Từ những năm 1970, thế giới bắt đầu làm quen với khái niệm "bản đồ công nghệ", "lộ trình công nghệ". Ở Việt Nam, ý tưởng này đã được khơi mào từ những năm 2010, nhưng đến nay vẫn cần rất nhiều nỗ lực để xây dựng và phổ biến thực hành với các doanh nghiệp.
Những thử nghiệm đầu tiên
Bản đồ công nghệ (Technology Map) là công cụ xác định vị thế cạnh tranh và công nghệ hiện tại của một đối tượng chủ thể (ví dụ: doanh nghiệp, ngành công nghiệp, chính phủ,…), đồng thời chỉ ra các công nghệ nên đầu tư dài hạn trong tương lai để mang lại lợi ích lâu dài. Thông tin về công nghệ, sản phẩm và thị trường là những thành tố chính cấu thành nên bản đồ công nghệ.
Từ bản đồ công nghệ có thể xây dựng nên các Lộ trình công nghệ (Technology Roadmap) – là bản kế hoạch với các giải pháp công nghệ cụ thể để phát triển sản phẩm, công nghệ mới nhằm đạt được các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn đối với quốc gia, ngành, lĩnh vực hoặc doanh nghiệp.
Nhiều quốc gia thiên hướng phát triển công nghệ trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đã hưởng lợi từ việc xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ để quản lý hoạt động R&D, phân bổ tài chính và đánh giá hiệu quả dự án. Các công ty lớn tạo ra lộ trình công nghệ của mình để dẫn dắt ngành, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa theo đó để cung cấp sản phẩm phụ trợ.
Tại Việt Nam, nhận thức về tầm quan trọng của bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ đã được đưa ra tại chỉ thị tầm quốc gia.
Chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (năm 2011) đã nêu ra 18 nhiệm vụ chính cần thực hiện, trong đó có nhiệm vụ xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ. Tuy vậy, vào thời điểm đầu tiên đó, các doanh nghiệp thiếu động lực để thực hiện trong khi cơ quan quản lý khó bắt tay thực hiện được vì thiếu cơ sở lý thuyết và phương pháp.
Từ năm 2013, nhận nhiệm vụ nghiên cứu từ Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (SATI), Bộ KH&CN đã chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở lý thuyết cùng một số bản đồ công nghệ ngành cho Việt Nam.
Hợp tác với đối tác quốc tế như viện nghiên cứu Fraunhofer ISI (Đức), viện nghiên cứu KISTEP (Hàn Quốc) và công ty tư vấn Strategic Business Insights (Nhật), Cục SATI đã thiết lập khung phương pháp luận cần thiết cho việc lập bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ tại Việt Nam.
"Một số phương pháp như xây dựng kịch bản, phỏng vấn chuyên gia, nhìn trước công nghệ (foresight), phân tích SWOT,… đã được sử dụng khi xây dựng bản độ và lộ trình công nghệ”, TS. Nguyễn Trường Phi, Giám đốc Trung tâm Thiết kế, chế tạo và thử nghiệp (SatiTech), chủ nhiệm đề tài về bản đồ công nghệ ngành cơ khí, chia sẻ. “Trong mỗi bước lại cần những kĩ năng nhất định để xử lý dữ liệu. Chẳng hạn, chúng tôi đã được Hàn Quốc chuyển giao hệ thống đánh giá theo thứ bậc (AHP) có điều chỉnh tham số phù hợp với từng ngành của Việt Nam, ví dụ ngành công nghệ nano thì trọng số về tài sản trí tuệ sẽ cao hơn, trong khi những ngành có dấu hiệu bão hòa như cơ khí chế tạođược ưu tiên những chỉ số liên quan đến thị trường.”
Thử nghiệm đầu tiên về bản đồ công nghệ cho ngành sản xuất khuôn mẫu được Cục SATI thực hiện năm 2015 để kiểm nghiệm phương pháp. Từ năm 2017 đến nay, Cục SATI đã và đang triển khai các bản đồ cho ngành công nghệ vi sinh và ngành cơ khí chế tạo ô tô và máy nông nghiệp.
Đồng thời, cơ quan này cũng hỗ trợ các đơn vị khác làm bản đồ công nghệ cho một số ngành: công nghệ protein và enzyme; tế bào gốc; công nghệ bức xạ, đồng vị phóng xạ trong y tế và công nghiệp; phát triển IoT; nhựa kỹ thuật và công nghệ in 3D; vật liệu bán dẫn, chọn tạo giống lúa; sản xuất Vacxin.
Các đối tác đã được Cục SATI chuyển giao phương pháp gồm một số cơ quan nhà nước cấp Cục, Viện nghiên cứu, Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh, Sở KH&CN Đà Nẵng và bước đầu triển khai tại một số doanh nghiệp lớn …
Về cơ bản, cơ quan quản lý như SATI nắm rõ phương pháp và có mạng lưới chuyên gia tốt nhưng lại hạn chế về nhân lực, đồng thời khó có thể tiếp cận thỏa đáng những thông tin bí mật của doanh nghiệp. Trong khi các công ty đầu ngành hoặc hiệp hội ngành lại có vị thế và khả năng lan tỏa ngành cao. Do động lực kinh doanh, bản thân doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến hoạt động tìm kiếm, lựa chọn công nghệ và đối tác phù hợp.
“Do vậy, cơ chế ở đây là khuyến khích doanh nghiệp lớn tham gia xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ. Cục có phương pháp, có dữ liệu chuyên gia - đặc biệt là các chuyên gia từ đơn vị công lập (các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học), và có thể song hành hỗ trợ, nhưng thực sự động lực chính xây nên những bản đồ công nghệ ngành hay lộ trình công nghệ nên là doanh nghiệp,” TS. Nguyễn Trường Phi chia sẻ.
Thách thức về chuyên gia, dữ liệu thị trường và dữ liệu doanh nghiệp
Bản đồ công nghệ là căn cứ để đưa ra quyết định phù hợp, bởi Việt Nam không hẳn cần công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất mà sẽ cần công nghệ phù hợp nhất với điều kiện của mình. Những nhà quản lý đều mong muốn xây dựng bản đồ công nghệ bởi chúng có nhiều ý nghĩa, giúp quản lý hoạt động R&D, định hướng đầu tư, phân bổ tài chính và đánh giá hiệu quả dự án.
Việc xây dựng bản đồ, lộ trình và đổi mới công nghệ đòi hỏi sự vào cuộc của rất nhiều chuyên gia, nhà quản lý đến từ chính phủ, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học. Tại Mỹ, có 72 chuyên gia từ 45 tổ chức tham gia xây dựng lộ trình công nghệ cho ngành công nghiệp sản xuất kính; Australia có 220 chuyên gia thuộc 160 tổ chức tham gia xây dựng lộ trình công nghệ cho riêng ngành ô tô. Hàn Quốc đã huy động hơn 1.000 chuyên gia xây dựng bản đồ công nghệ cho hơn 10 ngành trong 5-10 năm tiếp theo. Trung Quốc đã sử dụng ít nhất 2.000 chuyên gia để xây dựng lộ trình công nghệ Made in China 2025 công bố lần đầu năm 2015 và cập nhật năm 2018.
Số lượng chuyên gia viện / trường của Việt Nam khá lớn, đồng thời mối quan hệ hợp tác với các chuyên gia quốc tế cũng không ít. Tuy nhiên, một trong những trở ngại hiện nay là mối quan hệ viện / trường – doanh nghiệp trong nước còn yếu. Thêm vào đó, mỗi chuyên gia lại có chuyên ngành hẹp khác nhau, do đó ý kiến đánh giá ngành chuyên môn và ngành rộngcủa mỗi chuyên gia sẽ có độ xác thực khác nhau. Cục SATI đã cố gắng hạn chế điều này bằng việc thiết kế câu hỏi theo phương pháp AHP kể trên, nhưng để phương pháp này phát huy được hiệu quả cần có thêm thời gian để có số mẫu đủ độ tin cậy.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các bản đồ công nghệ cũng gặp khó khăn về dữ liệu thị trường và năng lực công nghệ của doanh nghiệp. Chúng ta chưa có sở dữ liệu quốc gia tốt để đáp ứng đủ những thông tin về thị trường, ngành, hiện trạng công nghệ, khoảng cách công nghệ, năng lực R&D trong nước. Số liệu về công nghệ sản xuất trong các doanh nghiệp còn tản mát, không cập nhật thường xuyên và đôi khi được coi là nguồn thông tin không chia sẻ.
Các nghiên cứu bản đồ công nghệ hiện nay đang chủ yếu lấy qua kênh điều tra khảo sát và phỏng vấn. Tuy nhiên, đây sẽ là công việc tốn kém thời gian và tiền bạc nếu không có cách biến chúng thành hệ thống dữ liệu thu thập liên tục hoặc tự động.
“Việc cập nhật dữ liệu cho các bản đồ không nhất thiết phải làm hàng năm, nhưng cần được cập nhật theo chu kỳ để điều chỉnh, bổ xung những xu hướng mới và đánh giá lại tiến trình của các doanh nghiệp. Chu kỳ cập nhật này tùy thuộc vào thời gian vòng đời công nghệ của mỗi ngành, lĩnh vực”, TS. Nguyễn Trường Phi chia sẻ.
Đồng thời, theo TS. Nguyễn Trường Phi, để hoạt động cập nhật thông tin này được thuận lợi, tiết kiệm và hiệu quả, cần bổ sung hành lang pháp lý để có cơ chế khiến doanh nghiệp khai báo thêm một số thông tin về nguồn lực công nghệ và thị trường.
Để có đầy đủ thông tin xây dựng các bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì. Nước Đức mất gần 10 năm để tạo ra các hệ cơ sở dữ liệu có tính tin cậy cao. Việt Nam đang bắt đầu quá trình chuyển đổi số và hình thành các cơ sở dữ liệu tập trung. Trong nước hiện chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới công nghệ, ý thức về công nghệ cũng ở mức trung bình thấp, nên việc ứng dụng hoặc xây dựng bản đồ công nghệ còn khá ít. Điều này cần thay đổi nếu Việt Nam muốn vươn xa hơn.
Mặc dù thông tin trong thời đại này là “dầu mỏ” của thế giới, nhưng chia sẻ cũng là điều quan trọng cho tiến trình phát triển. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang quan niệm khi chia sẻ thông tin thì sẽ mất đi lợi thế và thị phần cho đối thủ cạnh tranh. Nhưng nếu sử dụng những công cụ như bản đồ công nghệ, các doanh nghiệp sẽ có định hướng đầu tư và tìm được những công ty đồng hành cùng mục tiêu, tạo ra cơ hội phát triển cao hơn, làm tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và có khả năng đón những đơn hàng quốc tế.
“Khi đó các công ty sẽ không còn phải cạnh tranh trong nước mà hướng tới cạnh tranh quốc tế. Về dài hạn, doanh nghiệp trong nước sẽ win-win cùng thắng nếu chia sẻ thông tin. Như vậy là tôi lớn lên, anh cũng lớn lên, chúng ta cùng ăn được miếng bánh to hơn của thị trường quốc tế”, TS. Nguyễn Trường Phi nhận xét.
Bản đồ công nghệ Chọn tạo giống lúa thuần chống chịu mặn-hạn do Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long công bố năm 2016 chỉ ra rằng Việt Nam có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu giống lúa thuần, còn với giống lúa lai chỉ đáp ứng được 33%, còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ với giá trị nhập khẩu xấp xỉ 35 triệu USD. Trong đó tỷ trọng xuất khẩu các giống lúa chất lượng cao còn thấp, chưa có giống xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam.
Yêu cầu đặt ra trong tương lai là Việt Nam phải tạo ra giống có chất lượng tốt, năng suất cao, chống chịu với những yếu tố bất lợi như rầy nâu, đạo ôn, bạc lá, virus, hạn mặn, ngập. Từ định hướng đó, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long đã nghiên cứu, tạo ra được một số giống như MO137, OM10373...
Theo đánh giá năm 2016, đổi mới công nghệ trong ngành nông nghiệp đã đóng góp đến 35% tăng trưởng ngành. |