Hãy làm, biết lắng nghe để điều chỉnh, định hướng, tham mưu cho lãnh đạo và xác định là quá trình lâu dài, tránh gấp gáp là điều quan trọng để việc xây dựng thành phố thông minh (Smart City) có hiệu quả.

Đó là chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Smart City tại Đà Nẵng của TS. Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng tại Hội thảo “Giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh” do Viện Khoa học và Công nghệ tính toán phối hợp với Hội Tin học TPHCM tổ chức ngày 19/9 tại TPHCM.

Thực hiện theo lộ trình, hạ tầng phải đi trước

TS. Thanh cho biết, Đà Nẵng đã có một quá trình dài trong việc tin học hóa công tác quản lý hành chính, rồi xây dựng mô hình, triển khai chính quyền điện tử. Để triển khai Smart City, Đà Nẵng đã cử lãnh đạo thành phố, các sở ban ngành tìm hiểu, thảm khảo những mô hình của nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, … Đà Nẵng đã xây dựng khung kiến trúc của TPTM dựa trên cách tiếp cận “cứng”, trong đó công nghệ thông tin (CNTT) là nền tảng chủ chốt. Sau đó, thành phố đưa ra khung kiến trúc thành phần theo từng ngành như y tế, giáo dục,..

Đà Nẵng xây dựng Smart City theo từng lộ trình. Giai đoạn đầu xây dựng thành phố “4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an ninh đô thị và an toàn vệ sinh thực phẩm), giai đoạn 2 là thân thiện môi trường, giai đoạn 3 là phát triển bền vững. Các mô hình phát triển dựa trên cơ sở hạ tầng, nhằm giải quyết các những lĩnh vực mang tính vật thể,… như tăng cường hiệu quả của hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông đô thị, hiệu năng của việc sử dụng năng lượng hay xử lý nước thải,…

Theo TS. Thanh, yếu tố hạ tầng phải đi trước một bước để sẵn sàng cho việc triển khai Smart City. Ngoài ra, cần phải xác định việc xây dựng Smart City là cả quá trình lâu dài, tránh gấp gáp. Đồng thời, lãnh đạo phải có tầm nhìn, đảm bảo nguồn nhân, có tính liên kết vùng, đồng bộ thì việc triển khai Smart City mới có hiệu quả.

TS. Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở TT - TT Đà Nẵng
TS. Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng

TS. Nguyễn Trọng - nguyên Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT - cho rằng, để xây dựng Smart City, 5 việc chính cần phải làm gồm:

1. Xác định những thông tin cơ bản mà người dân “bấm” là có và sẵn sàng trả tiền như: điện, nước, thu gom rác,…

2. Tạo lập môi trường công nghệ mà chủ yếu giải quyết vấn đề kết nối và môi trường xã hội.

3. Kiến tạo hệ thống các cơ sở dữ liệu dùng chung, xây dựng nguồn lực thông tin. Việc xây dựng nguồn lực thông tin này cần xã hội hóa. Mọi thành phần sử dụng thông tin cũng có thể đóng góp thông tin theo những quy định của hệ thống.

4. Kiến tạo cơ chế suy luận, tìm kiếm phân tích thông tin theo yêu cầu. Những công cụ tìm kiếm, phân tích thông tin cần được chú ý thích đáng khi các đề án Smart City khởi động.

5. Chế tạo ra được những “công tắc”, “vòi nước” cho hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ thông tin, sao cho ai cũng có thể dùng được để có những thông tin cơ bản một cách dễ dàng.

TS.
TS. Lê Quốc Cường - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM

Xây dựng Smart City mang tính chất “mở”

TPHCM đã xây dựng “Đề án Xây dựng TPHCM trở thành Smart City giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” nhằm phục vụ ba đối tượng chính. Đó là, tập trung xây dựng chính quyền điện tử, đặt nền móng về kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu để gia tăng hiệu quả quản lý nhà nước trên các mặt và lĩnh vực hoạt động.

Đối với người dân, Smart City tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân, tăng cường các tiện ích phục vụ cho người dân.

Với doanh nghiệp, Smart City sẽ kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp hoạt động.

Theo TS. Lê Quốc Cường - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM - để xây dựng thành công Smart City, đòi hỏi phải có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, sự chung tay, tham gia của các nguồn lực xã hội. Vì vậy, TPHCM đã đặt hàng các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiêp công nghệ thông tin - viễn thông đề xuất các dự án cụ thể để triển khai thực hiện xây dựng Smart City. Trong đó chú trọng huy động các nguồn lực ngoài nguồn ngân sách; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và cho thuê các dịch vụ CNTT nhằm triển khai nhanh, hiệu quả các ứng dụng CNTT….

Mục tiêu của đề án là lấy người dân làm trọng tâm, việc xây dựng Smart City là một quá trình liên tục và mang tính chất “mở”. Do đó, sau khi dự thảo đề án được hoàn thành, thành phố sẽ tổ chức lấy ý kiến góp ý của người dân, ý kiến phản biện của các chuyên gia, hiệp hội, ngành nghề,… trước khi ban hành - ông Cường nhấn mạnh.

P
GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM

Theo GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM - nhiều công nghệ chủ đạo của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang trở thành công cụ chủ yếu của Smart City. Nhu cầu sử dụng các thiết bị tự động và có tương tác với con người trong lĩnh vực quản lý, an sinh xã hội ngày càng tăng lên nhanh chóng.

GS Phùng cho rằng, cần xây dựng được hạ tầng thông tin cho Smart City và cơ sở dữ liệu dùng chung để các sở ban ngành phục vụ người dân. Đồng thời, có sự tham gia của người dân vào việc xây dựng Smart City và các hệ thống bao quanh hạ tầng thông tin khi mà thành phố đang xây dựng. Hiện nay, khi xây dựng Smart City, thành phố đang thiên về hạ tầng kỹ thuật mà chưa chú ý đến vấn đề xã hội như dân trí, lối sống, đạo đức,... của người dân cho phù hợp.