Ngành rau quả Việt Nam đang đứng trước thời cơ lớn khi vươn lên tới vị trí thứ ba trong “bảng tổng sắp” kim ngạch xuất khẩu nông sản. Năm 2016, ngành này lần đầu tiên vượt qua lúa gạo với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2017, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 230 triệu USD - tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số cả năm dự báo sẽ đạt hơn 3 tỷ USD.

Rau quả Việt Nam đã có mặt tại hơn 60 thị trường, với các mặt hàng chủ lực là vải thiều, chôm chôm, thanh long, xoài, nhãn... Theo các chuyên gia, những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... lại có tiềm năng rất lớn và dư địa để ngành xuất khẩu rau quả Việt Nam phát triển cũng còn rất lớn.

Người dân thu hoạch vải tại Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh: Lê Hiếu

Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả chiếm hơn 70% tổng kim ngạch; các thị trường khó tính kể trên đang nhập khẩu khá nhiều hàng Việt Nam, nhưng cũng mới chiếm trên 10%.Vì thế, nếu nâng cao được chất lượng cũng như đảm bảo được khâu sơ chế, bảo quản và chế biến sau thu hoạch, tương lai của ngành rau quả Việt sẽ vượt xa con số 3 tỷ USD như dự báo của năm nay.

Tuy nhiên, trở ngại trên con đường đến “mùa xuân” đó còn rất nhiều, mà công nghệ bảo quản sau thu hoạch là một vật cản quan trọng. PGS-TS Nguyễn Duy Lâm - Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch - cho biết: “Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống bảo quản hoa quả sau thu hoạch. Ở các nước phát triển, hệ thống này được thực hiện theo chu trình khép kín từ chăm bón, thu hoạch tại vườn (trang trại) đến hệ thống nhà kho (packing house). Sản phẩm đều được phân loại, lựa chọn, đóng gói rồi mới phân phối cho các siêu thị”.

Hiện nay, các sản phẩm rau quả Việt Nam chủ yếu được sử dụng dưới dạng tươi sống, năng lực chế biến chỉ đạt 2% sản lượng dưới các hình thức rau quả đóng hộp, nước quả đóng lon. Tổn thất sau thu hoạch là hơn 25% đối với quả và hơn 30% đối với rau, 15-20% đối với các loại lương thực khác. Nguyên nhân chủ yếu là việc nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ sau thu hoạch - trong đó có khâu bảo quản - chưa đáp ứng kịp thời và đầy đủ.

Do đó, theo TS Hà Quý Quỳnh - Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, để ngành nông sản Việt phát triển hơn nữa trong tương lai, chúng ta cần có công nghệ bảo quản được trái cây trong thời gian dài nhất với chi phí hợp lý nhất mà doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể chấp nhận.

“Nếu làm được, nông sản Việt sẽ được nâng lên một tầng giá trị mới, có hàm lượng gia tăng về tài chính cao hơn và bà con nông dân không còn bị ép giá với những cây trồng có thời vụ thu hoạch ngắn”.