Khi nhiều tổ chức buộc phải cắt giảm chi phí do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuyển đổi số không thể là cuộc đua đường trường theo một kế hoạch dài hàng chục năm với chi phí khổng lồ. Nó phải được thực hiện và đạt được những kết quả nhỏ trong vài tháng thậm chí là vài ngày với chi phí thấp nhất.

Ảnh: AFP.
Ảnh: AFP.

Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, chúng ta dễ nhận thấy sự gia tăng đáng kể nhu cầu chuyển đổi sang công nghệ số ở các hoạt động như: làm việc từ xa, giao tiếp và cộng tác, truyền thông và tiếp thị, tương tác và trải nghiệm khách hàng, kết nối sản xuất với chuỗi cung ứng, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin... Việc ứng dụng Microsoft Team (cung cấp chat, meetings, notes, và tệp đính kèm) đạt hơn 12 triệu người dùng mỗi ngày, Slack (công cụ và dịch vụ trực tuyến quản lí làm việc nhóm dựa trên đám mây) cũng có sự gia tăng tương tự, trong khi Zoom trở thành lựa chọn phổ biến nhất khi làm việc từ xa càng củng cố thêm nhận định này.

Nhưng thực tế, việc chuyển đổi số không đơn giản, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng y tế, kéo theo khủng hoảng kinh tế và niềm tin về khả năng phục hồi, làm nảy sinh nhiều ưu tiên khác. Xu hướng lớn và tức thời lúc này là cắt giảm chi phí. Một khảo sát của PwC cho thấy, khoảng 62% các tổ chức trên thế giới đang thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí dưới tác động của Covid-19.

4 điểm tương thích đặc biệt của Agile với chuyển đổi số

Tăng chi tiêu cho công nghệ ngay bây giờ cũng là một ưu tiên nhưng không dễ thực hiện. Theo dự báo của Gartner Inc, chi tiêu cho công nghệ năm 2020 trên toàn cầu ​​sẽ giảm 8% so với năm ngoái, xuống còn 3,4 nghìn tỷ USD. Chuyển đổi số trong thời kỳ khủng hoảng vì thế không thể là cuộc đua đường trường theo một kế hoạch dài hàng chục năm với một khoản chi phí khổng lồ. Nó phải được thực hiện và đạt được những kết quả nhỏ trong vài tháng thậm chí là vài ngày với chi phí thấp nhất. Câu hỏi đặt ra cho các nhà điều hành doanh nghiệp là: Làm thế nào?

Một trong những đáp án cho câu hỏi hóc búa này chính là phương pháp Agile. Có nguồn gốc là một phương pháp quản lý dự án phát triển phần mềm, nhưng ngày nay Agile được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực, từ quản trị nhân sự, marketing đến giáo dục, vận hành… Trong thời đại mà môi trường của doanh nghiệp luôn biến đổi, hay chúng ta vẫn gọi là thời đại VUCA - viết tắt của Volatility (biến động), Uncertainty (không chắc chắn), Complexity (phức tạp) và Ambiguity (mơ hồ) - các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực đều cần có sự linh hoạt, khả năng thích ứng, học hỏi nhanh. Agile - vốn đặc trưng bởi việc tăng tính tự chủ cho đội nhóm và cá nhân, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thử sai nhanh để học hỏi và cải tiến liên tục thay vì tuân theo kế hoạch tuyến tính - có thể cung cấp những năng lực này.

Quá trình chuyển đổi sang phương pháp Agile đặc biệt tương thích với chuyển đổi số, vì mấy lý do sau đây:

Thứ nhất, nếu chuyển đổi số đòi hỏi thích ứng với công nghệ mới trong thời gian ngắn, thì nhờ tập trung vào cải tiến liên tục, Agile giúp doanh nghiệp linh hoạt trước công nghệ và thị trường.

Thứ hai, chuyển đổi số trong giai đoạn khủng hoảng, việc kiểm soát rủi ro là vô cùng khó khăn thì với Agile, doanh nghiệp chủ động với rủi ro chứ không chỉ phòng tránh. Agile thừa nhận môi trường kinh doanh là phức tạp, chủ động thử sai để nhận được phản hồi sớm nhất từ thị trường, qua đó cải tiến thay vì chờ đợi rủi ro và thất bại.

Thứ ba, một nguyên tắc cốt lõi khác của Agile là giao tiếp minh bạch. Xây dựng được một hình thức giao tiếp tập trung là nắm được chìa khóa năng suất. Cùng với giao tiếp, khả năng hợp tác ngay cả khi xa cách về địa lý sẽ thúc đẩy tiến bộ có ý nghĩa trong công việc cần hoàn thành.

Thứ tư, Agile khuyến khích trao quyền. Một đặc điểm của Agile là các nhóm và các thành viên trong nhóm đưa ra quyết định ngay lập tức thay vì xin phép hoặc chờ người quản lý cân nhắc. Trong Agile, các lãnh đạo cung cấp một tầm nhìn chung và hỗ trợ các thành viên trong nhóm hoàn thành công việc. Khả năng tự quyết giúp đảm bảo tốc độ và đáp ứng nhu cầu thay đổi phức tạp của môi trường.

Về cốt lõi, mục đích của Agile không gì hơn là định nghĩa một “văn hóa” làm việc mới, ưu tiên cộng tác, tạo lập và duy trì sự linh hoạt nhằm gia tăng lợi thế trong công cuộc chuyển đổi số. Trong khủng hoảng và bất định, các công ty có được sự linh hoạt và nhanh nhẹn trước bất cứ chuyển động nào trên thị trường đều có cơ hội nắm giữ lợi thế lớn. trước hết, các doanh nghiệp phải xây dựng được cho mình một văn hóa phù hợp.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi Agile cũng đi đầu trong chuyển đổi số. Khi Amazon, Apple, Facebook, Google, Microsoft hay Airbnb, Samsung, Spotify, Tesla, Uber vươn lên cùng Agile thì không ít công ty đã tụt dốc vì cồng kềnh và chậm thay đổi. Báo cáo CHAOS của Standish Group năm 2015 chỉ rõ, Agile có thể giúp tỉ lệ thành công của các dự án tăng gấp ba lần so với phương pháp hoạt động truyền thống. Hầu hết sản phẩm công nghệ đột phá đã được làm ra từ những nhóm Agile đầy đam mê và sáng tạo.

Tại Việt Nam, nhiều tên tuổi lớn như FPT, Viettel, VNG hay những doanh nghiệp nhỏ mới khởi sự như NAL Việt Nam, Deha Software, VelaCorp, Magestore… đã sớm bắt kịp xu thế Agile. Cộng đồng Agile Vietnam cũng ghi nhận hàng trăm công ty đang nỗ lực chuyển đổi sang Agile.

Để chuyển sang Agile, không chỉ lãnh đạo mà toàn thể đội ngũ phải có hiểu biết nhất định về phương pháp này. Hiện nay việc tiếp cận Agile khá dễ dàng với những nội dung kiến thức phong phú và miễn phí từ nhiều nguồn. Ngoài ra, doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo, tư vấn chuyển đổi Agile cũng dễ dàng tìm được các khóa học và đơn vị tư vấn.

Trong giai đoạn trước những năm 1990, trên thế giới xảy ra cuộc khủng hoảng về phương pháp phát triển phần mềm. Lí do là môi trường kinh doanh và công nghệ thay đổi nhanh chóng, trong khi phương pháp truyền thống ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm và tỷ lệ các dự án bị thất bại quá cao. Có rất nhiều cá nhân và công ty riêng lẻ đã tự tìm tòi và phát triển những phương pháp khác nhau để thích ứng với tình hình mới. Những phương pháp riêng lẻ này phần nào giải quyết được một số vấn đề, nhưng lại nảy sinh những vấn đề khác về sự chia sẻ, cộng tác, kỹ thuật, công cụ, sự mở rộng, hướng phát triển,…

Do đó, tháng 2/2001, 17 lập trình viên là đại diện cho những phương pháp phát triển mới này đã gặp nhau tại Utah và đi đến thống nhất về quan điểm chung giữa các phương pháp để cho ra đời một tài liệu được gọi là: Tuyên ngôn Phát triển Phần mềm Linh hoạt kèm với 12 nguyên lý phía sau. Đây chính là thời điểm mà thuật ngữ Agile được sử dụng hiện nay ra đời, mặc dù các phương pháp riêng lẻ thì đã có trước đó.