Sau 3 năm mở cửa, Trung tâm Thông tin năng lượng nguyên tử ở Hà Nội đã đón hơn 50.000 lượt khách tham quan. Tuy nhiên, tình trạng thiếu kinh phí vận hành khiến Giám đốc trung tâm - PGS-TS Hà Mạnh Thư - vô cùng khó khăn trong việc duy trì hoạt động của trung tâm.
Chuyện hơn 3 năm về trước
Năm 2012, việc Nga đề xuất thành lập một trung tâm thông tin năng lượng nguyên tử (NLNT) tại Việt Nam gây ngỡ ngàng cho không ít người - nhất là các bộ, ngành liên quan đến NLNT của Việt Nam. Người Nga - cụ thể là Tập đoàn NLNT quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) - đã sớm đánh giá cao tầm quan trọng của việc tuyên truyền, nâng cao sự đồng thuận của công chúng. Hơn ai hết, Rosatom biết rằng, sự đồng thuận của công chúng là yếu tố hết sức quan trọng đối với việc xây dựng Nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận 1.
Sau nhiều bàn thảo, một biên bản hợp tác xây dựng trung tâm thông tin NLNT tại Việt Nam được ký kết vào năm 2012. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cam kết cấp miễn phí mặt bằng hơn 240m2 trong khuôn viên thư viện của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Hai bên thống nhất, Trung tâm Thông tin NLNT khác với trung tâm quan hệ cộng đồng, hướng đến tương lai của Việt Nam. Một yếu tố nữa cũng được tính đến trong văn bản này: Trung tâm Thông tin NLNT sẽ được đặt tại Đại học Bách khoa Hà Nội - trường đại học hàng đầu về kinh tế - kỹ thuật, có điều kiện mở rộng tầm ảnh hưởng đến công chúng, đặc biệt là người trẻ.
Trong năm đó, các cuộc giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa lãnh đạo trung tâm và 16 trung tâm khác của Rosatom được tổ chức. Khi trung tâm đi vào vận hành, lần đầu tiên phim 3D về điện hạt nhân, những tác phẩm của Nga đã nhận giải thưởng quốc tế được chiếu ở Việt Nam. Lúc đó, phim 3D trên thế giới được sản xuất nhiều nhưng phim 3D về năng lượng hạt nhân thì chỉ Nga mới có.
Tuy nhiên, việc vận hành trung tâm không đơn giản, nhất là khi chỉ có 3 người - một lãnh đạo và 2 nhân viên. Lượng khách tham quan không nhiều, bởi số người biết đến website myatom.vn không nhiều và số người quan tâm đến NLNT càng ít hơn.
Nhiều giải pháp được tiến hành, song việc vận động cộng đồng, người trẻ đến tham quan trung tâm gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân một phần do NLNT là lĩnh vực mới, xã hội ít quan tâm, phần nữa là chế độ tham quan miễn phí cũng tác động đến người dân bởi tâm lý “cái gì miễn phí đều không ra gì”. Mặt khác, nếu như các trường quốc tế, tư thục hào hứng đưa học sinh đến tham quan trung tâm như một hoạt động ngoại khóa thì các trường công lập lại không mặn mà. Lãnh đạo một trường trung học cơ sở ở Hà Nội còn thẳng thừng từ chối tham gia bởi “đã có đầy đủ các hoạt động ngoại khoá”.
Tổng kết năm thứ nhất, Trung tâm Thông tin NLNT đón khoảng 17.000 lượt người tham quan. Nhưng đến năm thứ hai, tình hình trở nên khó khăn hơn. Đầu tiên là việc lãnh đạo Đại học Bách khoa “cắt” 2 nhân viên của trung tâm với lý do: Trung tâm liên quan đến Quyết định số 1558/QĐ-TTg (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT”) nên khoản tiền chi trả vận hành trung tâm sẽ do bên đề án chi trả theo Quyết định 1558. Trung tâm đã gửi nhiều đơn “xin tiền” vận hành và được ban quản lý đề án trả lời rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khoán cho Đại học Bách khoa Hà Nội tự chủ; bên cạnh đó, trường đã tham gia ký biên bản hợp tác với Nga thì phải làm.
Trong khi chưa được gỡ rối về nguồn tài chính, giám đốc trung tâm đã cố gắng cầm cự để có thể duy trì hoạt động trong bối cảnh “3 không”: Không tiền vận hành, không lương, không nhân viên.
Cần cấp kinh phí vận hành trung tâm
Ông Hà Mạnh Thư cho biết, Trung tâm Thông tin NLNT của Việt Nam nằm trong hệ thống các trung tâm được Nga cam hết hỗ trợ về mặt kỹ thuật, hiện đã có tổng cộng 50.612 lượt người đến tham quan. Phía Nga rất trân trọng kết quả này và sẽ tiếp tục hỗ trợ. Năm 2015, Nga cung cấp thêm một phim mới với phần kiến thức hấp dẫn hơn. Trong tháng 11, Rosatom cũng cử chuyên gia sang bảo dưỡng thiết bị, máy móc. Tuy nhiên, nếu không có sự đầu tư về kinh phí, hoạt động của trung tâm sẽ không thể đảm bảo.
Việt Nam đang phát triển năng lượng hạt nhân, công tác tuyên truyền là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Chính phủ đã chỉ đạo về vấn đề này, song phần thực hiện vẫn khá mờ nhạt, thậm chí trở thành bị động. Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể vì “quá bận” nên không thể quan tâm đến việc đào tạo thông qua Trung tâm Thông tin NLNT như một giá trị cộng thêm. Ở các ngành có liên quan khác, công tác tuyên truyền dường như chỉ là hoạt động làm đẹp hơn báo cáo tổng kết quý, năm. Tại chuỗi hội thảo về điện hạt nhân tổ chức tại Ninh Thuận vào trung tuần tháng 11, có một điều ngạc nhiên là khá nhiều tham luận của các diễn giả đến từ các ngành - thậm chí cả phía Nga - lại nói về trung tâm như một dẫn chứng điển hình trong công tác truyền thông.
“Phải có tiền mới tuyên truyền được” - PGS-TS Hà Mạnh Thư nói thẳng. Một mặt, ông đề nghị cấp kinh phí vận hành trung tâm, trả tiền đi lại cho học sinh, sinh viên đến tham quan. Mặt khác, ông đề xuất một phương thức tuyên truyền mới: Thông thường, trong việc xét thi đua, các sở giáo dục - đào tạo thường cho các trường đánh giá lẫn nhau qua các tiêu chuẩn thi đua. Nếu trong tiêu chuẩn này, các sở đưa thêm tiêu chí tham quan Trung tâm Thông tin NLNT trong hoạt động ngoại khoá thì hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng mạnh mẽ hơn. Cạnh đó, theo PGS-TS Hà Mạnh Thư, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có thể hợp tác để sử dụng trung tâm như một công cụ tuyên truyền, bởi ở đây có đủ các điều kiện mà hiện nay chưa bộ, ngành nào của nước ta có được.