Khi xảy ra sạt - trượt, dù quy mô không lớn, vẫn phải nghiên cứu xử lý để ổn định bờ dốc, nhiều khi phải sử dụng đồng thời nhiều giải pháp. Trong trường hợp đồi ông Tượng (phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình) các kỹ sư phải sử dụng tới 14 giải pháp lớn nhỏ.
Địa chất phức tạp điển hình
TS Nguyễn Đức Mạnh - Trưởng bộ môn Địa kỹ thuật (ĐH Giao thông vận tải), kỹ sư cố vấn kỹ thuật xứ lỷ sạt trượt khu vực này - cho biết: “Đã 2 mùa mưa bão (năm 2016 và 2017) kể từ khi được xử lý, đồi ông Tượng đã ổn định trước những tác động của mưa bão”.
Trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh Hòa Bình, với trụ sở UBND tỉnh được xây dựng năm 2012, nằm dưới chân đồi Ông Tượng. Từ tháng 6/2013, hiện tượng sạt lở bắt đầu xảy ra ở khu vực này và kéo dài tới tháng 9/2013. TS Nguyễn Đức Mạnh - Trưởng bộ môn Địa kỹ thuật (ĐH Giao thông vận tải) - người được mời làm kỹ sư cố vấn kỹ thuật xứ lỷ sạt trượt khu vực này từ thời điểm đó - cho biết,sau khi tiến hành một loạt giải pháp, đến tháng 8/2015, hiện tượng sạt - trượt tiếp tục xảy ra. Từ đó đến năm 2016, ông tiếp tục đưa ra các giải pháp để xử lý.
Thực tế, đồi Ông Tượng là một trong những khu vực có địa chất phức tạp điển hình do hoạt động đứt gãy kiến tạo, vò nhàu đất đá. Thành phần đất biến đổi khó lường, đa thành phần, thay đổi liên tục, đất nứt nẻ liên tục, độ bền và kết cấu đất kém, địa hình dốc. Đây là những yếu tố bất lợi và nhạy cảm với sạt trượt dù chỉ có tác động nhỏ do hoạt động xây dựng của con người. Tuy nhiên, do yêu cầu về mặt bằng xây dựng công trình nên việc đào sườn đồi là điều không thể tránh khỏi.
Theo TS Mạnh, nguyên tắc xử lý là đi từ xác định chính xác nguyên nhân, yếu tố ảnh hưởng của các vị trí cụ thể rồi chia cắt, xử lý từng yếu tố tác động và điều chỉnh. Đáng nói là, do kinh phí còn hạn chế nên ở lần xử lý đầu tiên, thay vì sử dụng khung bê tông rồi sử dụng thêm 1-2 giải pháp khác là ổn định, ông và các cộng sự phải dùng nhiều giải pháp nhỏ lẻ để tiệt kiệm.
"Giá của một mét khung bê tông neo từ 8-10 triệu đồng, trong khi các giải pháp kia chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng. Kinh phí hạn hẹp nên chúng tôi phải khắc phục" - ông Mạnh nói.
Kết hợp 14 giải pháp
Theo TS Nguyễn Đức Mạnh: “Khi xảy ra sụt trượt, dù quy mô không thực sự quá lớn như ở đồi Ông Tượng, việc phải nghiên cứu xử lý nhằm ổn định bờ dốc (chống) là bắt buộc. Trong nhiều trường hợp đòi hỏi sử dụng đồng thời nhiều giải pháp để xử lý, điển hình như ở đồi ông Tượng, chúng tôi sử dụng 14 giải pháp lớn nhỏ khác nhau trong 2 đợt (năm 2014 và 2016)".
Một trong những giải pháp quan trọng được tiến hành đầu tiên trong 2 đợt là thoát nước mặt, nước mưa, cắt nước bằng đường ống dẫn không cho nước chảy dồn vào các vị trí mất ổn định có nguy cơ sạt trượt.
Ngoài ra, có những giải pháp lần đầu được sử dụng để chống sạt trượt ở Việt NAm là dùng cọc đất xi măng trên đồi để gia cố đất.
TS Mạnh giải thích: “Địa chất đất ở đồi Ông Tượng kém bền, rời rạc, nhiều lỗ rỗng, dễ thẩm nước nên cầm bơm xi măng để gia cố đất. Chúng tôi sử dụng khoan có tia áp lực cao để bơm vữa vào. Những chỗ đất yếu, xi măng sẽ đi vào để làm đất vững chắc hơn. Mật độ tại đây là 2 mét/cọc. Mỗi địa hình sẽ sử dụng với mật độ khác nhau”.
Các giải pháp khác có thể kể tới là thay thế ốp đã mặt bờ dốc bằng khung bê tông cốt thép kết hợp gạch lỗ trồng cỏ, điều chỉnh độ dốc địa hình, khôi phục taluy âm bằng tường chắn đất có cốt...
Cho rằng việc xử lý sạt trượt luôn tồn tại những nguy hiểm tuy nhiên vẫn chưa được quan tâm đúng mức, TS Nguyễn Đức Mạnh nêu: "Thực tế là khi đầu tư xây dựng công trình tại những khu vực như đồi Ông Tượng, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, đơn vị quản lý hay chủ đầu tư thường ít quan tâm và giảm thiểu chi phí xây dựng như kinh phí nghiên cứu, tài liệu nghiên cứu khu vực tổng thể tới chi tiết, khảo sát, thiết kế... Khi xảy ra sạt trượt rồi mới xử lý thì giải giải pháp kỹ thuật phức tạp hơn. Chữa luôn khó và tốn kém hơn so với phòng”.