Smart city là khái niệm mở, không phải một sản phẩm cụ thể nên hiện quốc tế cũng chưa có định nghĩa rõ ràng. Tuy nhiên, nghiên cứu và xây dựng tiêu chuẩn cho smart city là điều cần thiết và công việc này đang được đưa vào kế hoạch thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết, smart city là khái niệm mở, không phải một sản phẩm cụ thể nên hiện quốc tế cũng chưa có định nghĩa rõ ràng. Tuy nhiên, nghiên cứu và xây dựng tiêu chuẩn cho smart city là điều cần thiết và công việc này đang được đưa vào kế hoạch thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng.

Theo ông Khôi, hiện có hàng trăm tiêu chuẩn đô thị. Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đến nay đã ban hành hàng trăm tiêu chuẩn liên quan đến việc vận hành một smart city, điển hình như: ISO 37120, ISO/TR 37150, ISO 37101, ISO 37102, ISO/TR 37121, ISO 37151, ISO 37152... Nội dung các tiêu chuẩn này tập trung vào việc xác định tiêu chí, định hình phát triển bền vững smart city, đưa ra các tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống và dịch vụ cung cấp cho cộng đồng.


“Do quốc tế chưa có định nghĩa rõ ràng về smart city, nên người ta thường đưa ra khái niệm chung về ứng dụng khoa học công nghệ mới để người dân có được điều kiện dịch vụ cao hơn mức bình thường. Chúng tôi đưa vào kế hoạch đang xây dựng một số tiêu chuẩn khung, căn cứ hướng dẫn chung của ISO để hướng dẫn triển khai xây dựng smart city” - ông Khôi nói và cho biết nếu dự thảo kế hoạch được duyệt, Vụ Tiêu chuẩn sẽ triển khai sớm việc xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương cũng như tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến chuyên gia để đưa ra được tiêu chuẩn hướng dẫn chung. Khi đó, các địa phương, đơn vị tư vấn sẽ có được một bộ chỉ số cơ bản để triển khai xây dựng thành phố thông minh một cách thuận lợi hơn.

Ông Khôi cho biết, mặc dù Việt Nam có cơ hội học tập kinh nghiệm từ các nước đã xây dựng tiêu chuẩn cũng như triển khai áp dụng và đánh giá tiêu chuẩn, song do đây là lĩnh vực mới, lại áp dụng nhiều thành tựu, sản phẩm công nghệ mới để quản lý thân thiện, hiệu quả hơn nên phải có sự tham gia của khoa học, công nghệ và đội ngũ chuyên gia. Đây là khó khăn mà cơ quan xây dựng tiêu chuẩn đã tiên lượng để tìm giải pháp phù hợp.