Các nhà hoạch định chính sách cần thật sự quan tâm xử lý những hạn chế về huy động tài chính cho doanh nghiệp, nếu Việt Nam muốn duy trì quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bao trùm hướng tới trở thành quốc gia thu nhập cao trong những thập kỷ tới - theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam.
Ngày 17/12, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo về thị trường vốn Việt Nam, trong đó dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ đạt kết quả tích cực trong năm 2019 với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,8%. Con số này gần gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới (2,6%) và cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với trung bình các nước Đông Á Thái Bình Dương theo ước tính mới nhất tại báo cáo Viễn cảnh kinh tế toàn cầu của WB.
WB nhận định các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng, tuy nhiên, quốc gia vẫn chưa hoàn toàn miễn dịch với các cú sốc bên ngoài, minh chứng từ việc tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư FDI vào các cơ sở kinh doanh mới tăng chậm lại trong giai đoạn 2017-2019.
Xét những rủi ro bên ngoài nêu trên, đồng thời để mang đến động lực tăng trưởng bổ sung cho nền kinh tế, WB khuyến nghị cần ưu tiên phát triển khu vực tư nhân vững mạnh và năng động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động ở thị trường trong nước đang phải đối mặt với những trở ngại, bao gồm khả năng tiếp cận tín dụng.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Xử lý những hạn chế về huy động tài chính cho doanh nghiệp cần nhận được sự quan tâm cao nhất của các nhà hoạch định chính sách nếu Việt Nam muốn tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bao trùm hướng tới trở thành quốc gia thu nhập cao trong những thập kỷ tới.”
Theo Báo cáo, Việt Nam cần phát triển các thị trường vốn vận hành tốt hơn. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả ở khu vực Đông Á, chỉ ra thị trường cổ phiếu và trái phiếu hoạt động tốt có thể giúp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh trong nước, bổ sung cho nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng và đa dạng hóa các nguồn huy động vốn. Điều này cũng góp phần nâng cao khả năng chống chịu của toàn bộ hệ thống tài chính nhờ đảm bảo thanh khoản sâu hơn và đa dạng hóa được rủi ro.
Tại Việt Nam, một số ý kiến cho rằng sự phát triển nhanh chóng của khu vực ngân hàng, mặc dù đem lại lợi ích, nhưng lại tạo ra một số thách thức làm cản trở sự trỗi dậy của khu vực tư nhân năng động. Chẳng hạn việc phân bố tín dụng ngân hàng vẫn có xu hướng nghiêng về khu vực doanh nghiệp nhà nước, tư nhân khó tiếp cận; nguồn vốn ngân hàng thường gắn với tính chất ngắn hạn của tiền gửi (trên 80% là tiền gửi dưới một năm), chi phí giao dịch tương đối cao do thiếu thông tin, tài sản thế chấp yếu, hệ thống tư pháp vận hành chưa tốt.
Thêm vào đó, Báo cáo cho rằng thị trường tài chính Việt Nam đang tập trung quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, trong khi các công cụ khác như trái phiếu và cổ phiếu đạt xấp xỉ 40%.
Các thị trường vốn ở Việt Nam mặc dù đã có tiến triển từ năm 2011 đến giờ nhưng vẫn còn nhỏ so với Thái Lan và Malaysia lần lượt ở mức từ 1,5 đến 2 lần, và vẫn chủ yếu do một vài tổ chức lớn chi phối, bao gồm cả Chính phủ.
Báo cáo khuyến nghị 5 lĩnh vực mà các nhà lập chính sách cần quan tâm để đẩy mạnh sự phát triển của các thị trường vốn, bao gồm: (i) hiện đại hóa nền tảng quy phạm pháp luật về thị trường vốn; (ii) cải thiện quản trị và công bố thông tin; (iii) mở rộng mạng lưới các nhà đầu tư; (iv) phát triển các sản phẩm sáng tạo; và (v) tăng cường vai trò của Chính phủ trong phát triển các nguồn huy động tài chính dài hạn.
Xem bản đầy đủ của Báo cáo “Bước chuyển về tài chính: Mở lối cho các thị trường vốn nhằm phục vụ tương lai phát triển của Việt Nam” xuất bản tháng 12/2019 tại
đây.