Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chỉ đạt được những mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals SDGs) một cách thực chất khi những hỗ trợ về chính sách của nhà nước được thực thi một cách nghiêm túc và đồng bộ.
Nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm Bộ KH&CN Việt Nam nhưng không vì thế mà hội thảo “KHCN và Đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững” lại diễn ra một chiều với những lời ngợi khen về kết quả đạt được. Nhìn nhận những vấn đề được trao đổi giữa các doanh nghiệp, nhà quản lý và nhà nghiên cứu tại hội thảo, ông Phan Chí Thành, Tổng thư ký Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, cho rằng đây sẽ là những gợi mở về chính sách rất thiết thực để góp phần đưa Việt Nam thực hiện được các mục tiêu SDGs vào năm 2030 như kỳ vọng.
Bắt đầu xuất hiện doanh nghiệp đổi mới sáng tạo vì SDGs
Nếu nhìn một cách thoáng qua các mục tiêu SDGs, vốn tập trung nhiều vào các vấn đề kinh tế xã hội đương đại như xóa đói, xóa nghèo, an ninh lương thực, y tế, giáo dục, năng lượng bền vững, giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước sạch, bảo vệ đa dạng sinh học…, thì có thể nhiều người sẽ không thấy ngay vai trò của KH&CN. Nhưng đằng sau tất cả các mục tiêu và phạm vi bao phủ đó là những hoạt động đổi mới sáng tạo, những ứng dụng các công nghệ tiên tiến có khả năng đem lại các giải pháp hiệu quả và tác động dài lâu đối với đời sống xã hội, môi trường… Do vậy, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đánh giá: “Từ trước đến nay, chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ tác động của KH&CN với đời sống xã hội ở các khía cạnh an ninh lương thực, dịch bệnh, giao thông, xử lý chất thải, ứng phó với biến đổi khí hậu… Ở đâu cũng cần KH&CN để xử lý vấn đề xã hội”.
Điều này đã thể hiện một cách rõ nét ở một số doanh nghiệp KH&CN Việt Nam, những nơi đi tiên phong trong ứng dụng các cải tiến công nghệ và các kết quả nghiên cứu khoa học. Đó là câu chuyện giảm thiểu chi phí nhiên liệu 10 năm trước của Minh Long 1 với công nghệ đốt một lần lửa riêng có trong sản xuất gốm sứ cao cấp đạt tiêu chuẩn châu Âu để thay thế công nghệ nung hai lần với nhiều công đoạn phức tạp. Khi đó, việc tìm ra phương pháp này đã góp phần giúp Minh Long thoát khỏi bế tắc tưởng chừng không lối thoát bởi giá gas tăng hằng ngày bên cạnh một số chi phí đầu vào khác cũng tăng trong khi phải đảm bảo chất lượng nung của châu Âu ở nhiệt độ 1380oC.
Những gợi mở từ cách làm của Minh Long đã đem lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp đi sau trong sử dụng bền vững nguồn lực, nguồn chi phí đầu vào mà vẫn đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Tại hội thảo, chia sẻ của ThS Nguyễn Thị Hương Liên, Phó chủ tịch Công ty Sao Thái Dương cho thấy việc triển khai những ứng dụng KH&CN trên hầu hết các hoạt động quan trọng của một công ty chuyên về dược mĩ phẩm “nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu truyền thống bằng phương pháp dựa trên bằng chứng và minh bạch của phương Tây”. Chị cho biết, ngay từ bước khởi đầu gây dựng, Sao Thái Dương đã nghĩ tới việc phải làm tốt những vấn đề tưởng chừng như xa xôi như bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, đầu tư cho khoa học để đổi mới sản phẩm… “Chúng tôi mời chuyên gia trong nước và nước ngoài tới tư vấn về thiết kế các công nghệ xử lý nước thải và thiết kế các quy trình từ ruộng đồng đến nhà máy, cho đến quản lý các chất thải khí, chất thải rắn và nước thải để không gây ô nhiễm, xả thải ra môi trường”, chị nói.
Ngay cả tiết kiệm năng lượng, vấn đề mà nhiều doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI thường “tảng lờ” vì dựa vào chính sách ưu đãi về giá điện của nhà nước, mặt khác không muốn đội giá thành đầu tư khi chọn công nghệ mới, thì Sao Thái Dương cũng chấp hành nghiêm túc, “dù đầu tư cho các công nghệ và thiết bị đó có thể làm tăng suất đầu tư lên khoảng 10 đến 20% nhưng về lâu dài, nó giúp chúng tôi tiết kiệm khoảng 50% về chi phí năng lượng trong quá trình sử dụng. Ngay cả khu văn phòng hiện nay thì cũng được Bộ Xây dựng đánh giá là tiết kiệm 44% năng lượng so với quy chuẩn xây dựng bình thường của các văn phòng khác”, ThS Hương Liên nhấn mạnh đến giá trị “thấy được” mà các giải pháp đó mang lại cho công ty.
Thấp thoáng đâu đó trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng có một số công ty đã nhìn thấy hiệu quả từ việc áp dụng KH&CN tiên tiến, đổi mới sáng tạo, ví dụ Công ty Dược phẩm Traphaco dành từ 3-5% doanh thu (gần 100 tỷ đồng) cho hoạt động R&D, sẵn sàng bảo hộ vĩnh viễn quyền tác giả của các nhà khoa học hợp tác với công ty; Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông mở phòng thí nghiệm chung với các nhà khoa học trường ĐH Bách khoa HN, đầu tư nghiên cứu những sản phẩm mới như đèn led dùng trong nông nghiệp hiệu quả, tiết kiệm điện, giá thành rẻ; Công ty Thép Hòa Phát Hải Dương (Tập đoàn Hòa Phát) tận dụng hơi quá nhiệt từ công đoạn luyện thép và cán thép cho nấu ăn làm giảm chi phí sử dụng khí gas, sử dụng công nghệ tách ẩm trước khi đưa không khí vào lò cao; Nhà máy sợi Phú Cường của Vinatex ở Đồng Nai áp dụng dây chuyền sản xuất thông minh do phần mềm vận hành từ khâu đầu đến khâu cuối chu trình dệt nhuộm…
Chưa phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp
Tuy hiệu quả được thể hiện trên nhiều mặt nhưng những trường hợp như vậy chưa phải là phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, vốn có đặc điểm là “những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, không có nhiều vốn đầu tư vào đổi mới KH&CN, tỷ lệ đầu tư cho R&D còn hạn chế, tỷ lệ áp dụng KH&CN chưa cao, chưa tạo được công nghệ nguồn để có thể đạt được các mục tiêu SDGs” như thừa nhận của ông Nguyễn Quang Vinh.
Đây là một trong những kết luận mà VCCI rút ra sau khi thực hiện đề tài “Đánh giá nhu cầu đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới trong các doanh nghiệp Việt Nam” thuộc Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 (Bộ KH&CN). Theo kết quả khảo sát, chỉ có khoảng gần 13,8% số doanh nghiệp sử dụng công nghệ mới (sau năm 2005) của các nước phát triển hàng đầu thế giới, 62,7% doanh nghiệp sử dụng công nghệ có độ tuổi trên 8 năm, trong đó 23% sử dụng công nghệ có độ tuổi trên 10 năm, “ngay cả các doanh nghiệp FDI, nơi chúng ta kỳ vọng thu hút công nghệ cao thì tỉ lệ công nghệ xuất xứ từ EU hoặc Mỹ cũng chỉ chiếm 6,9%, chỉ cao hơn so với khu vực ngoài nhà nước (5,71%) nhưng thấp hơn so với doanh nghiệp nhà nước (18,18%)”, ông Nguyễn Quang Vinh nêu.
Việc thay đổi hiện trạng đó của các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn ban đầu mà còn phụ thuộc cả vào “nhận thức của những người đứng đầu doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quang Vinh lưu ý. Do không phải chủ doanh nghiệp nào cũng muốn dành những khoản đầu tư mới cho công nghệ hoặc có ý thức đón chuyển giao công nghệ nên “việc thực hiện chuyển giao công nghệ mới từ nước ngoài vào Việt Nam rất khó khăn, với các công ty FDI chủ yếu là do nhà đầu tư nước ngoài tự giới thiệu chứ không phải do doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu đề xuất”. Về lâu dài, nó sẽ dẫn đến một số hậu quả như “hạn chế hiệu quả chuyển giao công nghệ, trong một số trường hợp là công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết.
Cũng từ nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp mà phần lớn các doanh nghiệp đều tự thực hiện đổi mới sản phẩm. Theo kết quả đề tài, chỉ có “14% phối hợp với các cá nhân, đơn vị bên ngoài để làm điều đó. Điều này cho thấy mức độ ‘đóng kín’ của các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động sáng tạo”.
Chưa đồng bộ trong triển khai và thực hiện chính sách
Trong phần trình bày về “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030”, bà Nguyễn Thị Thu Nga (Vụ KH, GD và MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nêu một thực tế, việc thực hiện được 17 SDGs của Liên Hợp Quốc với 158 chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam cần một nguồn tài chính rất lớn, “năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với IMF để rà soát vấn đề tài chính và nhận thấy việc thực hiện các mục tiêu SDGs như y tế, nước sạch, giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường…, chúng ta cần 101 tỷ USD, trong đó ngân sách nhà nước có thể huy động 70%, hơn 30% sẽ từ các nguồn khác, đặc biệt là từ khu vực tư nhân”. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong quá trình thực hiện các mục tiêu SDGs ở góc độ sẵn sàng tham gia, sẵn sàng thực hiện các mục tiêu đó thông qua hoạt động sản xuất và đóng góp cho xã hội của mình.
Để các nỗ lực đó của doanh nghiệp thực sự hiệu quả không chỉ ở giai đoạn trước mắt và lâu dài, các doanh nghiệp không thể “đi một mình” mà cần có sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các chính sách, cơ chế. Hiện tại, chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các hoạt động đầu tư, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp… ở nhiều cấp khác nhau và nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như việc thành lập các quỹ đầu tư do các bộ, địa phương quản lý song song với quỹ KH&CN của doanh nghiệp, việc thực hiện các chương trình KH&CN cấp quốc gia nhằm khuyến khích sự hợp tác của trường/viện với doanh nghiệp…, tuy nhiên hiệu quả chưa thật đồng đều và chưa cao. Lý giải một phần nguyên nhân, bà Nguyễn Thị Thu Nga cho rằng, một trong những khó khăn hiện nay của quá trình thực hiện các mục tiêu SDGs là “cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành chưa được hình thành và vận hành thông suốt”, dẫn đến “sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách chưa thực sự chủ động”.
Đó cũng là vấn đề với Bộ Công thương, một nơi tập trung xây dựng hệ thống chính sách và văn bản hướng dẫn trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ năng lượng đến các ngành sản xuất. Đại diện Bộ Công thương thừa nhận tại hội thảo: “Trong giai đoạn phát triển vừa qua mặc dù có nhiều đổi mới, khung chính sách liên tục được hoàn thiện nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, đặc biệt với chính sách quy hoạch và thực hiện phát triển năng lượng tái tạo, do sự không đồng bộ trong thực hiện và triển khai chính sách”.
Với những doanh nghiệp tư nhân luôn muốn thực thi nhiều giải pháp KH&CN, nhiều đổi mới sáng tạo để tạo ra một chuỗi sản xuất khép kín, bền vững và đem lại nhiều công ăn việc làm cho xã hội như Sao Thái Dương, đây cũng là một câu chuyện khó. “Mỗi năm chúng tôi sử dụng 6.000 tấn nguyên liệu của khoảng 200 loại dược liệu khác nhau, nhưng việc đảm bảo được nguồn cung ổn định rất khó. Chúng tôi đã đề nghị các trang trại ở các khu vực miền núi, nông thôn cung cấp thảo dược hữu cơ nhưng chỉ có 6 thảo dược đạt tiêu chuẩn này”, ThS Hương Liên nêu khó khăn của mình. Điều chị băn khoăn là mặc dù đã ban hành Quyết định 1976/QĐ-TTg về quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng năm 2030 vào năm 2013 và Quyết định 179/QĐ-BYT về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 1976/QĐ-TTg vào năm 2015 nhưng trên thực tế thì không được như mong muốn khi “vẫn còn tình trạng ‘xôi đỗ’ trong trồng dược liệu khiến doanh nghiệp nhiều khi phải đi nhập khẩu dược liệu từ nước ngoài”.
Trong Quyết định 622/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phat triển bền vững, Bộ KH&CN được giao chủ trì mục tiêu 9.4 là tăng cường nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực công nghệ của các ngành công nghiệp; khuyến khích sáng chế phát minh; đến năm 2030 tăng đáng kể tỷ lệ người làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và triển khai; tăng đầu tư cho nghiên cứu và triển khai, trong đó bao gồm các nhiệm vụ:
Sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy cung - cầu công nghệ.
Tăng cường đầu tư cho KH&CN; đẩy mạnh các hoạt động R&D để có thể tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số sản phẩm công nghệ cao.
Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại nhằm tạo sự đột phá về công nghệ trong sản xuất đối với những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và công nghiệp ưu tiên.
Tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu KH&CN có đủ năng lực tiếp thu làm chủ công nghệ mới, sáng tạo công nghệ phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên.
Áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến; thực hiện chính sách giá năng lượng, tài nguyên, công lao động và các chi phí sản xuất khác thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực KH&CN, đặc biệt là nhóm chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn - kỹ thuật tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, có đủ năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao và đề xuất những giải pháp KH&CN, giải quyết về cơ bản những vấn đề phát triển của đất nước. |