Theo GS. TS Ngô Việt Trung, nói các ngành khoa học xã hội nhân văn không thể có công bố quốc tế do đặc thù Việt Nam chỉ là ngụy biện. Nếu chưa đủ trình độ công bố thì các yêu cầu về công bố quốc tế phải được nâng dần lên theo thời gian.


GS.TSKH Ngô Việt Trung. Ảnh Dân trí.

Trong các lĩnh vực khoa học chính trị và xã hội thì nghĩa vụ của các nhà khoa học là phải phân tích được các chủ trương và chính sách của Việt Nam có gì đúng và có gì cần khắc phục.

Bản chất khoa học là tìm cách lý giải và nhận thức thế giới nên chắc chắn các nghiên cứu của Việt Nam sẽ công bố quốc tế được nếu đó là các nghiên cứu một cách bài bản và có ý nghĩa khoa học. Nếu chúng ta không thuyết phục được đa số những người khác là mình đúng thì cần phải xem lại lý luận của mình có gì không ổn.

Ví dụ như toàn thế giới vẫn coi trọng lý thuyết tư bản của Karl Marx. Hay như các nhà kinh tế thế giới hiện nay đều coi các nhà lý luận Trung Quốc đứng đầu trong những nghiên cứu về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Nhiều nhà kinh tế thế giới còn coi đấy là khuôn mẫu cho sự phát triển kinh tế trong tương lai của thế giới vì nó chú trọng đến các mục tiêu dài hạn đảm bảo tính phát triển bền vững của xã hội.

Trừ những nghiên cứu liên quan đến an ninh đất nước thì bất kỳ những nghiên cứu gì mang tính đặc thù của Việt Nam đều có thể công bố được vì khoa học xã hội và nhân văn rất coi trọng tính đa dạng của hệ thống chính trị và kinh tế. Các chủ đề như vậy có khi còn dễ thực hiện hơn các nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên vì các nghiên cứu cơ bản đòi hỏi phải có kết quả mới hoàn toàn.

Không thể nói rằng vì đặc thù Việt Nam mà các ngành khoa học xã hội nhân văn không thể có công bố quốc tế được. Đó chỉ là ngụy biện. Nếu chưa đủ trình độ công bố thì các yêu cầu về công bố quốc tế phải được nâng dần lên theo thời gian.

GS. TS Ngô Việt Trung (Nguyên Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)