Tắc nghẽn tuyến đường giao thông huyết mạch – quốc lộ 1A - trong nhiều ngày do trượt lở đất là sự cố đã xảy ra không chỉ một lần. Mưa lớn kéo dài là nguyên nhân quan trọng nhất.

Vụ sạt lở lớn xảy ra tại một ngọn núi cạnh quốc lộ 1A (QL1A) đoạn qua địa phận xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu, Nghệ An chiều 5/10 đã làm dài thêm danh sách các vụ trượt lở đất – hiện tượng thiên nhiên rất hay xảy ra dọc tuyến đường huyết mạch này vào mùa mưa bão. Dưới đây là một số trường hợp trượt lở đất gây hậu quả lớn trên QL1A, theo tổng hợp của Viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải (ITST) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT):

Tại vị trí đỉnh đèo Phước Tượng (Km 850 - thuộc địa phận Thừa Thiên – Huế), trận mưa bão lịch sử cuối năm 1999 đã làm sụt lở trên 20.000m3, đất đá tràn qua QL1A và chảy thành dòng bùn sệt đổ xuống phía taluy âm, lấp kín cửa hầm số 7 của tuyến đường sắt Thống Nhất, gây tắc giao thông đường bộ và đường sắt trong 5 ngày.

Cũng trong trận bão lũ cuối năm 1999 này, theo báo cáo tình hình trượt đất nông của Hạt Bảo dưỡng đường bộ Phú Lộc thuộc Khu Quản lý đường bộ IV và thống kê thực tế của ITST, riêng trên nhánh phía bắc của đèo Hải Vân -dài 10,8km tính từ chân đèo tại thị trấn Lăng Cô đỉnh đèo Hải Vân - đã xảy ra sụt lở ở 11 vị trí, quy mô từ vừa đến lớn. Tại đoạn Km902+600, trong ngày mưa bão 04/11/1999, tình trạng sụt trượt đất đã làm đứt hẳn một đoạn nền đường dài 33m, gây tắc giao thông trên tuyến huyết mạch QL1A đoạn qua đèo Hải Vân trong 5 ngày liền. Bộ GTVT đã chỉ đạo bắc ngay một cây cầu tạm thời để vượt qua đoạn đường bị sụt trượt này trước khi áp dụng các giải pháp xử lý triệt để.

f
Đá đổ xuống QL1A đoạn qua Đức Phổ, Quảng Ngãi sau một vụ sạt lở. Ảnh: Báo Đầu tư

Ở đoạn phía nam đèo Hải Vân, trên đoạn đường dài 9,2 km tính từ đỉnh đèo đến Km914+000 (Liên Chiểu, Đà Nẵng), ITST thống kê được 9 vị trí sụt lở quy mô vừa đến lớn trong đợt mưa bão lớn kể trên.

Đoạn từ Km1356 + 400 đến Km1360 (tỉnh Phú Yên) đã xảy ra sạt lở tại 3 điểm vào ngày 21/12/2005, sau sau các trận mưa kéo dài. Nghiêm trọng nhất là tại điểm Km1360, một nửa quả đồi bị sạt lở với thể tích gần 30.000m3, vùi lấp đoạn đường dài 150m.

Ngày 19/12/2005, tại núi ông Lô, huyện Tuy Phước, Bình Định, cách cầu Cù Mông 8km về phía bắc, tình trạng sạt lở đã tạo nên dòng đất, đá, bùn rộng 200m, dài 3.000m do kéo dài .