Công nghệ CAS (cells alive system)
CAS là công nghệ bảo quản thực phẩm đông lạnh của Nhật Bản, được chuyển giao cho Việt Nam từ năm 2013. Hệ thống này gồm thiết bị CAS kết hợp với thiết bị làm lạnh nhanh - chỉ mất khoảng 30 phút để đóng băng các phân tử nước trong nông sản, nhờ vậy sẽ không phá vỡ cấu trúc mô tế bào, ức chế quá trình ôxy hóa, chống nhiễm khuẩn và giúp sản phẩm giữ nguyên mùi, vị; lượng nước, màu sắc và dinh dưỡng duy trì tới 99,7%.
Công nghệ CAS thường được áp dụng để bảo quản “tươi sống” những nông sản, thực phẩm có khả năng bảo quản lạnh và giá trị thương phẩm cao. Nó không thể thay thế cho các công nghệ bảo quản khác; vì vậy cần tùy theo đối tượng nông sản, mục đích và giá thành sản phẩm mà lựa chọn công nghệ bảo quản phù hợp.
Bảo quản bằng khí quyển điều chỉnh CA (controlled atmosphere)
Đây là phương pháp bảo quản rau quả tươi trong môi trường khí quyển mà thành phần không khí như O2 và CO2 được điều chỉnh phù hợp; giúp kéo dài thời gian bảo quản tới 6-9 tháng. Tuy nhiên, tính ổn định của phương pháp không cao, phụ thuộc vào giống, loài, loại, thời vụ, điều kiện và địa bàn phát triển nguyên liệu hoa quả.
Kiểm dịch thực vật trên từng quả vải trước khi chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nôi.
Ảnh: Loan Lê
Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã xây dựng được quy trình công nghệ bảo quản vải thiều bằng phương pháp CA. Kết quả cho thấy, sau 35 ngày bảo quản, quả vải thiều Lục Ngạn đạt yêu cầu chất lượng cảm quan, dinh dưỡng và có khả năng duy trì chất lượng thương mại ở điều kiện bảo quản lạnh 40C trong 3-5 ngày.
Bảo quản trái cây bằng màng MA (modified atmosphere)
Đây là phương pháp điều chỉnh khí quyển, hiện được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Màng MA thực chất là màng polyethylen (PE) không gây độc. Khi được sử dụng để bọc các khay quả, sự tương tác giữa màng và quả làm cho khí quyển trong khay có nồng độ khí CO2 và O2 thích hợp cho từng loại quả, kéo dài thời gian bảo quản. Tuy nhiên, chỉ riêng màng MA không thể mang lại kết quả trên mà phải kết hợp bảo quản quả ở nhiệt độ lạnh thích hợp.
Năm 2005, các chuyên gia thuộc Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Viện Công nghệ thực phẩm Hàn Quốc đã hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ màng MA để bảo quản xoài Tiền Giang và vải Lục Ngạn (Bắc Giang). Kết quả, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc xác định độ dày phù hợp của màng MA trong việc bảo quản xoài và vải, kéo dài thời gian bảo quản các loại quả này đến 3-4 tuần (sản phẩm vẫn giữ được màu sắc, chất lượng tốt).
Bảo quản rau quả, thực phẩm bằng phương pháp chiếu xạ
Đây là công nghệ sử dụng năng lượng bức xạ ion hoá để xử lý thực phẩm, nâng cao chất lượng vệ sinh và an toàn thực phẩm nhờ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Thực phẩm được chiếu xạ sẽ vệ sinh và an toàn hơn, chất lượng dinh dưỡng được ổn định, thời gian sử dụng của thực phẩm được kéo dài... tạo thuận lợi cho khâu lưu trữ và phân phối thực phẩm tới các thị trường xa, trái thời vụ.
Công nghệ chiếu xạ đã được Tổ chức Y tế thế giới, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và Tổ chức Nông - Lương thế giới khẳng định hiệu quả trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh nguồn gốc thực phẩm.
Hiện nay, phương pháp chiếu xạ thực phẩm đã được ứng dụng ở hơn 50 quốc gia trên thế giới. Trong đó, nhiều nước đã ứng dụng chiếu xạ như một biện pháp kiểm dịch thực vật hiệu quả để phòng ngừa các dịch hại lây lan và phát tán theo con đường thương mại quốc tế đối với mặt hàng nông sản và rau quả tươi.
Ngày 20/6/2016, Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Australia đã công nhận Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đủ năng lực chiếu xạ quả vải tươi để xuất khẩu sang thị trường nước này. Đây là cơ sở chiếu xạ thứ ba của Việt Nam được Australia công nhận sau hai cơ sở tại TPHCM là Công ty chiếu xạ Sơn Sơn và Công ty cổ phần chiếu xạ An Phú.
Bảo quản bằng chế phẩm tạo màng
Chế phẩm tạo màng là kết quả của đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ và thiết bị sản xuất chế phẩm tạo màng dùng trong bảo quản rau quả tươi” của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch.
Các đối tượng nông sản có thể ứng dụng công nghệ bảo quản này là cam, bưởi, xoài. Công nghệ tạo ra 8 loại chế phẩm gồm: CEFORES-CP10-01, CEFORES-CP092, CEFORES-CP093, CEFORES-CP094, CEFORES-CP10-02, CEFORES-CP10-03, CEFORES-CP10-04, ĐH-08, đã được đăng ký chất lượng tại Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế.
Trong đó, mỗi công nghệ có điều kiện và phạm vi áp dụng riêng. Chẳng hạn, các chế phẩm CEFORES CP-10-01 và CEFORES-CP092 được dùng để bảo quản các loại quả có múi (cam, bưởi, chanh...); chế phẩm ĐH-08 thích hợp bảo quản bưởi Đoan Hùng. Tương tự là chế phẩm CEFORES CP-093 cho quả xoài; CEFORES CP-094 cho quả chuối; CEFORES-CP10-02 cho dưa hấu; CEFORES CP-10-03 cho dưa chuột, càrốt và CEFORES CP-10-04 cho dưa chuột.
Bảo quản quả trên cây bằng chế phẩm retaine (AVG)
Đây là kết quả nghiên cứu của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch. Chế phẩm retaine có tác dụng hạn chế sự sản sinh ethylen thông qua việc ức chế enzym sinh tổng hợp ACC, làm chậm quá trình chín, từ đó giúp kéo dài mùa thu hoạch, giảm khả năng rụng quả, tăng kích thước và độ cứng, giảm hiện tượng rối loạn sinh lý của quả, đảm bảo mùi vị tự nhiên... Phạm vi ứng dụng là các loại quả như cam, quýt, nhãn, mận, vải, táo...
Thời điểm xử lý là giai đọan cận thu hoạch - khi quả bắt đầu có hiện tượng chín. Kết quả thử nghiệm trên cam xã Đoài và quả quýt đường Canh do Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thực hiện cho thấy, phương pháp này đã giúp kéo dài vụ thu hoạch cam thêm 2-3 tháng. Chất lượng quả rắn chắc, màu sắc vàng tươi tự nhiên, tỷ lệ rụng quả giảm 10-15% so với các phương pháp khác. Quả không bị khô, hương vị vẫn thơm ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm.