Áp dụng công nghệ cao vào bảo quản nông sản có thể giải quyết được mối lo được mùa-mất giá, đồng thời giữ được chất lượng, nâng cao giá trị nông sản trong thời gian bảo quản.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tạo ra một lượng sản phẩm chất lượng cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng hiện nay.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản ở Việt Nam nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao còn nhiều hạn chế.
Vì vậy, việc áp dụng công nghệ cao vào bảo quản nông sản sau thu hoạch rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp.
Giải quyết mối lo được mùa, mất giá
Đối với các loại nông sản nói chung, đặc biệt là trái cây sản xuất trên diện tích lớn, số lượng nhiều, khi đến mùa thu hoạch là nỗi lo của đa số nông dân.
Trong nhiều năm qua, không ít trường hợp nông sản vào vụ thu hoạch rộ lại phải chờ người đến thu mua, hoặc có liên kết với doanh nghiệp cũng khó tiêu thụ bởi đầu ra bão hòa.
Chính vì thế, áp dụng công nghệ cao vào bảo quản nông sản có thể giảm bớt nỗi lo và gánh nặng cho nông dân, đồng thời có thể giữ được chất lượng, nâng cao giá trị nông sản trong thời gian bảo quản.
Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạnSản xuất thương mại nông sản Thái Thuận (Ninh Thuận), chia sẻ các loại trái cây sau khi thu hoạch chỉ giữ được độ tươi từ 1-2 ngày trong điều kiện bảo quản bình thường.
Chính vì vậy, nếu không áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào khâu bảo quản, giá trị trái cây sẽ giảm từ 30% đến 50%, đó là chưa kể vào kỳ thu hoạch rộ.
Công ty Thái Thuận đầu tư công nghệ bảo quản, sản phẩm trái cây có thể giữ được độ tươi ngon từ 50 ngày đến 60 ngày, đồng thời, với chế độ bảo quản này, sản phẩm có thể tăng giá trị lên 30%.
Điển hình như với trái nho Ninh Thuận, Công ty Thái Thuận đã đầu tư hệ thống sơ chế đóng gói MAP, liên kết với 50ha sản xuất nho an toàn của nông dân Ninh Thuận.
Được đầu tư cao, giá thành sản xuất nho tăng 250 đồng/kg, lại được phần lớn các doanh nghiệp thu mua vì chất lượng tốt, giữ vững trong thời gian dài, đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp khi tiêu thụ ra thị trường.
Anh Nguyễn Văn Tân, nông dân trồng nho tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận cho biết, từ khi được doanh nghiệp liên kết đầu tư dây chuyển bảo quản nho sau thu hoạch, sản phẩm nho an toàn của anh không còn rơi vào tình huống được mùa-mất giá.
Không những vậy, sản phẩm cũng được doanh nghiệp thu mua gấp đôi so với chưa áp dụng công nghệ bảo quản này. Trái nho rất dễ hư trong điều kiện bình thường, khi áp dụng công nghệ bảo quản này, độ tươi ngon và chất lượng được giữ nguyên đến 60 ngày, là điều doanh nghiệp an tâm khi thu mua và tiêu thụ dần.
Ưu điểm cho sản phẩm chế biến
Một trong những quy trình chế biến nông sản không thể thiếu chính là sấy thực phẩm. Quy trình này đòi hỏi công nghệ, thiết bị phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, diệt trừ mầm bệnh, đồng thời giữ được độ tươi ngon của nông sản sau khi chế biến và đưa vào thị trường tiêu thụ.
Công nghệ sấy vốn đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng trong chế biến. Mới đây nhất là công nghệ sấy vi sóng trong chế biến, bảo quản thực phẩm và nông sản.
Cụ thể, sấy vi sóng là đưa nhiệt thâm nhập vào thành phần trong sản phẩm bằng những tia sóng nhỏ. Nhiệt theo tia sóng này làm khô sản phẩm trong thời gian rất ngắn.
Phương pháp này không chỉ giúp tiết kiệm điện năng trong quy trình sấy nông sản, mà còn giữ lại được hầu hết các chất dinh dưỡng và màu sắc ban đầu của nông sản, thực phẩm.
Không những vậy, nhiệt theo sóng siêu cao tần còn có thể tiêu diệt được hai loại vi khuẩn gây hại cho nông sản, thực phẩm là E.Coli và Salmonella.
Thạc sỹ Trần Văn Sư, Khoa Điện tử-Viễn thông, Đại học Quốc tế (thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, bảo quản, chế biến sau thu hoạch là thách thức lớn cho người trồng trọt ở Việt Nam.
Trước đây, người dân và các doanh nghiệp nhỏ thường sử dụng các phương pháp sấy nhiệt như phơi nắng, sấy lò hơi. Tuy nhiên, phương pháp này mất nhiều thời gian, khó giữ lại được đầy đủ chất dinh dưỡng có sẵn trong nông sản, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ bị các vi khuẩn có hại xâm nhập như E.coli, nấm mốc.
Khi ứng dụng công nghệ sấy vi sóng (sóng siêu cao tần), người sản xuất và doanh nghiệp nhỏ có hướng đi mới trong chế biến và bảo quản nông sản, thực phẩm.
Minh chứng điển hình là Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Nam (Thành phố Hồ Chí Minh), sản xuất chế biến nước yến đóng chai Song Yến đã ứng dụng công nghệ này trong tiệt trùng dụng cụ sản xuất, đóng chai sản phẩm yến.
Thay vì mất 60 phút để sấy khô và diệt khuẩn các thiết bị, dụng cụ so với trước đây, công nghệ sây vi sóng chỉ mất 5 phút để thực hiện quy trình này.
Đầu tư công nghệ với chi phí cao, nhưng hiệu quả điện năng giảm 12 lần, sẽ giúp cho doanh nghiệp cân bằng và giảm chi phí sản xuất khi sử dụng trong thời gian dài.
Ông Đào Quốc Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Máy và thiết bị công nghiệp Quốc tế (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, so với thực hiện sấy thông thường (10.000 chai/8 giờ), sấy vi sóng nâng công suất lên 19.200 chai/8 giờ, doanh nghiệp có thể tiết kiệm 360 triệu đồng tiền điện mỗi tháng.
Hơn nữa, việc lắp đặt thiết bị sấy vi sóng dễ dàng và linh hoạt, dễ dàng di chuyển, thân thiện với môi trường.
Đây là công nghệ tối ưu cho các loại nông sản sấy khô như xoài, mít, đậu phộng, hạt điều, ca cao, càphê, thanh long…
Như vậy, có thể nói, chính khoa học và công nghệ cao là phương thức tốt nhất cho việc bảo quản và chế biến nông sản hiện nay./.