Nhiệm vụ khoa học, công nghệ địa phương là làm sao “có nhiều người nông dân thông minh, nhiều làng thông minh để hướng đến một nền nông nghiệp thông minh, nông thôn thông minh”. Đó là điều mà đến nay chúng ta vẫn còn nợ người nông dân.
Ông Lê Minh Hoan
Một dịp đến thăm bà con nông dân trồng Quýt hồng nhìn thấy vườn tược sai quả mà phấn chấn vô cùng. Người dân quê này nổi tiếng về trồng Quýt hồng và trái cây này đã trở thành thương hiệu của địa phương. Nông dân khấm khá lên cũng nhờ vào Quýt hồng và các trái có múi khác. Nông dân quê mình cần cù lắm và cũng thông minh lắm!
Chợt một anh nông dân chỉ vào cần xé Quýt phân trần: “Đây là Quýt loại nhỏ, tụi tui còn gọi là Quýt “dạt”, bán chỉ có hai ngàn đồng một ký thôi, có khi vô mùa còn rẻ hơn nữa, bao nhiêu mồ hôi đổ ra mà giá rẻ đến đứt ruột”. Anh tiếp lời: “Khách đến tham quan vườn rất thích nước quýt ép tươi vừa thơm vừa ngọt. Nhưng ngặt một nổi, uống tại chỗ thì được, còn không biết cách nào vô chai để được năm ba hôm không bị hư để khách mua mang về. Anh có biết công nghệ nào ép và giữ trái cây mà không phải để các chất phụ gia bảo quản không để nhà vườn tận dụng những loại quýt bán rẻ này không? Nếu được, nhà vườn tụi tui có thêm thu nhập khấm khá đó”. Một câu hỏi đơn giản vậy thôi mà tìm câu trả lời hoài không ra. Nước ép trái cây thì nhiều doanh nghiệp lớn đã làm được rồi, nhưng làm sao có những công nghệ đơn giản hơn để người nông dân làm tại vườn được đây? Mỗi lần nhớ lại câu hỏi đó, thấy như còn một “món nợ” chưa trả với người nông dân quê mình…
Nông nghiệp thì có tính mùa vụ. Lúc chính vụ thì cho ra trái đồng loạt, vậy là “được mùa” thì sản lượng dôi dư ra, bán tươi không kịp thì “dội chợ”, “rớt giá”, rồi dẫn đến câu chuyện phải “giải cứu”. Người ta hay “kêu ca” nông nghiệp xứ mình chỉ chủ yếu bán nguyên liệu thô, mà bán thô là chỉ hưởng “tầng đáy” của chuỗi giá trị. Tầng giá trị cao hơn là bán sản phẩm, cao hơn nữa là tạo ra các dịch vụ như bảo quản, chế biến tinh. Vậy, muốn thoát ra cái bẫy nông sản “dội mùa” thì cần có công nghệ bảo quản, sơ chế, chế biến. Nếu từng hộ nông dân không làm được thì nhiều hộ liên kết trong các hợp tác xã lại làm. Mỗi khi vô vụ mùa, nông sản nào loại ngon thì bán trước, loại ít ngon hơn thì bảo quản dài ngày hơn để bán dần, loại nào không đúng quy cách thì chế biến thành mứt, thành khô, thành nước ép... Quy luật giá cả là thể hiện ở sự khan hiếm hay dư thừa mà thôi!
Vai trò của khoa học, công nghệ ngày càng quan trọng thì khỏi phải bàn cãi rồi, nhất là trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Khoa học, công nghệ góp phần đưa hàm lượng tri thức vào sản phẩm để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Khoa học, công nghệ tầm vĩ mô thì tạo ra giá trị cho sản phẩm cấp độ quốc gia. Khoa học, công nghệ cấp địa phương thì tạo ra giá trị cho sản phẩm cấp độ địa phương. Đâu đó ở xứ người còn tạo ra giá trị cao từ những phụ phẩm nông nghiệp. Vậy thì, trồng lúa đâu chỉ thu nhập từ bán lúa, mà là bán gạo và các sản phẩm sau gạo. Ngay cả rơm rạ, tro trấu và nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp tưởng đâu “bỏ đi”, giờ đây, cũng nhờ vào khoa học, công nghệ mà sản xuất thành nhiều sản phẩm có giá trị: chiết xuất tinh chất vi lượng, năng lượng sinh học và nguyên vật liệu sinh học... . Các sản phẩm giá trị gia tăng từ con cá tra, như: dầu cá, collagen, gelatine, da cá... đã minh chứng cho yếu tố khoa học, công nghệ đã và đang làm thay đổi vượt bậc giá trị như thé nào. Muốn có “tư duy kinh tế” - lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu - thay cho “tư duy sản xuất” - lấy sản lượng làm mục tiêu - phải nhờ vào các giải pháp khoa học, công nghệ.
Đất nước mình dồi dào nguồn phụ phẩm nông nghiệp, hằng năm lượng phụ phẩm chiếm đến 15 - 20% giá trị chính phẩm. Thị trường sản phẩm từ phụ phẩm nông nghiệp còn nhiều tiềm năng phát triển. Chính quyền, doanh nghiệp và nông dân cần xem việc phát triển sản phẩm từ phụ phẩm nông nghiệp như là một ngành mũi nhọn mới, tạo ra nhiều sản phẩm mới. Việc chủ động biến phụ phẩm thành chính phẩm tuy không hề dễ dàng nhưng sẽ là một hướng phát triển nông nghiệp bền vững, chủ động giúp nhiều cây trồng, vật nuôi phát huy tối đa giá trị trong tương lai. Đó là hướng đi phổ quát của các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới. Giá trị gia tăng giữa nông nghiệp và công nghiệp chế biến hòa quyện với nhau, hỗ trợ lẫn nhau, tác động qua lại lẫn nhau.
Đứng trước mục tiêu chuyển đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thay đổi của thị trường, nhiệm vụ khoa học, công nghệ địa phương cũng cần được định hình lại. Các viện, trường trong vùng phải là những hạt nhân kết nối với các trung tâm ứng dụng khoa học, công nghệ địa phương, bám sát nguyên lý chuỗi giá trị để có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ gắn với cuộc sống xã hội. Với tư duy “sản xuất nông nghiệp”, nhiệm vụ khoa học, công nghệ giúp tăng năng suất, sản lượng. Với tư duy “kinh tế nông nghiệp”, nhiệm vụ khoa học, công nghệ là tăng hàm lượng tri thức, tạo ra giá trị gia tăng cao trong từng công đoạn của chuỗi ngành hàng nông sản.
Chúng ta đang sống trong cơn bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Làm sao “đừng để ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình phát triển của địa phương, đất nước. Làm sao hỗ trợ người nông dân để bà con tiếp cận được khoa học, công nghệ nhằm tối ưu hóa tiện ích cho cuộc sống, tối đa hóa lợi nhuận của mỗi nhà, mỗi cộng đồng? Làm sao “Hệ tri thức Việt số hóa” đến được hàng chục triệu nông dân Việt? Nền Nông nghiệp thông minh đâu chỉ là chuyện riêng của những doanh nghiệp, mà “còn là, cần là và phải là” của hàng chục triệu nông dân Việt. Vậy là, “muốn có một nền nông nghiệp thông minh, cần có những người nông dân thông minh”. Và, muốn có những người nông dân thông minh, cần có những ngôi “làng thông minh”.
“Làng thông minh”, ở đó những người nông dân với sự hỗ trợ của công nghệ có tầm nhìn và tư duy vượt qua khỏi hàng rào của làng xã, kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp. “Làng thông minh”, ở đó những người nông dân biết thiết kế ra những sáng kiến mới gần gũi, thiết thực cho cuộc sống của chính mình, xóm làng của mình. “Làng thông minh”, ở đó người nông dân biết kết nối thành những liên minh, tận dụng tài nguyên bản địa kết hợp với sức mạnh của công nghệ, tạo ra những sản phẩm khác biệt có giá trị cao.
Nhiệm vụ khoa học, công nghệ địa phương là làm sao “có nhiều người nông dân thông minh, nhiều làng thông minh để hướng đến một nền nông nghiệp thông minh, nông thôn thông minh”. Nhiệm vụ khoa học, công nghệ địa phương là làm sao góp phần hỗ trợ các dự án khởi nghiệp về nông nghiệp công nghệ cao cấp, nông nghiệp chuyên đề công nghệ cao, làm thay đổi căn bản nền nông nghiệp đất nước. Những câu chuyện đó sẽ không bao giờ trở thành hiện thực nếu chúng ta tiếp tục “bàn”. Phải hành động! Chúng ta ăn cơm của người nông dân, nghĩa là đã “nợ” bà con mình rồi. “Nợ” thì phải cùng nhau về làng “trả” thôi!
“Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần!”