sự phát triển nhảy vọt trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang thúc đẩy việc sử dụng robot và cảm biến trong các nhà máy thông minh, thúc đẩy Industry 4.0. Các cảm biến bền và ít tốn kém đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất tại nhà máy thông minh như thu thập thông tin (được ví như tai và mắt), đảm bảo tính đồng bộ trong vận hành máy móc, tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa việc vận hành hệ thống.
Việc thị trường tràn ngập các bộ cảm biến chi phí thấp cho thấy nhà máy thông minh - dù là chuỗi cung ứng, cửa hàng hay ở đâu - có tiềm năng lớn và hoàn toàn đủ khả năng ứng dụng trong các chuỗi sản xuất liên tục ở môi trường tối ưu.
Công nghiệp ôtô, vận tải sẽ tiếp tục sinh lợi
Theo báo cáo của FMI, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn duy trì lợi nhuận trong thị trường nhà máy thông minh vài năm trở lại đây. Sự tăng trưởng của thị trường khu vực này chủ yếu là do đầu tư tăng mạnh ở các bộ phận sản xuất. Ví dụ, gần đây Chính phủ Hàn Quốc phối hợp với Tập đoàn Samsung Electronics công bố khoản đầu tư 12,6 triệu USD để quảng bá khái niệm nhà máy thông minh trên toàn quốc.
Ngoài ra, Trung Đông và châu Phi cũng sẽ tăng trưởng nhanh trong thị trường nhà máy thông minh toàn cầu ở tương lai gần. Tiếp đến sẽ là thị trường Mỹ Latinh.
Báo cáo của FMI cũng cũng chỉ ra rằng ngành ôtô và vận tải sẽ tiếp tục giữ vị trí thống lĩnh thị trường về doanh thu. Các nhà sản xuất ôtô hàng đầu đã và đang đầu tư mạnh vào nhà máy thông minh. Đây là yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của công nghiệp ôtô và ngành vận tải.
Trong năm 2015, hãng sản xuất ôtô siêu sang Mercedes Benz (Đức) đã công bố khoản đầu tư 1,3 tỷ USD để mở rộng và nâng cấp các bộ phận sản xuất nhà máy tại Alabama (Mỹ). Điều này giúp tạo ra các cơ hội việc làm khổng lồ và hỗ trợ số hoá hệ thống đầu cuối của quá trình sản xuất như một phần sáng kiến về nhà máy thông minh của hãng này.