Giáo dục đại học Mỹ là một ngành công nghiệp lớn – hơn 500 tỷ USD trong chi tiêu hàng năm – và nó cũng chịu áp lực không nhỏ. Các nhà lãnh đạo trường đại học và cao đẳng hiện nay phải gánh vác thêm nhiều nhiệm vụ đối ngoại, mở rộng việc gây quỹ ra bên ngoài và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với địa phương. Họ cũng phải chịu sự giám sát công khai bởi các phương tiện truyền thông xã hội 24/7.
Những sức ép đó, cùng với sự sụt giảm ngân sách nhà nước dành cho các trường đại học công lập, đòi khỏi mức độ quản lý cao hơn. Do đó, nhiều nhà lãnh đạo truyền thống thực sự có năng lực đã không còn muốn tại vị thêm nữa. Ngoài ra, nhiều trường đại học đã trở thành các “doanh nghiệp phức tạp”. Ví dụ, một số trường nghiên cứu lớn có hệ thống bệnh viện chiếm tới một nửa số thu nhập và việc làm.
Trong bối cảnh đó, nhiều trường đại học và cao đẳng chuyển sang tuyển dụng các nhà lãnh đạo phi truyền thống, trong đó có những người đang làm công việc kinh doanh, về làm việc với niềm tin rằng họ có thể đưa ra cách tiếp cận mới cho vấn đề.
Ví dụ về ba trường hợp gần đây: Janet Napolitano, cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, trở thành chủ tịch của hệ thống Đại học California vào năm 2013; Clayton Rose, cựu phó chủ tịch JPMorgan Chase, được bổ nhiệm làm chủ tịch Bowdoin College vào năm 2015; hay Đại học Bang South Carolina bổ nhiệm James Clark, thành viên ban quản trị AT&T đã nghỉ hưu, làm chủ tịch vào năm 2016.
Janet Napolitano, cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, trở thành chủ tịch của hệ thống Đại học California từ tháng 9/2013. Ảnh: Getty Image
Xu hướng rõ rệt ở trường nhỏ, trường top dưới
Theo nghiên cứu của Scott C. Beardsley ở Đại học Virginia (Mỹ), định nghĩa về một nhà lãnh đạo phi truyền thống đến này vẫn chưa thống nhất. Theo định nghĩa của Beardsley, các nhà lãnh đạo phi truyền thống trong giáo dục là những người chưa từng trải qua vị trí giảng dạy toàn thời gian trong trường học. Tuy nhiên, dù được định nghĩa thế nào đi chăng nữa, số các nhà lãnh đạo phi truyền thống hiện nay khá lớn và ngày càng tăng. Họ có thể chiếm đa số vị trí lãnh đạo tại các trường đại học khai phóng (Liberal Arts) trong vòng khoảng một thập kỷ tới, nếu xu hướng hiện nay vẫn tiếp tục duy trì.
Cũng theo nghiên cứu của Beardsley, tỷ lệ các nhà lãnh đạo phi truyền thống phân bố không đồng đều giữa các trường đại học Mỹ. Những trường đang trong tình trạng khủng hoảng với ban điều hành ít lo ngại rủi ro có xu hướng tìm kiếm các nhà lãnh đạo phi truyền thống. Ngoài ra, các trường nhỏ (về quy mô sinh viên, cán bộ, giảng viên, nhân viên), ít nguồn lực, nằm ở khu vực bờ Đông nước Mỹ, hoặc các trường được trợ cấp bởi nhà thờ hoặc các tổ chức tôn giáo, cũng có tỷ lệ lãnh đạo phi truyền thống cao hơn.
Những trường thuộc top dẫn đầu trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất của US News & World Report ít có khả năng bổ nhiệm các nhà lãnh đạo phi truyền thống hơn so với những trường được thuộc top dưới. Cụ thể, tỷ lệ các nhà lãnh đạo phi truyền thống trong nhóm các trường đại học top đầu của Mỹ là 16%, trong khi đó hai nhóm ở vị trí cuối cùng là 44% với bảng xếp hạng được chia thành 5 nhóm bằng nhau.
Lãnh đạo phi truyền thống tại vị lâu hơn
Rất khó trả lời câu hỏi các nhà lãnh đạo phi truyền thống có thành công hơn không, bởi lẽ để trả lời được thì phải xác định và đo lường thành công. Tuy nhiên, có vài dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo phi truyền thống giữ vững vị trí của mình tốt hơn. Beardsley cho biết, thời gian nhiệm kỳ của các lãnh đạo phi truyền thống có khuynh hướng dài hơn, thời gian trung bình của họ là 6,9 năm so với 4,6 năm đối với lãnh đạo truyền thống. Bên cạnh đó, các trường nhiều khả năng sẽ thuê một người lãnh đạo phi truyền thống sau khi kết thúc nhiệm kỳ của một lãnh đạo truyền thống, thay vì ngược lại.
Xu hướng tuyển lãnh đạo phi truyền thống hiện chưa có dấu hiệu đảo chiều và theo thời gian, sẽ có thêm nhiều trường tìm kiếm các nhà lãnh đạo từ bên ngoài. Khi họ thực hiện công việc mới thành công ở một mức độ nhất định, đó sẽ là tiền đề để nhiều nhà lãnh đạo phi truyền thống khác được tuyển dụng sau này.