Dữ liệu đã tạo ra một nền kinh tế hùng mạnh mới và đòi hỏi các nhà quản lý phải điều chỉnh nhiều chính sách để thích nghi.
Nhìn ra thế giới có thể dễ dàng bắt gặp một công ty Mỹ đang phát triển những thế hệ xe không người lái tiếp theo, một công ty tài chính Trung Quốc đang mở rộng cho vay cho những cửa hàng gia đình trước đây không thể tiếp cận tín dụng, hay các nhà nghiên cứu tại một công ty dược phẩm Thụy Sĩ đang phát triển một vài phương thức điều trị bệnh mãn tính. Tất cả những công ty này có điểm gì chung?
Nếu hỏi các công ty trên toàn cầu cách đây 30 năm, câu trả lời nhận được có lẽ là “không nhiều”. Nhưng ngày nay đáp án rất rõ ràng, tất cả chúng đều dựa vào cùng một đầu vào không thể thiếu - đó là dữ liệu, rất nhiều dữ liệu.
Nhiều công ty khổng lồ nhất thế giới, ở cả trong và ngoài lĩnh vực công nghệ, đều đang dùng dữ liệu là cốt lõi trong mô hình kinh doanh. Giá trị những công ty thâm dụng dữ liệu như Alibaba, Alphabet, Facebook đã tăng đột biến khiến nhiều người tự hỏi có phải dữ liệu đã trở thành nguồn dầu mỏ mới?
Theo đó, việc hợp tác giữa các cơ quan quản lý của từng nước và trên khắp thế giới là điều thiết yếu để giải quyết các thách thức liên quan đến luồng dữ liệu ngày càng gia tăng.
Xem xét khía cạnh kinh tế
Dữ liệu là thông tin, do đó việc thu thập và giao dịch sẽ tạo ra luồng thông tin lưu chuyển giữa công ty và người tiêu dùng. Nhờ có những màn hình cầm tay trên khắp thế giới mà những công ty tìm kiếm và mạng xã hội có thể theo dấu người dùng, nhằm cung cấp những dịch vụ mới cá thể hóa mà khách hàng có thể hứng thú.
Bên cạnh đất đai, vốn, lao động và dầu mỏ, dữ liệu đã trở thành đầu vào quan trọng trong sản xuất kinh tế hiện đại. Nó cung cấp “nhiên liệu” cho các thuật toán trí tuệ nhân tạo, từ đó tạo ra những dự báo được sử dụng cho nhiều ứng dụng như xe không người lái, thử nghiệm thuốc, cấp tín dụng, quảng cáo theo mục tiêu….
Nhưng dữ liệu không giống những đầu vào khác theo những cách rất đặc biệt. Nó có thể được nhiều người sử dụng đồng thời mà không bị cạn kiệt, nghĩa là tích lũy dữ liệu sẽ càng tạo ra cơ hội tăng năng suất và tăng trưởng dài hạn tốt hơn. Giá trị của dữ liệu chỉ được giải phóng khi có nhiều công ty hoặc nhà nghiên cứu truy cập, từ đó tạo ra cạnh tranh trong quá trình đổi mới sáng tạo và hình thành tri thức.
Một cách khác nữa là, khi dữ liệu cá nhân được hai công ty trao đổi, giao dịch này sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người đó, có thể khiến họ gặp bất lợi. Nếu người đó không được bồi thường hoặc thậm chí không biết về giao dịch, thị trưởng dữ liệu sẽ tạo ra những tác hại thái quá, gây ảnh hưởng xấu đến số đông còn lại.
Việc ngăn chặn hành vi trộm cắp, lạm dụng dữ liệu của người khác là công việc tốn kém. Liệu doanh nghiệp có chi đủ tiền để bảo vệ dữ liệu mà họ đã thu thập? Các công ty có động lực mạnh giữ gìn danh tiếng khiến họ muốn tránh những vụ rò rỉ dữ liệu lớn. Nhưng đối với từng công ty riêng lẻ, họ khó có thể nhìn thấy hoặc cân nhắc tác động của mình tới niềm tin chung của công chúng trong toàn bộ nền kinh tế dữ liệu rộng lớn.
Hướng tới chính sách dữ liệu hiện đại hóa
Sự phổ biến dữ liệu trong nền kinh tế mang đến cơ hội to lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng thông qua hiệu quả và đổi mới sáng tạo. Nhưng để làm được điều này mà không ảnh hưởng đến mục tiêu khác như bảo vệ quyền riêng tư, công bằng và ổn định, IMF cho rằng các chính phủ phải hiện đại hóa chính sách để giải quyết ba thách thức đang gia tăng.
• Trước tiên, thị trường dữ liệu đang thiếu minh bạch. Hàng ngày, người dân tham gia vào nền kinh tế dữ liệu nhưng không nhận thức đầy đủ cách thức dữ liệu được sử dụng, chuyển giao và xử lý; dẫn đến việc dữ liệu bị thu thập quá mức và có ít quyền riêng tư. Do đó, chính sách của chính phủ cần làm rõ các quyền và nghĩa vụ với dữ liệu để thị trường có thể hoạt động hiệu quả.
• Thứ hai, các công ty xây dựng bộ dữ liệu lớn có động cơ để tích trữ chúng, dẫn đến khả năng kìm hãm sự cạnh tranh và làm giảm lợi ích xã hội nếu dữ liệu được truy cập rộng hơn. Chính phủ có thể triển khai một loạt các chính sách khuyến khích chia sẻ dữ liệu, thúc đẩy cạnh tranh và đổi mới sáng tạo, đồng thời tôn trọng quyền riêng tư.
• Thứ ba, chúng ta không biết rõ liệu các công ty có đủ nỗ lực để bảo vệ dữ liệu khỏi bị trộm cắp và lạm dụng hay không. Điều này đe dọa đến niềm tin của công chúng và tạo rủi ro cho sự ổn định kinh tế-xã hội. Các chính sách cần đảm bảo rằng những công ty đó đầu tư an ninh mạng đầy đủ.
Đối phó với những thách thức này sẽ đòi hỏi sự hợp tác cả từ bên trong và bên ngoài quốc gia. Theo truyền thống, những vấn đề về tăng trưởng, quyền riêng tư, cạnh tranh và ổn định thường được xử lý bởi bộ ngành và cơ quan quản lý riêng biệt; nhưng một chính sách dữ liệu hiệu quả sẽ cần cách tiếp cận tích hợp để kiểm soát những đánh đổi phức tạp.
Việc hợp tác toàn cầu cũng là điều cần thiết để tránh nguy cơ nền kinh tế số bị phân mảnh khiến truy cập dữ liệu bị giới hạn bởi biên giới quốc gia. Nếu không tin tưởng cách đối tác quốc tế xử lý dữ liệu, mỗi nước đều có thể dựng lên các rào cản kỹ thuật số của riêng mình ngăn việc chia sẻ dữ liệu với bên ngoài.
Có thể nói, tính kinh tế của dữ liệu chỉ ra một tương lai đầy hứa hẹn, miễn sao chúng ta có được chính sách đúng đắn từ bây giờ.