Theo một nghiên cứu mới công bố đầu tháng 7, những lý do đó bao gồm ngộ nhận hoặc hiểu chưa đầy đủ về năng lực số; “khoán trắng” cho bộ phận IT thực hiện chuyển đổi số; quá thiên về công nghệ mà quên rằng con người mới là chủ thể chính trong quá trình này...

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp không chỉ là vấn đề công nghệ
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp không chỉ là vấn đề công nghệ

Nghiên cứu do TS Nguyễn Quang Trung (Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam) và ThS Nguyễn Tuấn Hồng Phúc (thành viên điều hành, tư vấn chiến lược khách hàng, vận hành và công nghệ số tại KPMG Việt Nam) dẫn đầu. Dựa trên dữ liệu định tính thông qua phỏng vấn hơn 30 doanh nghiệp (gồm các doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nhà nước...) ở Hà Nội và TPHCM về sự sẵn sàng và các nguồn lực ảnh hưởng đến chuyển đổi số của doanh nghiệp, nghiên cứu đã chỉ ra 5 nhóm lý do phổ biến dẫn đến những thất bại trong quá trình này.

1. Thiếu người lãnh đạo có khả năng thúc đẩy đổi mới

Chuyển đổi số ngay từ khái niệm không phải chỉ là một sự thay đổi vụn vặt mà đó là một sự chuyển đổi toàn diện. Vì vậy, chuyển đổi số cần có lãnh đạo có khả năng thúc đẩy đổi mới, hay ngắn gọn hơn là lãnh đạo đổi mới (transformational leaders). Năm yếu tố quan trọng của lãnh đạo đổi mới là: quyết đoán, truyền cảm hứng, gương mẫu, giao quyền và động viên.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang “khoán trắng” cho bộ phận IT để tìm hiểu và thực hiện các thay đổi có tính ứng dụng công nghệ. Lãnh đạo các doanh nghiệp này xem đây là trách nhiệm của bộ phận IT. Ngược lại, nhiều giám đốc bộ phận IT cũng nghĩ bộ phận mình có thể tạo ra chuyển đổi cho doanh nghiệp mà không cần quá nhiều can thiệp của lãnh đạo. Đây là một trong những lý do chính dẫn đến việc đại đa số các dự án chuyển đổi số trong doanh nghiệp thất bại.

2. Thiếu hoặc yếu về năng lực động

Năng lực động (dynamic capabilities) là khả năng tích hợp, xây dựng và tái cấu trúc lại các năng lực bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp để thích ứng kịp thời với môi trường thay đổi nhanh chóng. Ba khả năng chính của năng lực động gồm: khả năng nhận biết cơ hội, khả năng nắm bắt cơ hội và khả năng thực thi cơ hội.

Những tiến bộ trong công nghệ đã làm nên nhiều kỳ tích cho nhiều doanh nghiệp và họ nhanh chóng trở thành các ông lớn nhất trên thị trường chứng khoán (Apple, Amazon, Microsoft, Alibaba,…). Cùng với đó là nhiều tên tuổi phải ngậm ngùi tụt hậu, xa dần trong cuộc đua thậm chí phá sản (Sears, Kodak, Nokia, Yahoo, Blockbuster,…). Những doanh nghiệp thành công là những doanh nghiệp mạnh về cả ba khả năng trong năng lực động nêu trên. Trong khi đó, các doanh nghiệp thất bại thì thường yếu hoặc thiếu các năng lực động trên, bên cạnh các yếu tố khác.

3. Chưa xây dựng được nền tảng văn hóa doanh nghiệp phù hợp

Văn hóa doanh nghiệp có vai trò lớn trong việc thúc đẩy sáng tạo và phát minh những điều mới mẻ trong doanh nghiệp. Đây được cho là một yếu tố quyết định khả năng thành công trong chuyển đổi số. Trong các cải cách hoặc thay đổi lớn, luôn có rất nhiều phản kháng từ nhiều nguồn - cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Vì vậy rủi ro trong quá trình chuyển đổi là điều rất thường trực. Một khi việc chấp nhận rủi ro, dám thử, dám sai và thích ứng nhanh trở thành chuẩn mực văn hóa trong các công ty thì quá trình chuyển đổi số sẽ trở nên thuận lợi hơn.

Do nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang ở quy mô nhỏ nên việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp chưa phải là quan tâm lớn nhất của lãnh đạo các công ty. Ngoài ra, vì nguồn lực hạn chế nên họ rất sợ thất bại, thậm chí sợ trừng phạt khi mắc sai lầm. Thêm vào đó, văn hóa đổ lỗi của lãnh đạo, và thói quen ngại thay đổi, ngại bước ra khỏi vùng an toàn của nhân viên ở nhiều doanh nghiệp đã khiến việc triển khai các chiến lược chuyển đổi số trở nên chông chênh và gian nan.

4. Hiểu sai về năng lực số

Năng lực số của doanh nghiệp không chỉ là phần cứng (ICT infrastructure) mà là tổng hợp của nhiều năng lực khác như hạ tầng công nghệ, quy trình thu thập và quản lý dữ liệu, khả năng phân tích, khả năng đưa ra các giải pháp dựa trên phân tích dữ liệu và công nghệ, và khả năng bảo mật.

Trong quá trình phỏng vấn doanh nghiệp, nghiên cứu nhận thấy nhiều doanh nghiệp ngộ nhận hoặc hiểu chưa đầy đủ về năng lực số. Những doanh nghiệp này chỉ chú trọng phần cứng, vì vậy họ lao vào các dự án đầu tư công nghệ tốn kém, trong khi đó các giải pháp đưa ra không đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng và nhân viên vì những năng lực số khác vẫn còn yếu kém.

5. Sai lầm trong chiến lược chuyển đổi số

Các doanh nghiệp thường mắc phải một số sai lầm trong chiến lược tổng thể như:

Quá thiên về công nghệ mà quên rằng con người mới là chủ thể chính trong quá trình này (đội ngũ nhân viên, cổ đông, khách hàng và nhà cung cấp).

Quá ảo tưởng về khả năng “đại thành công” của chuyển đổi số và đưa ra những mục tiêu không tưởng trong khoảng thời gian thực thi ngắn.

Quá cầu toàn và thận trọng khi triển khai, làm cho quá trình chuyển đổi số trở nên rất chậm chạp và cuối cùng phải chịu chi phí cơ hội cao.

Thiếu tập trung, thiếu chuẩn bị và không ưu tiên nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số.

Bên cạnh kết quả nghiên cứu định tính nói trên, TS Nguyễn Quang Trung cho biết nhóm sẽ công bố một báo cáo tổng thể và đầy đủ hơn về chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam vào tháng 8/2020 với nhiều dữ liệu thu thập được trong 2 năm gần đây.