Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vô cùng khác biệt với những cuộc cách mạng công nghiệp trước đó ở chỗ có vô số xu hướng công nghệ đồng thời hội tụ và tương tác lẫn nhau.

Chúng ta hãy cùng nhau điểm xem 10 xu hướng công nghệ chủ yếu đang thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, rất có thể đây là những xu hướng sẽ vĩnh viễn thay đổi cách chúng ta làm việc và sinh sống.

1. Việc sử dụng máy tính trở nên phổ biến

Ngày nay, máy tính tồn tại ở khắp xung quanh chúng ta: trong túi quần áo, trên cổ tay, trong xe ô tô, ngay cả trong những thiết bị gia dụng cũng có…

Khi sức mạnh xử lý gia tăng và kích cỡ vi mạch máy tính giảm xuống, chúng ta nhanh chóng làm quen với việc máy tính và thiết bị trở nên ngày càng nhỏ hơn, nhẹ hơn, rẻ, hơn mạnh mẽ và phổ biến hơn (Chẳng hạn, điện thoại thông minh thông thường ngày nay mạnh hơn các siêu máy tính của 10 năm trước). Trong tương lai, chắc hẳn bước nhảy vọt lớn tiếp theo về tốc độ xử lý sẽ tới từ máy tính lượng tử – loại máy tính này nhanh và mạnh đến mức có thể hoàn thành những nhiệm vụ mới, bất khả thi mà trước đây máy tính truyền thống không thể làm được.

Chúng ta ngày càng có nhiều dữ liệu hơn do có nhiều thiết bị thông minh hơn.

2. Mọi thứ đều được kết nối và thông minh

Chắc chắn là bạn quen thuộc với Internet vạn vật (Internet of Things) từ những thiết bị thông minh như TV, đồng hồ và máy điều nhiệt. Internet vạn vật biểu thị số lượng thiết bị và vật dụng thông minh, được kết nối có khả năng thu thập và truyền dữ liệu.

Trong tương lai, bất kì thứ gì đều có thể kết nối, sẽ là như vậy. Không chỉ các thiết bị và sản phẩm – tuy rằng đó hiển nhiên là một động cơ quan trọng đối với các doanh nghiệp – mà còn cả không gian mà chúng ta sinh sống và làm việc. Từ những nhà máy và văn phòng được kết nối, thông minh cho đến toàn bộ thành phố thông minh, không gian xung quanh chúng ta sẽ ngày càng được trang bị khả năng giám sát những gì đang diễn ra và hành động theo đó.


3. Dữ liệu hóa thế giới

Máy tính phổ biến và Internet vạn vật đều là những yếu tố đóng góp to lớn vào khối lượng dữ liệu khổng lồ phát sinh hằng ngày. Nhưng bên cạnh dữ liệu do máy tạo ra, con người chúng ta cũng đang tạo ra khối lượng lớn dữ liệu qua những hoạt đồng thường ngày, và điều này không có dấu hiệu chậm lại.

Tin tốt là các doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu này để thiết kế các sản phẩm và dịch vụ tốt hơn, cải thiện quy trình làm việc, nâng cao khả năng đưa ra quyết định và thậm chí là tạo ra những nguồn doanh thu mới. Nhưng các doanh nghiệp cũng phải nhận thức được về những rủi ro do dữ liệu gây ra, đặc biệt là về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu.


4. Trí tuệ nhân tạo (AI)

Mọi dữ liệu được tạo ra đều là yếu tố thúc đẩy cốt lõi cho AI, vốn đã đạt được những bước nhảy vọt đáng kinh ngạc trong vài năm qua, đặc biệt là về “AI hội thoại”. Chỉ trong năm 2020, loa thông minh đã trả lời 100 tỷ câu lệnh thoại – nhiều hơn 75% so với năm 2019 – tất cả là nhờ AI.

Thông điệp chính cho các doanh nghiệp là, khi các tương tác của chúng ta với máy móc ngày càng trở nên thông minh, thì khách hàng sẽ kỳ vọng mọi loại sản phẩm và dịch vụ đều có một số loại khả năng AI.

5. Thực tế ảo mở rộng (XR)

XR là một thuật ngữ chung đại diện cho một loạt công nghệ nhập vai: thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường và thực tế ảo hỗn hợp.

Chủ yếu được biết tới với game nhập vai, nhưng ngày nay, XR được ứng dụng trong nhiều ngành nghề, để tạo ra những trải nghiệm cá nhân hóa và chuyên sâu hơn cho khách hàng cùng nhân viên. Chẳng hạn, khách hàng giờ đây có thể thử nghiệm sản phẩm bằng thực tế ảo – như là dùng kỹ thuật số đặt một chiếc sofa mới trong phòng khách để xem nó thế nào – và nhân viên có thể học hỏi theo những cách mới mẻ, thú vị, lôi cuốn.

Trong tương lai, tôi tin rằng trải nghiệm thế giới của chúng ta sẽ ngày càng diễn ra trong không gian mơ hồ giữa thế giới hiện thực và thế giới kỹ thuật số, và XR sẽ chỉ đẩy nhanh sự thay đổi này. Do đó, các công ty phải bắt đầu cân nhắc họ sẽ làm thế nào để đáp ứng điều này, đồng thời tạo ra những trải nghiệm chuyên sâu cho khách hàng cùng nhân viên.

6. Niềm tin kỹ thuật số

Niềm tin kỹ thuật số về cơ bản là sự tin tưởng của người dùng đối với các tổ chức để xây dựng nên một thế giới kỹ thuật số an ninh, một nơi mà các giao dịch và tương tác có thể diễn ra an toàn, bảo mật và dễ dàng.

Nhiều người, tin rằng công nghệ blockchain và “sổ cái” phân tán sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc nâng cao niềm tin số và khiến các tương tác an toàn hơn. Tuy nhiên, công nghệ vẫn cần cải thiện thêm trước khi nó thực sự khả thi với mọi loại hình tổ chức. Đối với nhiều doanh nghiệp, câu trả lời sẽ nằm ở việc cộng tác với nhiều nhà cải cách và doanh nhân mới đang thực sự tiến bước trong không gian blockchain.

7. In 3D


Ngày nay, các vật liệu được dùng để in 3D có thể là bất kỳ thứ gì: nhựa, kim loại, bột, bê tông, chất lỏng, thậm chí cả sô cô la. Giờ đây ta có thể in 3D toàn bộ ngôi nhà.

Điều này có tiềm năng biến đổi ngành sản xuất. Nói tóm lại, in 3D cho các nhà sản xuất khả năng làm ra những thứ không thể dễ dàng sản xuất bằng phương pháp truyền thống, hợp lý hóa quy trình sản xuất và tạo ra những sản phẩm có tính cá nhân hóa cao (thậm chí là những sản phẩm hoàn toàn độc đáo chỉ cần làm một lần), đồng thời loại bỏ lãng phí và giảm thiểu chi phí.

8. Chỉnh sửa gene và sinh học tổng hợp

Chỉnh sửa gene có những lợi thế đặc biệt khi phát hiện các gene “xấu” – loại gene có thể nguy hại cho sức khỏe sinh vật hay hậu duệ của nó. Theo lý thuyết, ta có thể thay đổi những đặc điểm có hại này nhờ công nghệ chỉnh sửa gene mới. Bằng cách đó, chỉnh sửa gene có thể mang lại một số bước tiến mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại bệnh tật – ở con người, động vật và cây trồng.

Trong khi ta có thể dùng các công cụ chỉnh sửa gene để tạo ra những thay đổi nhỏ trong DNA, thì sinh học tổng hợp có thể tham gia vào việc khâu các sợi DNA dài lại với nhau và đưa chúng vào trong sinh vật. Nhờ thế, sinh vật có thể hoạt động khác đi hay có những khả năng hoàn toàn mới.

Điều này có liên quan gì tới các doanh nghiệp? Tôi tin rằng sinh học tổng hợp và chỉnh sửa gene có thể thay đổi mạnh mẽ cái cách mà chúng ta tạo ra sản phẩm. Hãy nghĩ đến những sản phẩm mới mẻ thú vị như thịt nhân tạo, và ta dễ dàng thấy được những công nghệ này có thể biến đổi như thế nào.


9. Công nghệ nano và khoa học vật liệu

Khoa học vật liệu (ngành nghiên cứu và chế tác vật liệu) và công nghệ nano (khoa học kiểm soát vật chất tại quy mô cực nhỏ, ở cấp độ nguyên tử và phân tử) đã mang lại cho chúng ta một số tiến bộ đáng kinh ngạc, từ những con chip máy tính nhỏ bé, màn hình điện thoại thông minh và pin lithium- ion, cho tới các loại vải chống ố.

Trong tương lai, xu hướng này có thể mang lại những đột phá lớn trong ắc quy ô tô điện, khiến cho năng lượng mặt trời có giá hợp lý hơn và thực hiện những tiến bộ khác giúp thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn.


10. Các giải pháp năng lượng mới

Phản ứng tổng hợp hạt nhân thường được ca ngợi là giải pháp năng lượng sạch và có khả năng không bao giờ cạn kiệt cho tương lai, nhưng vấn đề là duy trì phản ứng nhiệt hạch tiêu tốn nhiều năng lượng hơn mức nó tạo ra! Nhưng giờ đây, nhờ những tiến bộ trong công nghệ nam châm, chúng ta có thể có được lò phản ứng tổng hợp hạt nhân cung cấp sản lượng điện ròng vào năm 2035.

Một giải pháp năng lượng không thải ra carbon thú vị khác là hydro xanh (khác với việc sản xuất “hydro xám” truyền thống). Qua quá trình điện phân, ta tách được hydro và oxy từ nước mà không tạo ra phụ phẩm nào, đây là hydro xanh. Trong lịch sử, quá trình này tiêu hao rất nhiều điện năng; hydro xanh về cơ bản là không thực tế. Nhưng các nguồn điện tái tạo có thể thay đổi điều này. Chẳng hạn, khi lượng điện tái tạo dư thừa trở nên sẵn có trên lưới điện, thì về lý thuyết, ta có thể dùng năng lượng dư thừa đó để thúc đẩy quá trình điện phân nước.

Từ tất cả xu hướng này, bài học quan trọng được rút ra là chúng ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển liên tiếp và nhanh chóng, nơi nhiều xu hướng công nghệ kết hợp và ảnh hưởng lẫn nhau để mang lại những thay đổi lớn. Đối với các doanh nghiệp, điều này đồng nghĩa với thời nâng cấp công nghệ tuần tự đã qua đi. Liên tục thay đổi sẽ là con đường tương lai.