Các công ty này giải quyết nhu cầu của đô thị, doanh nghiệp và lối sống cá nhân bằng những công nghệ và mô hình kinh doanh mới đầy tính sáng tạo
1. VIoT (Công nghệ IoT chiếu sáng)
Trên thế giới, ước tính đến năm 2025 có khoảng 350 triệu đèn đường, gần 1/3 trong đó vẫn dùng công nghệ từ thập niên 1970 và tiêu thụ khoảng 35-40% điện năng đô thị. Chưa đầy 1% đèn đường được kết nối thông minh với nhau, do vậy việc kiểm soát vẫn tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó, các thành phố chuyển đổi sang đô thị thông minh đang phải đối mặt với thách thức làm sao để tích hợp nhiều giao thức kết nối không dây như Wifi, Bluetooth, Lora, Narrowband, Zigbee… đến hàng triệu thiết bị IoT.
Thành lập từ năm 2017 tại TPHCM, VioT đã đặt mục tiêu khắc phục vấn đề đó bằng cách tạo ra các thiết bị điều khiển ánh sáng thông minh và nền tảng tích hợp đèn thông minh (CLP), cho phép điều khiển tập trung mạng lưới đèn và cảm biến từ nhiều nhà cung cấp trong phạm vi tối thiểu 100m.
Đại diện VIoT cho biết, công nghệ này giúp tiết kiệm 75% điện và giảm 42% chi phí bảo trì cho các hệ thống chiếu sáng. Họ dự kiến sẽ áp dụng công nghệ tại nhiều địa điểm như sân bay, nhà kho, nhà máy, nhà thi đấu đa năng và khu dân cư.
2. AnHome (Nhà thông minh)
Một căn nhà với các thiết bị có thể “nói chuyện với nhau” để tạo nên một kịch bản sống và triển khai kịch bản đó theo mệnh lệnh của chủ nhà, đó là viễn cảnh không còn xa. Tuy nhiên, bên cạnh những nhà phát triển thiết bị thông minh mới xuất hiện, vẫn còn một loạt doanh nghiệp điện-điện tử truyền thống vốn có thị phần khách hàng khổng lồ nhưng chưa sẵn sàng đầu tư vào toàn bộ công nghệ sản xuất thiết bị thông minh.
AnHome, một startup “make in Vietnam” có trụ sở tại Hà Nội, đã tạo ra các thiết bị phần cứng và phần mềm cho phép tích hợp vào những sản phẩm hiện hành để biến chúng trở nên thông minh hơn với chi phí tối thiểu. Sản phẩm này có khả năng tích hợp giao thức riêng của nhiều hãng vào một phần mềm điều khiển thống nhất, do vậy các doanh nghiệp có thể mang sản phẩm điện-điện tử tới bất kì nơi nào trên toàn cầu.
Ra đời vào tháng 5/2018, AnHome đang hợp tác với một số tập đoàn lớn như Điện Quang và Austdoor để chuyển đổi sản phẩm của họ và dự kiến đưa ra thị trường vào đầu năm 2021.
3. Finme (Bình nước thông minh)
Nước chiếm tới 70% khối lượng cơ thể và có vai trò quan trọng trong các hoạt động trao đổi chất. Tuy nhiên phần lớn mọi người không uống đủ nước do bận rộn, quên hoặc không có thói quen theo dõi bản thân. Theo khảo sát của Herbalife, ở Việt Nam, hơn 60% những người được hỏi không uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày.
Để đáp ứng nhu cầu này, Vson Technology, một startup thành lập vào giữa năm 2019 tại TP.HCM, đã sử dụng công nghệ Bluetooth kết hợp với cảm biến trọng lực và cảm biến gia tốc cho ra đời sản phẩm bình nước thông minh Finme có khả năng đo lượng nước uống chính xác đến cấp độ ml. Kết hợp với ứng dụng trên điện thoại di động, nó có thể nhắc nhở người dùng uống nước và lập trình kế hoạch uống nước phù hợp với dữ liệu sinh trắc.
Từ đầu năm 2020 đến nay, startup này đã bán được trên 1.000 sản phẩm. Họ dự kiến sẽ phát triển một hệ sinh thái công nghệ liên quan đến sức khỏe như hộp thuốc thông minh, cân thông minh, máy theo dõi chất lượng không khí... Tuy các công nghệ đã sẵn sàng nhưng doanh nghiệp này cho biết đang chờ tín hiệu thị trường trước khi tung ra sản phẩm mới.
4. Drobebox (Thời trang 4.0)
Nền kinh tế chia sẻ đã mở ra nhiều mô hình kinh doanh mới, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang “sử dụng nhưng không sở hữu”. Báo cáo của công ty khảo sát thị trường Allied Market Research (Mỹ) dự báo ngành công nghiệp cho thuê quần áo trực tuyến toàn cầu ước tính đạt 1,8 tỷ USD vào năm 2023. Hình thức kinh doanh này ngày càng trở nên thu hút ở các nước Âu Mỹ.
Bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo, DrobeBox – một công ty công nghệ trong lĩnh vực thời trang, thành lập 11/2019, có trụ sở tại TP.HCM – đã phát triển một ứng dụng cho phép khách hàng lựa chọn sản phẩm từ nhiều thương hiệu nổi tiếng và được gợi ý những bộ trang phục nên kết hợp với nhau tùy sự kiện và gu thời trang của mỗi người. Dựa trên dữ liệu thu về từ hành vi khách hàng, startup này có thể dự đoán nhu cầu cụ thể trong tương lai và hợp tác với các nhãn hàng sản xuất ra bộ sưu tập mới.
Đội ngũ của DrobeBox kỳ vọng đến hết năm 2021, ứng dụng sẽ có 30.000 - 35.000 người dùng trả thuê bao hằng tháng. Họ cũng lên kế hoạch mở rộng ra các nước Đông Nam Á với điểm đến đầu tiên là Thái Lan vào năm 2023.
5. Tailorwings (Thời trang 4.0)
Cũng giống như Uber trong giao thông, Tailorwings là một nền tảng kết nối thợ may với khách hàng nhằm tạo ra những bộ quần áo "may đo". Startup này hiện cung cấp sản phẩm trong vòng 3-5 ngày với nhiều mẫu vải và thiết kế do khách hàng tự chọn.
Thành lập tại TP.HCM vào giữa năm 2019, Tailorwings tin rằng ngành dệt may chiếm ưu thế và đội ngũ thợ may đông đảo ở Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để phát triển phân khúc tầm trung. Khác với những thương hiệu thời trang nước ngoài dù may theo yêu cầu nhưng vẫn sử dụng công xưởng tập trung, Tailorwings cho phép những thợ may cá nhân ở khắp mọi nơi có cơ hội tham gia vào mạng lưới và xây dựng những phong cách của riêng mình. Startup này đang trong giai đoạn thuyết phục thị trường, tăng điểm tín dụng cho các thợ may và mở rộng mạng lưới người dùng.
Trong thời gian tới, Tailorwings dự định kết nối với các nhà thiết kế chuyên nghiệp để khai thác sức sáng tạo độc đáo của họ vào sản phẩm.
6. akaChain (Công nghệ blockchain)
Kể từ khi tiền điện tử Bitcoin xuất hiện cách đây hơn một thập kỉ, nhiều người hướng sự quan tâm đến công nghệ blockchain tạo ra nó. Với thiết kế lưu trữ phân tán và dữ liệu ghi vào không thể bị thay đổi, blockchain không chỉ có khả năng áp dụng vào lĩnh vực tài chính mà còn có thể ứng dụng trong việc vận hành kinh doanh nhiều ngành nghề thông thường. Các báo cáo thống kê gần đây dự đoán lợi nhuận của các doanh nghiệp sử dụng công nghệ blockchain trên toàn cầu có thể tăng vọt lên 1,76 tỷ USD vào năm 2025, thậm chí vượt quá 3,1 tỷ USD vào năm 2030.
Thành lập từ cuối năm 2018, akaChain là nền tảng đầu tiên của tập đoàn FPT dựa trên công nghệ blockchain nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quá trình vận hành. Họ đang tập trung triển khai một số ứng dụng về định danh khách hàng điện tử (eKYC), chương trình khách hàng thân thiết (loyalty), truy xuất nguồn gốc và chấm điểm tín dụng (credit scoring).
Đại diện akaChain cho biết hiện đã có 50 khách hàng, đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản…
7. akaBot (Tự động hóa quy trình bằng Robot)
Không chỉ trong sản xuất, giờ đây robot đang được áp dụng ngày càng nhiều trong kinh doanh. Bằng cách bắt chước các tác vụ lặp đi lặp lại hàng trăm nghìn lần như nhập dữ liệu, thực hiện giao dịch hay gửi thông báo, các robot ảo sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu nhiều sai sót do con người gây ra. Một số chuyên gia nhận định rằng ngành công nghiệp tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) có tốc độ phát triển nhanh hơn so với phát triển phần mềm cho doanh nghiệp.
Bắt kịp xu hướng của thế giới, FPT Software đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm akaBot vào tháng 7/2018– một giải pháp RPA cho doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Công ty cho biết trong 2 năm qua đã có gần 35 khách hàng từ 6 quốc gia sử dụng akaBot, qua đó tiết kiệm đến 90% thời gian xử lý công việc và 60% chi phí vận hành. Năm ngoái, FPT công bố tổng giá trị bán bản quyền của akaBot trên toàn thế giới đạt hơn 8 triệu USD. Bước tiếp theo của akaBot là hướng tới cung cấp giải pháp tự động hóa thông minh nhờ việc kết hợp với AI và một số công nghệ 4.0 khác.
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST là sự kiện thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, nhằm hội tụ các cá nhân, tổ chức, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Được tổ chức theo mô hình 12 làng công nghệ, sự kiện được xem là nơi tập trung trao đổi công nghệ và kết nối đầu tư hàng đầu Việt Nam. Năm nay, lần đầu tiên Làng Công nghệ tiên phong (Frontier Tech) chính thức xuất hiện tại sự kiện này. Sau 5 năm tổ chức, TECHFEST đã thực hiện gần 700 lượt kết nối đầu tư, với tổng giá trị cam kết đầu tư gần 20 triệu USD. |