Không còn duy trì được mối liên hệ bền chặt lẫn khả năng nắm bắt tình cảm của công chúng, các chính quyền sẽ thất bại trong việc dự đoán hệ quả từ những chính sách tưởng chừng như rất bình thường và không thể ngờ rằng chúng sẽ châm ngòi cho những bùng nổ xã hội khổng lồ.

Paris, Hongkong và Santiago, ba thành phố thuộc loại giàu có nhất thế giới đã chứng kiến các cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra cùng tình trạng bất ổn kéo dài trong suốt năm qua. Nếu như chính quyền Paris phải đối mặt với làn sóng phản đối và bạo loạn kể từ tháng 11/2018 sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quyết định tăng thuế đánh vào tiêu thụ nhiên liệu (xăng dầu); Hongkong tê liệt từ tháng 3/2019 sau khi Trưởng đặc khu hành chính Carrie Lam đề xuất thông qua một đạo luật cho phép dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc Đại lục; còn Santiago (Chile) thì vừa chìm trong dòng người biểu tình (tháng 10/2019) do lệnh tăng giá vé tàu điện ngầm của Tổng thống Sebastian Piñera. Từng sự kiện có nguyên do và mang các yếu tố địa phương riêng biệt, nhưng cùng nhau, chúng đã vẽ lên một viễn cảnh u ám khi nhận thức về tình trạng bất bình đẳng kết hợp với cảm giác bất mãn vì không có nhiều cơ hội cải thiện tình hình đang ngày càng gia tăng.

Người dân Thủ đô Santiago của Chile biểu tình vì chính phủ quyết định tăng giá vé tàu điện ngầm. Ảnh: Santiego Times.

Người dân Thủ đô Santiago của Chile biểu tình vì chính phủ quyết định tăng giá vé tàu điện ngầm. Ảnh: Santiego Times.

Theo các thống kê truyền thống, cả ba thành phố trên đều những câu chuyện thành công về mặt kinh tế. GDP bình quân đầu người (nominal GDP per capita) của Hongkong là trên 40.000 USD, Paris: hơn 60.000 USD, và Santiago: trên 18.000 USD (tuy thấp hơn song cũng đã là một trong những thành phố giàu có nhất Mỹ Latin). Ngoài ra, Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) 2019 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố cũng xếp Hongkong ở vị trí thứ 3, Pháp thứ 15 và Chile thứ 33 (tốt nhất Mỹ Latin).

Nhưng trong khi các nền kinh tế này được đánh giá là giàu có và cạnh tranh theo các tiêu chí thông thường, phần lớn người dân ở những nơi ấy lại tỏ ra không thật sự hài lòng với nhiều khía cạnh thiết yếu trong cuộc sống. Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report) 2019 do Mạng lưới Giải pháp Phát triển bền vững Liên Hiệp Quốc (United Nations Sustainable Development Solutions Network) phối hợp cùng tổ chức Ernesto Illy Foundation xây dựng, nhiều người Hongkong, Pháp và Chile cho biết, họ đang cảm thấy “mắc kẹt” hay “bế tắc”.

Paris như một bãi chiến trường vì người dân biểu tình chống tăng thuế nhiên liệu. Ảnh: RFI.

Paris như một bãi chiến trường vì người dân biểu tình chống tăng thuế nhiên liệu. Ảnh: RFI.

Hàng năm, một cuộc thăm dò do công ty tư vấn Gallup thực hiện đều hỏi mọi người trên khắp thế giới: “Bạn hài lòng hay không hài lòng với khả năng tự do lựa chọn trong cuộc sống?” Nếu như người dân Hongkong đứng thứ 9 về GDP đầu người (purchasing power parity hay sức mua ngang giá) thì xếp hạng của họ theo các tiêu chí của khảo sát này lại thấp hơn rất nhiều (vị trí 66); trong khi Pháp xếp thứ 25 (GDP) và 69 (về khả năng tự do lựa chọn trong cuộc sống của người dân); còn thứ hạng của Chile lần lượt là 48 và 98.

Điều trớ trêu là cả Tổ chức Heritage Foundation và Viện nghiên cứu Fraser (Canada) đều nhiều năm liền xếp Hongkong là nền kinh tế tự do nhất toàn cầu, tuy nhiên phần lớn người dân nơi đây lại đang bế tắc, thậm chí “tuyệt vọng” vì có rất ít lựa chọn để làm với cuộc sống của chính họ. Ở cả ba nơi, giới trẻ thành thị – những người không sinh ra trong sự giàu có – thường rất chật vật kiếm nhà ở và công ăn việc làm. Hongkong đang có tỷ lệ chênh lệch giữa giá bất động sản so với mức lương trung bình cao nhất thế giới; Chile cũng chứng kiến tình trạng bất bình đẳng thu nhập cao nhất khối OCED (câu lạc bộ của các nước giàu); còn ở Pháp, con cái của những gia đình thuộc tầng lớp tinh hoa thường giành được nhiều lợi thế hơn trong cuộc sống.

Giá nhà đất leo thang đã đẩy phần lớn mọi người ra khỏi các quận thương mại trung tâm, do đó khiến họ phải phụ thuộc vào phương tiện cá nhân hoặc hệ thống giao thông công cộng để di chuyển. Vì thế, họ sẽ dễ trở nên đặc biệt nhạy cảm trước những thay đổi (dù nhỏ) với chi phí vận chuyển, như các cuộc biểu tình vừa qua ở Paris và Santiago.

Người dân Hongkong nổi giận vì dự luật dẫn độ do Chính quyền đề xuất. Ảnh: SMCP.

Người dân Hongkong nổi giận vì dự luật dẫn độ do Chính quyền đề xuất. Ảnh: SMCP.

Không chỉ Hongkong, Pháp và Chile, nhiều nền kinh tế phát triển, trong đó có Mỹ cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về cơ hội và bất bình đẳng. Tỷ lệ tự sát tại Mỹ đang tăng vọt, bên cạnh nhiều dấu hiệu bất ổn khác như liên tiếp xảy ra các vụ xả súng hàng loạt, trong bối cảnh mà khoảng cách giàu nghèo đang bị giãn rộng chưa từng thấy, kéo theo sự sụp đổ niềm tin của công chúng đối với chính quyền. Tình hình có vẻ sẽ không mấy sáng sủa nếu nước Mỹ vẫn tiếp tục duy trì hệ thống cấu trúc chính trị – kinh tế như hiện tại.

Để tránh được viễn cảnh tồi tệ đó, chúng ta cần phải rút ra bài học từ ba trường hợp kể trên. Đó là các chính phủ đã hoàn toàn bị động trước những cuộc biểu tình. Không còn duy trì được mối liên hệ bền chặt lẫn khả năng nắm bắt tình cảm của công chúng, họ đã thất bại trong việc dự đoán hệ quả từ những chính sách tưởng chừng như rất bình thường và không thể ngờ rằng chúng sẽ châm ngòi cho những bùng nổ xã hội khổng lồ.

Điều quan trọng ở đây, và cũng không quá ngạc nhiên, đó là các thước đo kinh tế truyền thống đã không thể phản ánh đầy đủ hạnh phúc và tình cảm thực sự của công chúng. Chỉ số GDP đầu người hoàn toàn không đả động gì đến sự phân phối lại của cải, không bao quát được nhận thức của mọi người về công bằng (hoặc bất công), nguy cơ tổn thương tài chính, cùng niềm tin của họ vào chính phủ. Các bảng xếp hạng khác như Chỉ số Cạnh tranh toàn cầu và Chỉ số Tự do kinh tế cũng nắm bắt được rất ít về ý thức chủ quan của công chúng đối với sự công bằng, khả năng tự do lựa chọn cuộc sống, sự trung thực của chính phủ lẫn niềm tin của người dân.

Để thấu hiểu những khía cạnh này, cần phải hỏi trực tiếp công chúng về cảm nhận và suy nghĩ của họ. Đó là cách tiếp cận đang được Gallup thực hiện, và đưa vào trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới hàng năm. Từ năm 2015, nhiều nước đã bắt đầu tham khảo ý niệm về phát triển bền vững – được phản ánh trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hiệp Quốc, trong tầm nhìn vượt khỏi việc đặt nặng các chỉ số truyền thống như GDP để hướng tới một bộ tiêu chí phong phú hơn nhiều, bao gồm công bằng xã hội, môi trường bền vững và sự tin tưởng của người dân.

Sau cùng, các chính phủ cần cư xử theo hướng bắt kịp với những nhịp đập của xã hội, đặc biệt chú ý đến nguồn gốc của sự bất hạnh và xói mòn niềm tin nơi người dân. Tăng trưởng kinh tế mà thiếu vắng công bằng xã hội và hủy diệt môi trường sẽ chỉ là công thức của sự hỗn loạn, không phải thịnh vượng. Vì thế, chính quyền cần tìm cách mở rộng cung cấp thêm nhiều dịch vụ công thiết yếu và chất lượng; phân phối lại thu nhập, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; bên cạnh cải thiện chất lượng môi trường. Hãy hết sức cẩn trọng, bởi ngay đến các chính sách tưởng chừng rất hợp lý như chấm dứt trợ giá nhiên liệu hoặc tăng giá vé tàu điện ngầm (để cắt giảm chi tiêu công) cũng có thể dẫn đến những biến động khôn lường nếu được áp dụng máy móc trong hoàn cảnh lòng tin xã hội xuống thấp, bất bình đằng leo thang cùng sự lan tỏa của bầu không khí “tiêu cực.”

Tác giả: Jeffrey D. Sachs, Giáo sư Đại học Columbia