Cần xây dựng khung tiêu chuẩn quốc gia cho thành phố thông minh (smart city) tương thích với hệ thống chỉ số ISO với các thành phố toàn cầu.

Là vấn đề được Phó Giáo sư - tiến sỹ (PGS-TS) Nguyễn Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an, thành viên sáng lập Hội đồng Thế giới về dữ liệu các thành phố (WCCD), thành viên Hiệp hội Khoa học tư duy hệ thống thế giới (IFSR) - nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn của Báo Khoa học và Phát triển. Ông cho rằng, chúng ta cần chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu đảm bảo an toàn hệ thống mạng thích ứng với yêu cầu quản lý thành phố phát triển bền vững.

Cần bộ chỉ số để đo lường, đánh giá

Thưa ông, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, việc xây dựng smart city nên bắt đầu từ đâu?

Đô thị - trong lịch sử xã hội, đã trải qua nhiều giai đoạn với các đặc trưng như: Thành phố công nghiệp, thành phố sinh thái - đa dạng sinh học, thành phố sinh thái - thành phố kinh tế (Eco2), thành phố vườn, thành phố phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột là kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, thành phố đáng sống, thành phố có khả năng phục hồi, đô thị điều khiển học - đô thị số.

Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã hình thành cơ sở cho hướng phát triển các thành phố thông minh. Với điều kiện hiện nay của Việt Nam, chúng ta phải bắt đầu từ việc hiểu khái niệm, nội hàm, nội dung của smart city để thống nhất nhận thức và có bước đi đúng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.

Ông Nguyễn Văn Thanh tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu các thành phố thế giới ở Dubai.
Ông Nguyễn Văn Thành tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu các thành phố thế giới ở Dubai.

Nội hàm smart city gồm: Công dân thông minh, căn hộ thông minh, cộng đồng thông minh, dịch vụ công cộng thông minh, kiểm soát an ninh công cộng thông minh, chăm sóc y tế thông minh, kinh tế chia sẻ thông minh... Do đó, cần có bộ chỉ số để đo lường, đánh giá và so sánh các smart city trên phạm vi toàn cầu.

Ở góc độ xây dựng tiêu chuẩn cho smart city, theo ông chúng ta có nên xây dựng khung tiêu chuẩn quốc gia để căn cứ vào đó, các địa phương tùy biến theo điều kiện thực tế của mình?

Xây dựng khung tiêu chuẩn quốc gia cho smart city là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong thế giới phẳng và hội nhập toàn cầu, khung tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam cần tương thích với hệ thống quản lý ISO về các thành phố toàn cầu. Trong điều kiện thực tế Việt Nam cũng như xu hướng chung trước cách mạng công nghiệp 4.0, việc đảm bảo các chỉ số an ninh - an sinh - an toàn đang được đặt lên hàng đầu với rất nhiều thách thức mới, trong đó tác động của an ninh phi truyền thống.

Tại các diễn đàn quốc tế lớn của Liên Hợp Quốc (UN) tại New York, Hội đồng Thế giới về dữ liệu các thành phố - WCCD (ở Dubai), tại các hội thảo bên lề của APEC (ở TPHCM), CEO Summit (ở Hà Nội)..., các nhà khoa học, các nhà quản lý các thành phố đều thống nhất nhận định này.

Theo ông, chúng ta có nên xây dựng mô hình smart city với các chỉ số làm căn cứ và áp dụng?

Về mặt khoa học, việc xây dựng bất cứ mô hình nào cũng cần được trải nghiệm trên thực tiễn, qua đó đánh giá, rút kinh nghiệm. Đặc biệt, thành phố là một xã hội, một phương thức phát triển của xã hội loài người, bao hàm rất nhiều mối quan hệ, các nhóm đối tượng với trình độ nhận thức, quan niệm, niềm tin, tôn giáo khác nhau, quy mô dân số và diện tích khác nhau, điều kiện tự nhiên khác nhau. Bên cạnh đó, quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc xây dựng smart city cũng rất quan trọng. Do vậy, các địa phương khác nhau, các quốc gia khác nhau cũng cần có mô hình thực tế phù hợp.

Hải Phòng đã được lựa chọn là một thành phố áp dụng thí điểm một số mô hình phát triển thành phố như: Thành phố sinh thái - thành phố kinh tế (Eco2-city), thành phố phát triển bền vững quản lý bằng phương pháp tư duy hệ thống, mô hình phòng thí nghiệm học tập cho phát triển bền vững và đa dạng sinh học... và đã được WCCD cấp chứng chỉ ISO 37120 về quản lý thành phố theo tiêu chuẩn quốc tế.

Xác định "điểm đòn bẩy" để phát triển và quản lý

Khi thiết kế xây dựng thành phố thông minh, sẽ có những vấn đề gì cần đặt ra đối với công tác quản lý, thưa ông?

Một đặc trưng cơ bản của smart city là mối tương tác thế giới thực - thế giới ảo, sử dụng công cụ là tư duy hệ thống - xác định đúng “điểm đòn bẩy” để phát triển. Điều kiện cần thiết là bảo đảm sự kết nối liên tục, tin cậy. Sự kết nối rộng khắp cùng việc sử dụng chung cơ sở dữ liệu lớn (big data) là một trong 15 nhóm sản phẩm cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0. Điểm yếu của hệ thống kết nối rộng khắp là sẽ vô cùng nguy hiểm nếu bị gián đoạn hoặc bị chiếm quyền kiểm soát.

Vì vậy, việc quản lý an ninh dữ liệu, an toàn hệ thống mạng phải đảm bảo hầu như tuyệt đối. Công tác chủ động phòng ngừa phải được đặt lên hàng đầu, các hệ thống dự phòng sẵn sàng vận hành khi có sự cố.

Bộ chỉ số dịch vụ và chất lượng cuộc sống đô thị ISO 37120 của WCCD. Nguồn: PGS-TS Nguyễn Văn Thành
Bộ chỉ số dịch vụ và chất lượng cuộc sống đô thị ISO 37120 của WCCD.
Nguồn: PGS-TS Nguyễn Văn Thành

Theo ông, Việt Nam có những lợi thế gì khi triển khai xây dựng smart city? Chúng ta nên làm gì để tránh những rủi ro mà một số nước tiên phong về công nghệ như Nhật Bản từng gặp phải?

Để xây dựng thành phố thông minh cần có nền tảng về thể chế, khung chính sách, bộ tiêu chí đánh giá, quyết tâm chính trị của chính quyền thành phố, hạ tầng công nghệ thông tin và kết nối toàn cầu. Lợi thế của Việt Nam trong việc xây dựng smart city là các thành phố của chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, có nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào. Việc đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật có thể tiến thẳng lên hiện đại, giảm bớt chi phí cho việc hủy bỏ các hệ thống cũ. Tuy nhiên, chúng ta sẽ gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư vì công nghệ hiện đại đi liền với chi phí cao.

Để tránh những thất bại hoặc tình trạng kém hiệu quả như một số nước tiên phong trong cách mạng công nghiệp 3.0 - với công nghệ chủ đạo là công nghệ thông tin và tự động hóa, chúng ta cần tiến thẳng vào cách mạng công nghiệp 4.0, cần lựa chọn mô hình thí điểm với quy mô vừa phải, phù hợp với khả năng đầu tư và quản lý cũng như hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân và doanh nghiệp.

Mục tiêu cao nhất là người dân được hưởng lợi từ các dịch vụ thông minh của đô thị hiện đại, đem lại địa điểm đáng sống, kinh tế dễ phục hồi khi bị tổn thương bởi các biến động thị trường; có các giải pháp thỏa đáng về việc làm khi rôbốt thay thế công việc của con người.

Dưới góc độ quản trị nhà nước, việc triển khai xây dựng smart city có giúp giải các bài toán về kẹt xe, ngập nước, quản lý rác thải... mà một số thành phố lớn đang đối mặt?

Việc triển khai xây dựng smart city trước hết sẽ tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại lâu nay ở các đô thị lớn như: Tắc nghẽn giao thông, ngập lụt, quản lý rác thải và chất lượng không khí, minh bạch hóa thị trường bất động sản...

Khi triển khai cảm biến mọi nơi, kết nối và giám sát mọi nơi thì "điểm đòn bẩy" cho giải tỏa kẹt xe sẽ được giải quyết. Khi đó, người dân có đầy đủ thông tin về tình hình, mật độ giao thông tại các tuyến đường, nút giao... để lựa chọn hành trình thông minh, tạo ra các luồng giao thông ít xung đột hơn. Cảm biến về thời tiết, lượng mưa, thủy triều, lưu lượng nước từ thượng nguồn các con sông sẽ được kết nối để vận hành hiệu quả các trạm bơm, hồ điều hòa, van cửa xả... giúp khắc phục sớm tình trạng ngập lụt. Tóm lại là smart city sẽ mang lại cho người dân đô thị một tiêu chuẩn an toàn mới, an sinh tốt hơn và an ninh được kiểm soát.

Trong điều kiện của Việt Nam, theo ông, chúng ta nên chọn mô hình đầu tư nào cho thành phố thông minh?

Để chọn mô hình smart city cho Việt Nam trong điều kiện hiện nay, cần có nghiên cứu cụ thể. Nghiên cứu ban đầu của tôi cho thấy, "điểm đòn bẩy" cho việc xây dựng thành phố thông minh cần xuất phát từ các chỉ số an ninh - an sinh - an toàn, do đó việc nghiên cứu áp dụng mô hình hợp tác công tư (PPP) là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn hiện nay, phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu hướng chung trên toàn thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

PGS-TS Nguyễn Văn Thành cho biết, tháng 3/2017, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu các thành phố thế giới ở Dubai đã nhất trí với khái niệm smart city do ông - trưởng đoàn Việt Nam - đưa ra theo hướng: “Smart city là thành phố sử dụng công cụ điều khiển hệ tích hợp kết nối giữa hệ thống thế giới thực và thế giới ảo, chủ đạo là tư duy hệ thống, phương tiện là sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; với mục tiêu xây dựng thành phố có giá trị, có sức sống, có khả năng phục hồi và cạnh tranh, thước đo là sự hài lòng của cộng đồng dân cư; có tiêu chí đạt chuẩn các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn về kinh tế, xã hội và môi trường”.

Việt Nam - một trong 21 thành viên của Hội đồng Xây dựng và Quản lý bộ chỉ số thế giới - đang phối hợp với WCCD để phát triển bộ tiêu chuẩn mới cho thành phố thông minh thuộc hệ thống ISO 3712X, kế thừa bộ tiêu chuẩn quốc tế ISO 37120 về thành phố quốc tế - phát triển cộng đồng bền vững do Việt Nam (có đại diện là PGS-TS Nguyễn Văn Thành) phối hợp với WCCD xây dựng, đang được áp dụng cho hàng trăm thành phố trên toàn thế giới, trong đó có Hải Phòng. Bộ chỉ số dịch vụ và chất lượng cuộc sống đô thị ISO 37120 (xem đồ hoạ phía trên) có thể được sử dụng để theo dõi, quan trắc sự tiến bộ trong hiệu quả dịch vụ và chất lượng cuộc sống đô thị.