Các hướng mới mẻ như vật lý sinh học tính toán, phát triển các robot tự hành đều đã được chú ý nghiên cứu, có sản phẩm prototype và được một số doanh nghiệp quan tâm đặt vấn đề hợp tác.
Đó là những thông tin được đưa ra tại hội thảo “Xu thế phát triển, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, robot và vật lý” do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam tổ chức ngày 26/11.
Là một đơn vị đứng đầu cả nước trong công tác nghiên cứu cơ bản, nhưng Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đang có những bước chuyển mạnh mẽ trong nghiên cứu ứng dụng, theo PGS.TS Chu Hoàng Hà, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Trong đó, nhiều kết quả nghiên cứu về công nghệ thông tin, tự động hóa, vật lý và năng lượng có tính ứng dụng cao đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp, địa phương. Khi đưa vào áp dụng trong thực tiễn, những công nghệ mới do các đơn vị nghiên cứu chế tạo, ứng dụng đã được các đơn vị sử dụng đánh giá cao, PGS.TS Chu Hoàng Hà cho biết.
Máy bay không người lái Dragonfly DF-26 của Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam. Dragonfly DF-26 chạy bằng xăng và có phạm vi thu, gửi ảnh trong vòng 50 km.
Đặc biệt, các nghiên cứu ứng dụng trong những năm về vật lý đã cập nhật các xu hướng nghiên cứu mới trên thế giới. Đơn cử, gần đây một hướng nghiên cứu mới quan trọng là vật lý sinh học tính toán sử dụng các công cụ tính toán gần đúng để mô phỏng các hệ sinh học mà thực nghiệm chưa được tiến hành hoặc không thể thực hiện được để nghiên cứu cơ chế bệnh tật hoặc nghiên cứu thuốc. Ứng dụng trong việc tìm hiểu cơ chế bệnh tật, các nghiên cứu mô phỏng giúp xác định các protein biến tính và các vùng protein đặc hiệu trong cơ chế tấn công của các phần tử ngoại lai. Trong thiết kế thuốc, các phương pháp sàng lọc và tính toán trên máy tính cho phép xác định các hợp chất tiềm năng nhất trong hàng triệu hợp chất khác nhau trước khi tiến hành nghiên cứu thực nghiệm. Bắt nhịp với những hướng nghiên cứu này, tại Viện Vật lý, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trịnh Xuân Hoàng đã tiến hành các nghiên cứu cơ bản về cuốn protein, sự hình thành sợi amyloid, ngưng tụ ADN, và bám dính sinh học. Ngoài ra, hiện nay các nhóm đã bắt đầu tiến hành các nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 và bệnh Covid-19.
Về tự động hóa, Phòng tự động hóa của Viện Vật lý gần đây đã phát triển một số dạng phần cứng khác nhau của robot tự hành: Omni Robot phục vụ các dịch vụ phục vụ con người, trang bị cho các bệnh viện, phục vụ và khử khuẩn khu cách ly; AMR robot phục vụ cho các nhà máy sản xuất công nghiệp, dịch vụ vận chuyển trong kho bãi, logistics. Các robot này hoạt động dựa trên Hệ thống điều hướng thông minh AMR-AITT_IOP do các nhà nghiên cứu tại Phòng tự động hóa phát triển, và có thể hoạt động hiệu quả ngay cả trong môi trường mà trước đó robot chưa được nạp thông tin về bản đồ hay vật cản môi trường.
Nhóm nghiên cứu Phòng tự động hóa đã làm chủ công nghệ lõi, chạy các demo kiểm chứng các thuật toán, phần mềm (tuy nhiên mới chỉ dừng ở mức độ phạm vi nhỏ, hẹp tại Viện), cùng với kết quả khả quan của các dạng sản phẩm prototype, cho thấy tiềm năng ứng dụng và thương mại hóa. Hiện tại nhóm cũng nhận được sự quan tâm, đặt vấn đề hợp tác phát triển của một số doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý, "để thực sự có sản phẩm có thể thương mại thì vẫn còn nhiều công đoạn cần triển khai trong thời gian tới." Robot tự hành AMR thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo là sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng nhiều công nghệ do đó đòi hỏi sự đầu tư dài hơi, và đặc biệt là có các cơ chế hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ thương mại hóa công nghệ. "Nhóm nghiên cứu mong nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đầu tư từ Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, từ Viện Vật lý, cũng như sự hợp tác của các nhóm nghiên cứu, các Viện nghiên cứu liên quan trong Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam," TS. Ngô Mạnh Tiến, đại diện nhóm nghiên cứu về tự động hóa cho biết.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tiếp tục trình bày các kết quả nghiên cứu và các công nghệ tính toán và tự động hóa có tính ứng dụng cao của Viện trong thời gian gần đây. Có thể kể đến một số sản phẩm, công nghệ quan trọng trong thời gian qua như: Máy tạo đá tuyết từ nước biển năm 2018, phục vụ đánh bắt hải sản của Trung tâm Phát triển công nghệ cao; Chế tạo và chuyển giao thành công nhiều mẫu máy bay không người lái - UAV Pelican cánh bằng, lên thẳng dạng trực thăng - DF-26 của Viện Vật lý Ứng dụng và Thiết bị khoa học (năm 2016-2019); Chế tạo Vệ tinh Micro Dragon năm 2019 của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; Máy hỗ trợ khử khuẩn vết thương hở sử dụng công nghệ Plasma lạnh của Viện Vật lý năm 2016; Robot 6 bậc tự do của Viện Cơ học năm 2017; Hệ thống phần mềm phân tích đánh giá thông tin bán hàng trực tuyến, quản lý báo chí trên mạnh Internet của Viện Công nghệ thông tin năm 2018-2019…