Kinh tế tư nhân đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong guồng máy tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, sự lớn mạnh này dường như vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn khá mong manh và dễ bị tổn thương trước các biến động, do vấp phải quá nhiều rào cản.

.

Sau hơn ba thập niên Đổi mới xóa bỏ bao cấp) và kể từ khi Luật Doanh nghiệp được ban hành năm 1999 (trải qua thêm hai lần sửa đổi vào năm 2005 và 2014), khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) ở Việt Nam đã chứng kiến một sự bùng nổ mạnh mẽ cả về chất về lượng, song hành cùng môi trường chính sách và khung pháp lý hỗ trợ không ngừng được cải thiện. Đến năm 2017, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã khẳng định nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển của khu vực KTTN, trở thành một động lực chủ chốt của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Cuối năm 2018, báo cáo Kinh tế tư nhân Việt Nam: Năng suất và thịnh vượng (Vietnam private sector: productivity and prosperity) do Economica công bố đã chỉ ra: khu vực tư nhân đang chiếm khoảng 38,6% GDP của Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp đăng ký chính thức nắm giữ 8,2% và hộ kinh doanh là 30,43% còn lại. Có thể nói, KTTN đang tạo ra sự đóng góp đáng kể vào sứ mệnh kiến tạo công ăn việc làm, cải thiện điều kiện an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội (trong đó có quyền của người lao động và bình đẳng giới) cùng sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam.

Đặc biệt, khu vực KTTN đã vượt qua khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên phương diện tạo thu nhập cho người lao động, kéo theo xu hướng dịch chuyển công ăn việc làm sang những ngành nghề đòi hòi năng suất lao động và tiền lương cao hơn. Ngoài ra, các báo cáo về chỉ số ICOR (tỷ lệ vốn/sản lượng tăng thêm) cũng chứng tỏ, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) ở Việt Nam đang sử dụng vốn đầu tư hiệu quả hơn nhiều so với DNNN, mặc dù không được ưu đãi về thuế, đất đai hay khả năng tiếp cận nguồn vay bằng.

Mặc dù vậy, năng suất và tốc độ tăng năng suất của phần lớn các DNTN hãy còn rất thấp, khiến chất lượng tăng trưởng của khu vực này không tránh khỏi bị hoài nghi. Như tại Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 vừa được tổ chức hôm 15/3 tại Hà Nội, PGS. TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã nêu nhận định: với tỷ lệ đóng góp quá khiêm tốn trong GDP, các DNTN vẫn chưa thể tạo dựng vị thế vượt trội so với khối DNNN và hộ kinh doanh (HKD) – hai lực lượng có vấn đề nhất về năng lực, sức cạnh tranh yếu và khó trở thành trụ cột bảo đảm cho sự thịnh vượng của nền kinh tế trong quá trình hội nhập.

Bên cạnh đó, sự thống trị về mặt lượng của loại hình hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm tới 95% trong khu vực KTTN) mà thiếu vắng những tay chơi với quy mô “vừa trở lên” cũng là một trở lực lớn, hay đúng hơn là sự khuyết thiếu nghiêm trọng về mặt cơ cấu, chứng tỏ khu vực KTTN của Việt Nam rất khó lớn, chậm lớn và cũng không có nhiều lực lượng tốt để phát triển thành lớn, thông qua quá trình tích lũy, hấp thụ và chuyển dịch. Chẳng hạn, việc hàng trăm ngàn hộ kinh doanh trên cả nước vẫn thường trì hoãn đăng ký đẻ hoạt động như các doanh nghiệp chính là biểu hiện rõ nhất của một nền kinh tế bán khai, bán chính thức hay vị thành niên.

Thứ nữa, các chỉ số về hiệu quả hoạt động tài chính của các doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN cũng bộc lộ nhiều điểm đáng lo ngại, như tỷ suất lợi nhuận rất thấp (thấp hơn nhiều so với khu vực DNNN và FDI), hay có tới gần một nửa số doanh nghiệp thường xuyên báo lỗ – tình trạng nếu kéo dài chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực và cản trở quá trình tích lũy các nguồn lực để mở rộng quy mô, không chỉ với các doanh nghiệp mà còn cả nền kinh tế. Ngoài ra, khu vực KTTN cũng sắp phải đối diện với một sự sụt giảm mạnh của các nguồn lực vốn một thời rất dồi dào nhờ cơ cấu dân số vàng chi phí nhân công rẻ – lợi thế này, theo dự báo sẽ nhanh chóng mất đi trong khoảng 10 – 15 năm tới, khiến Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và “chưa giàu đã già”.

Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân với quy mô lớn và được quản trị tốt hơn ở Việt Nam sẽ có xu hướng tăng trưởng tích cực về năng suất và hiệu quả hoạt động. Do đó, Nhà nước nên đặt ra chính sách với trọng tâm hướng vào sự ưu tiên để có ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả nhờ mô hình quản trị chuyên nghiệp, tích lũy nhiều vốn, nhân tài và công nghệ, thay vì quá bị ám ảnh bởi chỉ tiêu cả nước có hơn 1 triệu DNTN vào năm 2020. Trong đó, vai trò của các tay chơi đi đầu, dẫn dắt và thúc đẩy tăng trưởng của cả một ngành hoặc cụm công nghiệp lại càng cần nhận được sự lưu tâm đặc biệt. Điều này chắc chắn sẽ phải là xu thế chủ đạo nếu Việt Nam thật sự mong muốn duy trì đà và cải thiện chất lượng tăng trưởng.

Tuy nhiên, trước hiện trạng số lượng doanh nghiệp tư nhân với quy mô “thực sự” lớn ở Việt Nam còn quá ít ỏi (chỉ chiếm khoảng 2%) và chủ yếu “ăn nên làm ra” nhờ các hoạt động mang tính đầu cơ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững, bên cạnh biểu hiện “tham nhũng chính sách” và nguy cơ vi phạm pháp luật, cũng như không thể tạo ra nhiều đóng góp đáng kể vào quá trình cải cách môi trường kinh doanh, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng còn rất nhiều việc mà Việt Nam cần phải làm để trả lại vị thế xứng đáng cho khu vực KTTN.

Trong trung hạn, chính phủ cần tìm cách tăng cường mối liên kết giữa các thành phần cấu thành khu vực KTTN (bao gồm doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh), chấm dứt hiện tượng tồn tại riêng rẽ ba nền kinh tế trong cùng một nền kinh tế. Tiếp đến, phải nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao hiệu quả cạnh tranh thông qua xóa bỏ sự phân biệt đối xử (vốn cố hữu) giữa các DNNN với DNTN, giữa DNTN trong nước với doanh nghiệp FDI, đồng thời kiêm quyết chống lại mọi biến tướng của hiện tượng cánh hẩu, sân sau hay lợi ích nhóm.

Thời gian qua, chính phủ cũng chứng tỏ đang ngày càng trở nên thuần thục hơn trong vai trò “kiến tạo” và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, hướng tới mục tiêu thịnh vượng như báo cáo Việt Nam 2035 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng World Bank xây dựng.Vì thế, chúng ta hãy cùng lạc quan tin tưởng, rằng sự chuyển hóa tích cực này, bên cạnh những thuận lợi mang tính thời cuộc và địa chính trị, cũng như cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (CPTPP và EVFTA) mà Việt Nam đang tích cực theo đuổi sẽ chắp cánh cho khu vực KTTN bay cao.

Bản thân các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam cũng dần phải tự trang bị cho mình tư duy của “kẻ chơi lớn”, tức dám phát triển dựa trên năng lực thật của chính mình, phải thắng thật chứ không chỉ nhờ những ưu đãi chính sách từ Nhà nước, theo TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương.